Truy cập nội dung luôn

Phát huy lợi thế, khơi dậy tiềm năng nông nghiệp

2023-08-01 08:46:00.0

Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Xác định nông nghiệp vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn, cũng là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế nên huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, gia tăng giá trị và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Lãnh đạo huyện Võ Nhai tham quan vườn na núi đá Lân Hồng, xã La Hiên (Võ Nhai)

Việc chú trọng phát huy lợi thế, khơi dậy tiềm năng nông nghiệp được huyện Võ Nhai cụ thể hóa bằng Đề án phát triển nông, lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tổng kinh phí thực hiện là 8 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, UBND huyện ban hành các kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị thực hiện các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp.

Một trong những dự án được đánh giá phát huy hiệu quả là phát triển cây na đặc sản và một số cây ăn quả có giá trị do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Nhai chủ trì. Đến nay, huyện đã bắt đầu hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung như: Na, nhãn ở La Hiên; na, nhãn, cam, ổi ở Phú Thượng, Lâu Thượng; bưởi, na ở Tràng Xá, Phương Giao… Ngoài ra, từ các nguốn vốn lồng ghép khác, Võ Nhai đã hỗ trợ người dân trồng mới, thay thế hơn 300 ha cây ăn quả chủ lực. Tại các vùng trồng cây ăn quả, người dân đã từng bước ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất như: Lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, tiết kiệm nước; sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Đến nay, 400 ha cây ăn quả trên địa bàn huyện đã được cấp Chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; trên 80% diện tích cây ăn quả tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn. Ông Lương Đình Trường, ở xóm Lò Gạch, xã Tràng Xá đánh giá: Các chương trình hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc và nhất là kết nối tiêu thụ nông sản đã phát huy hiệu quả thiết thực. Điều quan trọng là việc định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất và tiêu thụ, giá trị kinh tế cao hơn và bền vững.

Chính sách hỗ trợ giống ngô đến với bà con dân tộc tại xã Thượng Nung (Võ Nhai)

Cùng với phát triển cây na đặc sản và một số cây ăn quả chủ lực, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Võ Nhai còn chủ trì, thực hiện Dự án phát triển cây chè theo hướng nâng cao giá trị, kết hợp với du lịch cộng đồng. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chủ trì, thực hiện 6 dự án, mô hình gồm: Dự án Cổng Thông tin điện tử kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp huyện Võ Nhai, hướng tới liên kết sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Dự án chăn nuôi gia súc (trâu, bò) theo hướng lấy thịt ở các xã phía Bắc của huyện gắn với thị trường tiêu thụ; Dự án bảo tồn giống lúa đặc sản kết hợp sản xuất lúa chất lượng cao, hữu cơ; Dự án bảo tồn các giống đậu tương chất lượng cao kết hợp mở rộng vùng sản xuất đậu tương mới gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm đậu phụ huyện Võ Nhai; xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học gắn với điểm giết mổ tập trung; xây dựng các mô hình thâm canh cá nước lạnh, cá lồng gắn với du lịch sinh thái tại các hồ chứa trên địa bàn. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm Võ Nhai cũng chủ trì, thực hiện Dự án phát triển cây dược liệu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đánh giá của UBND huyện Võ Nhai, các dự án, mô hình thuộc Đề án phát triển nông, lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 cơ bản thiết thực, phù hợp với định phướng phát triển nông nghiệp chủ lực của tỉnh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án, sản xuất nông nghiệp của huyện Võ Nhai phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá về giá trị; cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trung bình 5%/năm; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp trồng trọt tăng trung bình 8,5%/năm.

Hỗ trợ bê giống cho gia đình thuộc hộ nghèo tại xã Nghinh Tường (Võ Nhai)

Đồng chí Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai thông tin: Trên cơ sở những kết quả bước đầu của Đề án, huyện Võ Nhai sẽ tiếp tục triển khai các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp gắn với đặc thù địa phương. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân liên kết sản xuất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường, đặc biệt là sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương để kêu gọi đầu tư. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các vùng sản xuất tập trung gắn với sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thế mạnh theo chuỗi giá trị. Huyện Võ Nhai cũng sẽ quan tâm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến, quảng bá và liên kết bao tiêu sản phẩm.

Một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành Nông nghiệp Võ Nhai trong giai đoạn 2021 - 2025

- Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2025 đạt 1.167,8 triệu đông, tăng bình quân 5%/năm.

- Giá trị sản phẩm/ha đất nông nghiệp trồng trọt đến năm 2025 đạt 105 triệu đồng, tăng 8,2% năm.

- Trong 5 năm trồng mới và thay thế 150 ha chè.

- Sản lượng lương thực có hạt hằng năm ổn định 51.000 tấn.

- Trồng rừng tập trung bình quân mỗi năm 500 ha.

- Duy trì độ che phủ rừng trên 70%/năm.           

Trần Nhung
thainguyen.gov.vn