Truy cập nội dung luôn

Ngân vang làn điệu Soọng cô

2023-08-26 10:43:00.0

Đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Cùng với các dân tộc anh em, đồng bào Sán Dìu có kho tàng phong phú, đặc sắc về tiếng nói, văn hoá, chữ viết, dân ca, dân vũ…. Trong kho tàng đặc sắc đó, làn điệu dân ca Soọng cô đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia và đã được bảo tồn, lưu giữ giá trị cho muôn đời sau.

Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Soọng cô xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ

Theo tiếng Sán Dìu thì Soọng có nghĩa là hát, còn cô là ca. Đây là điệu hát truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Sán Dìu trong đời sống thường ngày được thể hiện qua lời ca, tiếng hát, không gian hát Soọng cô là môi trường gìn giữ văn hóa tộc. Soọng cô là thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ, được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Người Sán Dìu say mê hát bởi Soọng cô bắt nguồn từ cuộc sống bình dị, chất phác, nói lên tâm tư, tình cảm, ước vọng của người dân lao động.

Tại Thái Nguyên, đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống rải rác ở hầu khắp các huyện, thành trên địa bàn. Để bảo tồn và phát huy những giá trị của làn điệu Soọng cô, ngày 12/3/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 626/QĐ - UBND về việc cho phép thành lập Hội Bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên. “Với tâm huyết bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của dân tộc Sán Dìu, từ những năm trước đó, chúng tôi đã tập hợp những người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc Sán Dìu. Tuy nhiên, hoạt động chỉ mang tính chất rời rạc, thiếu tổ chức. Từ khi UBND tỉnh quan tâm quyết định thành lập Hội, chúng tôi vô cùng vui mừng. Quyết định này không chỉ thể hiện sự quan tâm của chính quyền tỉnh Thái Nguyên với đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Sán Dìu nói riêng, mà còn giúp đồng bào có thêm động lực để nỗ lực thi đua trong sản xuất, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, đi đôi với gìn giữ những giá trị văn hoá của dân tộc mình” - ông Đỗ Văn Quyên, Phó Chủ tịch Hội chia sẻ.

Chúng tôi có mặt tại một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Soọng cô xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ. Câu lạc bộ được thành lập năm 2012, với trên 10 thành viên ban đầu, đến nay đã phát triển lên trên 100 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Bà Lý Thị Năm, người dân xóm Đồng Chốc, xã Nam Hoà, năm nay đã ngoài 80 tuổi, thành viên câu lạc bộ bộc bạch: “Bà hát Soọng cô từ năm 13 tuổi. Những câu hát Soọng cô không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh - hát ở nhà, hát khi lao động sản xuất, hát trong sinh hoạt tập thể, lễ hội… Trải qua bao đời nay, từ ông bà cha mẹ và đến thế hệ bà, lớp trung niên, lớp trẻ thì hát Soọng Cô đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt của người dân tộc Sán Dìu.

Nhà văn hoá là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động của hát Soọng cô

Có mặt tại đây, chúng tôi ấn tượng hơn cả là ngoài những người cao tuổi, Câu lạc bộ cũng có sự tham gia của những người trẻ. Đây sẽ là những nhân tố quan trọng để tiếng hát Soọng cô mãi ngân xa. Chị Vi Thị Hảo, thành viên Câu lạc bộ cho biết: Dù xã hội phát triển hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của Internet tạo điều kiện cho mỗi chúng ta, nhất là người trẻ như chúng tôi dễ dàng tiếp cận với nhiều loại hình văn hoá. Nhưng tôi luôn cho rằng, việc thực tập, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá dân tộc của mình là trách nhiệm của những người trẻ, để những văn hoá độc đáo như làn điệu Soọng cô sẽ không bao giờ bị mai một.

Huyện Đồng Hỷ hiện có 5 Câu lạc bộ Soọng cô, tập trung chủ yếu ở các xã Nam Hoà, Tân Lợi, Hoá Thượng, Cây Thị với gần 300 thành viên. Ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Đồng Hỷ cho biết: Chúng tôi đang tích cực triển khai Đề án bảo tồn phát huy di sản văn hoá, danh lam thắng cảnh, làng nghề, du lịch trên địa bàn huyện Đồng Hỷ giai đoạn 2021 - 2025 và Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Thuận lợi của chúng tôi là sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, Nhân dân đồng thuận. Từ đó việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản phi vật thể như tiếng hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu rất hiệu quả.

Ông Đỗ Văn Quyên luôn tìm tòi, nghiên cứu để truyền dạy lời ca cổ của Soọng cô cho thế hệ trẻ

Tuy nhiên, bài toán làm thế nào để thực hiện song song việc bảo tồn, phát huy giá trị với lưu truyền cũng gặp những khó khăn. “Trăn trở lớn nhất của chúng tôi là làm sao để lưu truyền được những giá trị di sản văn hoá phi vật thể cho lớp thế hệ sau. Với thực tế là các câu lạc bộ hát Soọng cô trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là các thành viên đã cao tuổi, số lượng người trẻ tham gia ít. Mặc dù hiện nay chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với các nhà trường ở những địa phương có đồng bào dân tộc Sán Dìu để đưa làn điệu Soọng cô vào dạy học ở môn Giáo dục lịch sử địa phương cũng như thành lập các mô hình tại nhà trường để các em học sinh có thể tham gia và lưu giữ giá trị văn hoá của di sản này” - ông Đỗ Văn Quyên, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên chia sẻ thêm.

Phương Thảo - Minh Khôi
thainguyen.gov.vn