Truy cập nội dung luôn

Người “truyền lửa” cho làn điệu Soọng Cô

2023-07-03 19:26:00.0

Không chỉ tham gia thành lập Câu lạc bộ (CLB) Soọng Cô, bà còn thường xuyên truyền dạy cho các thành viên trong và ngoài CLB, trong đó có học sinh biết và gìn giữ làn điệu đặc trưng của người dân tộc Sán Dìu - người “truyền lửa” cho làn điệu Soọng Cô bà Đặng Thị Năm ở xóm Đồng Quan, xã Bà Đạt (Phú Bình).

 

Bà Đặng Thị Năm trong buổi giao lưu, tìm hiểu về làn điệu Soọng Cô với học sinh Trường THCS Bàn Đạt (Phú Bình)

“Biết hát Soọng Cô từ năm 15 tuổi và đã 52 năm gắn bó với Soọng Cô. Làn điệu Soọng Cô dường như đã ngấm vào máu thịt. Vì thế, từ nhiều năm qua, tôi thường xuyên sưu tầm các bài hát, luyện tập hàng ngày và dạy các thế hệ con cháu mình hát làn điệu đặc trưng của dân tộc Sán Dìu” - bà Đặng Thị Năm cho biết.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình cả bố mẹ, anh chị em của bà Năm đều biết hát Soọng Cô. Khi ấy, lời hát Soọng Cô như cơm ăn, nước uống hàng ngày và nó như một phần trong cuộc sống của người dân tộc Sán Dìu ở xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh (Phú Bình). Sau khi lập gia đình riêng ở xóm Đồng Quan, xã Bàn Đạt, mặc dù bộn bề, mưu sinh với cuộc sống, nhưng bà Năm vẫn dành thời gian để tập luyện các bài hát Soọng Cô và tham gia giao lưu với các CLB Soọng Cô ở các địa phương khác. Chính vì tình yêu với làn điệu này nên bà Năm là một trong những thành viên có sáng kiến và hoàn thiện các thủ tục để thành lập CLB Soọng Cô xã Bàn Đạt. Năm 2012, CLB Soọng Cô xã Bàn Đạt ra đời, thu hút 63 thành viên ở 4 xóm có đông đồng bào dân tộc gồm Đồng Quan, Bờ Tấc, Đá Bạc, và Cầu Mành.

Bà Mạch Thị Sìn, một thành viên trong CLB cho biết: “Khi mới thành lập, CLB chia thành 4 tổ ở 4 xóm, mỗi tổ lại có một người phụ trách. Bà Năm là Phó Chủ nhiệm và là “hạt nhân” của CLB nên thường xuyên đến các tổ để hướng dẫn thành viên tập luyện. Riêng với tổ ở xóm Đồng Quan, bà có thể dành 3 đến 4 buổi/tuần để dạy các thành viên học hát. Nhờ sự nhiệt tình chỉ bảo của bà mà các thành viên thuộc nhiều bài hát hơn, tự tin đi giao lưu với các CLB của huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) và tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc.

Đại diện thành viên CLB Soọng Cô xã Bàn Đạt dạy hát Soong Cô tại Trường THCS Bàn Đạt (Phú Bình)

Soọng Cô là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ, được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, được lưu truyền từ đời này sang đời khác được ghi chép lại bằng chữ Hán cổ và truyền dạy trực tiếp. Mỗi làn điệu Soọng Cô thường có 3 phần là gọi, kể, đáp và thường được dùng với nhịp 2/4 và 4/4. Hát Soọng Cô gồm các hình thức ru, đối đáp, trao duyên, chào hỏi, mời khách, tiễn khách... Theo bà Đặng Thị Năm, “các làn điệu Soọng Cô trước đây chỉ được lưu truyền qua việc dạy nhau hát, nên ngay khi thành lập CLB bà và Ban chủ nhiệm đã có ý thức chép lại các bài hát cổ, sáng tác lời mới cho làn điệu cổ. Mỗi khi đi giao lưu với các CLB trong và ngoài tỉnh, CLB lại sưu tầm các bài hát mới về cho các thành viên. Đến nay, CLB có khoảng 400 bài hát. Riêng bản thân tôi cũng thuộc khoảng 100 bài”.

