Truy cập nội dung luôn

No ấm từ cây chè

2025-01-07 14:08:00.0

Toàn bộ các tuyến đường dẫn vào làng nghề đều đã cứng hóa, đổ bê tông rộng từ 3 m trở lên; làng nghề không còn hộ nghèo; nhiều ngôi nhà khang trang, rộng rãi tạo điểm nhấn trên những đồi chè bát úp búp xanh mơn mởn, đang độ thu hoạch… Đó là những hình ảnh toát lên sự no ấm, trù phú mà chúng tôi chứng kiến khi có dịp trở lại Làng nghề chè Trung Thành 2, thuộc xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh (Phú Lương).

Người dân Làng nghề chè Trung Thành 2, xã Vô Tranh (Phú Lương) thu hái chè VietGAP

Sau khi thưởng thức chén trà tôm nõn hương cốm, có vị chát dịu, ngọt hậu…, bà Tống Thị Xuyến, Trưởng xóm kiêm Trưởng làng nghề chè Trung Thành 2, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chè Hoan Xuyến cho xe chạy chầm chậm, đưa chúng tôi thăm quan một vòng quanh làng nghề. Chỉ tay về phía những đồi chè đang được thu hái, bà Xuyến phấn khởi chia sẻ: Xóm Trung Thành 2 hiện có 30 ha chè, được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề chè năm 2014, với 100% số hộ sản xuất, chế biến chè. Từ đó đến nay, 93 hộ dân trong làng nghề duy trì và phát triển chè trở thành cây làm giàu. Thông qua các buổi tập huấn, người dân trong làng nghề đã biết cách chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc… vào quá trình canh tác để tạo ra sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Trong 30 ha chè hiện có, Làng nghề chè Trung Thành 2 có 15 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; một số sản phẩm được chứng nhận OCOP 3, 4 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản lượng chè búp tươi đạt gần 300 tấn/năm; giá bán chè búp khô đạt trung bình từ 200 - 250 nghìn đồng/kg. Với những hộ làm chè có “thương hiệu”, giá bán chè búp khô đạt từ 300 nghìn đồng/kg trở lên, thậm chí loại chè cao cấp có giá bán hàng triệu đồng/kg…

Trung bình mỗi năm, gia đình bà Nguyễn Thị Nhung, Làng nghề chè Trung Thành 2 bán hơn 2 tấn chè búp khô, cho thu nhập trên 500 triệu đồng

Là hộ làm chè có kinh nghiệm lâu năm tại Trung Thành 2, bà Nguyễn Thị Nhung bộc bạch: “Gia đình tôi hiện có hơn 7.000 m2 chè giống LDP1, đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ. Chất lượng chè được khách hàng đánh giá cao, nhờ đó giá bán chè búp khô của gia đình đã tăng gấp 2 lần so với trước đây (từ 250 - 300 nghìn đồng/kg). Trung bình mỗi năm, gia đình tôi bán hơn 2 tấn chè búp khô, cho thu nhập trên 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Cây chè trên đồng đất Trung Thành 2 giờ đây đã trở thành cây trồng chủ lực, mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương, giúp bà con nâng cao thu nhập và làm giàu. Cũng từ phát triển cây chè, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của làng nghề đạt 70 triệu đồng/người/năm (tăng khoảng 20 triệu đồng so với năm 2017). Người dân trong làng nghề đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm để cùng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tính đến nay, làng nghề không còn hộ nghèo và chỉ còn 1 hộ cận nghèo.

Chị Tống Thị Thanh Nga, người dân xóm Trung Thành 2, cho hay: “Từ năm 2022 trở về trước, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Kinh tế khó khăn do các con đang trong độ tuổi ăn học; 2 vợ chồng không có việc làm ổn định; nhà xuống cấp... Được sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con trong làng nghề, tôi đã vay 90 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để mua giống, phân bón, phát triển cây chè. Cũng nhờ sự hướng dẫn của những người có kinh nghiệm trong làng nghề, tôi đã biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, vườn chè hơn 3.000 m2 của gia đình đã cho thu hoạch. Với việc đi làm thuê và sản xuất chè, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định, các con có điều kiện học hành hơn trước”.

Toàn bộ các tuyến đường dẫn vào làng nghề đều đã cứng hóa, đổ bê tông rộng từ 3 m trở lên, thuận lợi cho việc thông thương, phát triển kinh tế

Bà Tống Thị Xuyến, Trưởng làng nghề chè Trung Thành 2 chia sẻ thêm với chúng tôi: Cũng chính vì diện tích chè nằm xen canh trong khu dân cư nên vấn đề sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vệ thảo mộc… càng được người dân Trung Thành 2 chú trọng, trước hết là để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, sau nữa là bảo vệ môi trường vùng trồng chè. Ngoài 15 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tôi đã và đang tiếp tục tuyên truyền các hộ dân sản xuất chè theo hướng hữu cơ để cho ra những sản phẩm chất lượng, được khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận, tin dùng. Kinh tế vững, bà con đang cùng đóng góp tiền, ngày công để xây dựng nhà văn hóa mới, khang trang hơn, rộng rãi hơn, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trong làng nghề.

Có thể thấy, trong khi một số làng nghề chè trên địa bàn tỉnh đang một khó khăn do không có lực lượng lao động tại chỗ; sản phẩm làm ra không đủ sức cạnh tranh trên thị trường… thì việc Làng nghề chè Trung Thành 2 vẫn duy trì và tiếp tục phát triển là điều rất đáng mừng. Hy vọng trong tương lai không xa, toàn bộ diện tích chè của làng nghề sẽ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; nhiều sản phẩm trà được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP; thu nhập và đời sống của các hộ dân ngày càng nâng cao.

CTV Anh Thư
thainguyen.gov.vn