Truy cập nội dung luôn

Phú Bình hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao

2023-07-23 19:31:00.0

Phú Bình vốn được biết đến là địa phương thuần nông, với tỷ lệ lớn người dân sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, nhờ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trên địa bàn đã có sự phát triển nhanh chóng cả về giá trị và tỷ trọng. Tuy vậy, huyện vẫn xác định nông nghiệp giữ vai trò quan trọng và tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất theo hướng hàng hóa, công nghiệ cao.

 

Vùng lúa nếp Thầu dầu theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Úc Kỳ

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Đảng bộ huyện Phú Bình đã chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm có lợi thế địa phương, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành Nông nghiệp của Phú Bình đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tính tới nay, huyện đã có 04 xã được cấp mã vùng trồng lúa; 80 ha diện tích cây trồng được cấp Giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân hằng năm 3,5%; sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt 78.040 tấn/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết; giá trị sản phẩm trên một héc-ta đất nông nghiệp trồng trọt đạt 123 triệu đồng. Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường và liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất thủy sản được phát triển theo hướng thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống có năng suất, giá trị kinh tế cao. Huyện cũng triển khai thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), với 15 sản phẩm được xếp hạng tiêu chuẩn OCOP.

Nếp Thầu dầu được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao. (Trong ảnh: Đóng gói gạo nếp Thầu dầu ở Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ, xã Úc Kỳ)

Cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm có lợi thế địa phương, huyện Phú Bình đã triển khai thực hiện 9 dự án thành phần trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Theo đó, với Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu “Nếp Thầu dầu Phú Bình” theo tiêu chuẩn hữu cơ, Phú Bình đã triển khai thực hiện mô hình nâng cao chất lượng sản phẩm gạo nếp Thầu dầu theo tiêu chuẩn VietGAP với kinh phí 150 triệu từ nguồn ngân sách huyện, mô hình và cấp mã vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và nếp Thầu dầu được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao và có 02 sản phẩm chế biến từ nếp Thầu dầu đạt OCOP 3 sao là tương nếp Hồng Kỳ và tương Úc Kỳ. 

Vùng sản xuất rau tập trung chuyên canh chất lượng cao tại xã Nhã Lộng

Dự án liên kết chuỗi giá trị sản phẩm rau chất lượng cao đã hỗ trợ xây dựng một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh như Nhã Lộng, Dương Thành, Lương Phú... Năm 2023, huyện triển khai mô hình công nghệ cao trong sản xuất rau với quy mô 4.000 m2, kinh phí 350 triệu đồng trên địa bàn xã Nhã Lộng; tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP và lựa chọn các sản phẩm chế biến từ rau tham gia Chương trình OCOP.

Cùng với đó, Dự án xây dựng mô hình sản xuất ngô sinh khối trên đất kém hiệu quả phục vụ thức ăn chăn nuôi bò thịt đang được triển khai và tiếp tục nhân rộng trên địa bàn huyện tại các xã Bảo Lý, Thanh Ninh, Nga My với diện tích 30 ha. Với Dự án xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hằng năm từ nguồn ngân sách của các cấp, huyện đã tăng cường triển khai công tác tiêm phòng; phối hợp với Chi cục chăn nuôi thú y và thuỷ sản xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên đàn gà tại xã Tân Khánh. 

Mô hình “Gà đồi Phú Bình” của gia đình ông Ngọ Quang Luân, xóm Ngò, xã Tân Khánh

Với dự án phát triển thương hiệu “Gà đồi Phú Bình”, đã triển khai mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà đồi theo hướng hữu cơ gắn với Chương trình OCOP tại xã Tân Khánh. Đến nay, huyện có 03 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên.

Ngoài ra, Phú Bình cũng triển khai thực hiện Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao với mô hình nuôi nhốt chuồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, gắn với liên kết chuỗi giá trị trong tiêu thụ sản phẩm tại xã Thanh Ninh; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình chăn nuôi vỗ béo bò thịt, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học, kết hợp trồng ngô sinh khối trên địa bàn xã Nga My. Dự án phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm cá rô phi tại 2 hợp tác xã nuôi trồng và chế biến thủy sản. Phối hợp với Chi cục kiểm lâm tỉnh trồng được 35ha rừng theo dự án phát triển trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng. Đối với Dự án mở rộng sản xuất, chế biến và bảo quản quả trám đen, huyện đã triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng trồng mới, cải tạo, chế biến, bảo quản trám đen theo hướng hàng hóa và xây dựng nhãn hiệu tập thể “Trám đen Phú Bình”, kinh phí thực hiện là gần 3,2 tỷ đồng từ nguồn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh.

Tương nếp của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao

Theo đánh giá, cùng với việc duy trì tăng trưởng tốt, cơ cấu trong nội ngành Nông nghiệp của huyện Phú Bình cũng có sự chuyển dịch tích cực, với giá trị ngành chăn nuôi tăng nhanh và đã chiếm tỷ trọng trên 60%. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Để tiếp tục đẩy mạnh Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Phú Bình xác định quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện các dự án thành phần. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, gắn với bảo vệ môi trường. Triển khai và thực hiện tốt Chương trình OCOP, nâng cao và phát triển các sản phẩm có lợi thế của huyện như: Nếp Thầu dầu, gà đồi Phú Bình, tương Nếp Úc Kỳ…

Trần Nhung
thainguyen.gov.vn