Truy cập nội dung luôn

Phát huy vai trò của các hợp tác xã trong phát triển du lịch

29-09-2024 10:28

Trong những năm qua, ngành du lịch đang từng bước thể hiện vai trò là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc đã xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc trưng, từng bước phát huy được các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách.

Du khách nước ngoài trải nghiệm hái chè ở Liên hiệp HTX Du lịch cộng đồng Tân Cương (TP. Thái Nguyên) 

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 7 hợp tác xã (HTX), 1 Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực du lịch, 34 HTX nông nghiệp và dịch vụ kết hợp với du lịch. Trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, các HTX, Liên hiệp HTX du lịch đã và đang từng bước hoạt động hiệu quả với tổng vốn hoạt động hơn 355 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.000 thành viên và trên 650 người lao động. Các mô hình này mỗi năm đã thu hút hàng nghìn du khách đến thăm quan, trải nghiệm, lưu trú.

Xác định vai trò quan trọng của các HTX trong quản lý, tổ chức hoạt động tại các điểm du lịch, tỉnh đã giao 5 trong tổng số 11 khu điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận cho các HTX quản lý. Điểm chung là các HTX đã liên kết được các hộ dân trong khu vực, tận dụng được tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và đầu tư cơ sở hạ tầng để tổ chức hoạt động du lịch; đồng thời quảng bá, giới thiệu được các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương. Trong đó, Liên hiệp HTX Du lịch cộng đồng Tân Cương (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) đã chú trọng chăm sóc những nương chè đẹp, xây dựng khu vực chế biến, trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm trà, cũng như không gian thưởng trà rộng rãi phục vụ du khách đến thăm quan, trải nghiệm; đồng thời đưa ra thị trường những sản phẩm rất đa dạng đạt OCOP từ 2 đến 5 sao. HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè (xã Bình Sơn, TP. Sông Công) đã tận dụng lợi thế mặt nước và không khí trong lành, mát mẻ của hồ, liên kết với các hộ dân nuôi cá lồng, vừa để phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách vừa để mọi người chiêm ngưỡng khi đến thăm quan. HTX Nông lâm nghiệp Phú Thượng (xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai) cùng với việc tổ chức điểm bán nông sản, đã tổ chức nhiều hoạt động thăm quan trải nghiệm cho du khách như: Thu hái quả tại vườn na, vườn ổi; khám phá hang động; tắm suối; trải nghiệm các trò chơi dân gian, thưởng thức hát then, đàn tính và ẩm thực địa phương. HTX Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng, HTX Du lịch sinh thái Cửa Tử (huyện Đại Từ) đã tận dụng điều kiện tự nhiên ưu đãi đầu tư xây dựng các Homestay, những nhà hàng theo kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc, những bể bơi có nguồn nước trong mát từ dãy núi Tam Đảo, qua đó tạo cảnh quan đẹp hấp dẫn du khách; phát triển dịch vụ lưu trú, ăn uống và tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm, trekking khám phá sườn đông Tam Đảo.

Sản phẩm ẩm thực của các HTX du lịch giới thiệu tại Khai mạc mùa Du lịch Thái Nguyên 2024

Cũng trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình HTX nông nghiệp và dịch vụ kết hợp làm du lịch với lĩnh vực chủ yếu là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp trải nghiệm, sinh thái gắn với danh lam thắng cảnh và các vùng sản xuất chế biến đặc sản trà. Sự kết hợp này đã gia tăng giá trị sản phẩm, mang lại nhiều lợi ích, góp phần đa dạng hóa các hoạt động thương mại, mở rộng đầu ra cho đa dạng các loại nông sản. Tiêu biểu trong số đó có HTX Chè La Bằng (huyện Đại Từ); HTX Trà Sơn Dung (TP Thái Nguyên), HTX Miến Việt Cường, HTX Nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc, HTX Nông dược và Du lịch cộng đồng Bản Tèn V-Ginseng (huyện Đồng Hỷ); HTX Chè an toàn Khe Cốc, HTX Du lịch cộng đồng và Dịch vụ tổng hợp Đồng Tâm (huyện Phú Lương); HTX Dược liệu và Du lịch trải nghiệm nông nghiệp Đông Bo (huyện Võ Nhai)…

Trong sự phát triển “nở rộ” của các mô hình du lịch cộng đồng, bên cạnh sự năng động, sáng tạo, mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh gắn với phát triển du lịch của các HTX, phải kể đến vai trò định hướng, hỗ trợ phát triển của tỉnh và các sở, ngành chức năng. Tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các HTX du lịch phát triển; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, thủ tục hành chính đối với các HTX; tổ chức tập huấn, đào tạo cho đội ngũ lãnh đạo các HTX; thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Thái Nguyên trên các phương tiện thông tin đại chúng; đăng cai các sự kiện văn hóa lớn nhằm kích cầu du lịch; đẩy mạnh liên kết, hợp tác liên vùng, liên tỉnh; ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh để phát triển thị trường khách cũng như thu hút đầu tư phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thường xuyên tổ chức chương trình khảo sát, famtrip đón các công ty lữ hành đến khảo sát, xây dựng, kết nối các tour, tuyến du lịch tập trung vào khai thác các khu, điểm có sản phẩm du lịch nổi bật...

Dù vậy, thực tế hiện nay, các HTX hoạt động du lịch cũng còn nhiều khó khăn như thiếu vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch một cách bài bản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng các công trình phục vụ du lịch còn những vướng mắc; việc đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch chưa đáp ứng kịp với nhu cầu; cơ sở hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch chưa được đầu tư tương xứng… Thực tế này cộng với những hạn chế từ chính các HTX như năng lực quản lý, điều hành; tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động du lịch; sự manh mún, nhỏ lẻ trong phát triển du lịch, thiếu kết nối giữa các HTX… đã làm chậm bước phát triển của các HTX cũng như du lịch tỉnh nhà.

Tìm hiểu nét văn hóa dân tộc Dao tại HTX Du lịch sinh thái xóm Đồng Khuân (huyện Đại Từ)

Nhằm giúp các HTX hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển du lịch tại địa phương, cần thiết có sự vào cuộc của chính quyền các cấp và các sở, ngành chức năng với các giải pháp cụ thể giúp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động của các HTX; tập hợp, đoàn kết, định hướng cho các HTX tham gia phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác truyền thông. Các HTX cũng cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn, vệ sinh, bảo vệ môi trường và các quy định khác liên quan đến hoạt động du lịch; từng bước cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, mang tính đặc trưng; hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp khác và cộng đồng địa phương để giải quyết các khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Điều đặc biệt quan trọng nữa là cần quan tâm đến việc bảo vệ các di sản văn hóa, thiên nhiên và phát huy giá trị của chúng trong các hoạt động du lịch, tạo nên sức hấp dẫn cho du khách, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, thiên nhiên của địa phương; đầu tư vào việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch, coi đây là yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh của du lịch tỉnh nhà.

Có thể khẳng định vai trò không thể thiếu của các HTX trong phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều HTX du lịch, HTX có hoạt động du lịch phát triển, hoạt động hiệu quả để góp phần thúc đẩy du lịch Thái Nguyên ngày càng phát triển.

Thu Hà
thainguyen.gov.vn