Sau một thời gian hoạt động, CLB Soọng Cô vơi dần thành viên do tuổi tác, các thành viên còn tham gia sinh hoạt cũng ở độ tuổi từ 55 -70. Mặc dù các bài hát của làn điệu Soọng Cô chỉ có 28 chữ, nhưng do các thành viên tuổi cao, nếu không tập luyện thường xuyên sẽ rất dễ quên. Vì thế, tư khi thành lập đến nay, những lúc nông nhàn hoặc tranh thủ sớm tối bà Năm lại tập hợp các thành viên để luyện hát. Đồng thời, bà còn ghi âm lời hát vào điện thoại để gửi cho các thành viên học theo. Cũng với hình thức này, bà Năm còn trực tiếp dạy hát cho một số người dân ở xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh (Phú Bình). Ông Đặng Văn Minh, xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh chia sẻ: “Năm 2022, bà Năm dành khoảng 2 tháng về xóm dạy hát cho 4 cá nhân là người dân tộc Sán Dìu chúng tôi. Nhờ có bà Năm về hướng dẫn chỉ dạy, giờ chúng tôi đã biết hát một vài bài. Khi đến dạy, bà Năm phô tô các bài hát cho chúng tôi, dạy chúng tôi cách nhấn nhá, nhả chữ để hát được hay”.

Cũng trong năm 2022, bà Năm còn tham gia dạy hát Soọng Cô cho học sinh tại Trường THCS Bàn Đạt (Phú Bình). Cô giáo Trương Thị Hải Nguyên, Hiệu trưởng Trường THCS Bàn Đạt cho biết: Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, có nội dung về giáo dục truyền thống, bản sắc lịch sử địa phương, nên năm 2022 Nhà trường tổ chức cho học sinh học hát Soọng Cô. Trong quá trình triển khai, Nhà trường đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của bà Năm. Theo đó, hàng tuần Nhà trường cử một số em học sinh đầu mối vào nhà bà Năm để bà vừa dạy tiếng Sán Dìu và dạy hát Soọng Cô. Mỗi khi Nhà trường tổ chức mời bà đến tham gia hoạt động dạy hát hay giao lưu Soọng Cô tại trường bà Năm đều tham gia nhiệt tình.

Bà Đặng Thị Năm dạy hát Soọng Cô tại nhà cho học sinh Trường THCS Bàn Đạt (Phú Bình)

Em Đặng Thị Bích Liên, lớp 9A Trường THCS Bàn Đạt là một trong số 10 em học sinh hát Soọng Cô thành thạo trong số 25 học sinh biết hát Soọng Cô bộc bạch: “Để hát được Soọng Cô thì bắt buộc chúng em phải biết nói tiếng Sán Dìu. Sau hơn một năm được bà Năm hướng dẫn dạy hát, giờ đây em đã thuộc gần 20 bài hát Soọng Cô, với nhiều chủ đề khác nhau. Không chỉ thuộc lời, hiểu nghĩa, em còn tham gia biểu diễn các làn điệu Soọng Cô trong các hoạt động ngoại khóa của Nhà trường và tham gia giao lưu cùng CLB Soọng Cô của địa phương”.

Ông Hoàng Ngọc Thanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Bàn Đạt cho biết: Với địa bàn có đến 50% là người dân tộc Sán Dìu, nên những năm qua Đảng uỷ, chính quyền địa phương rất chú trọng đến việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Trong đó, bà Đặng Thị Năm là người rất nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết trong việc giữ gìn và phát huy làn điệu Soọng Cô của người dân tộc địa phương. Trong khi các thành viên của CLB Soọng Cô bị giảm sút, thì bà Năm lại phối hợp với Trường THCS Bàn Đạt để dạy hát Soọng Cô cho học sinh. Đây sẽ là hướng đi mới, tạo cơ hội để Soọng Cô tiếp tục mạch sống trong thế hệ trẻ.

CTV Nguyễn Chi
thainguyen.gov.vn