Truy cập nội dung luôn

Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động

2023-06-01 12:53:00.0

Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên (TP. Thái Nguyên) là một ngôi nhà đặc biệt - nơi những em nhỏ chịu nhiều thiệt thòi luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình và là nơi trẻ được bảo vệ từ chính trái tim và hành động.

Cán bộ Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên chăm sóc trẻ khuyết tật

Chị Lương Thị Hồng Đức đã có 13 năm công tác tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên. Đảm đương nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ em tại trung tâm, chị giành phần nhiều thời gian của mình ở phòng chăm sóc giành riêng cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Chị luôn tâm niệm! hoàn thành nhiệm vụ thôi chưa đủ, việc chăm sóc giáo dục trẻ em, đặc biệt là những em nhỏ bị bỏ rơi, có nhiều khuyết tật thì điều cần hơn cả đó chính là tình thương, tình yêu của một người mẹ. Chị chia sẻ: “Những em nhỏ bị bỏ rơi được đưa vào trung tâm phần lớn đều mắc 1 khuyết tật, thậm chí là đa khuyết tật. Việc chăm sóc 1 trẻ sơ sinh khỏe mạnh đòi hỏi rất nhiều công sức, thì với việc chăm sóc trẻ sơ sinh bị khuyết tật lại phải cần đến gấp đôi, gấp ba công sức bình thường. Nhưng những cán bộ như chúng tôi đều suy nghĩ rằng, các con đã gặp nhiều thiệt thòi, đều rất đáng thương. Mình chỉ cố gắng chăm sóc các con thật tốt, để các con được khỏe mạnh, lớn lên như bao trẻ khác”.

Trong phòng học kỹ năng giành cho trẻ em của Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi gặp chị Trịnh Thị Lan Phương - người đã có 15 năm gắn bó với Trung tâm. “Ngày tôi về Trung tâm nhận công tác, số trẻ sơ sinh thời điểm đó ở Trung tâm có hàng chục bé. Là một sinh viên mới ra trường, điều gì cũng bỡ ngỡ, nhất là mình chưa kết hôn, chưa có con nhỏ nên việc đảm nhiệm chăm sóc 1 trẻ đối với tôi lúc đó khá là lo lắng. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ đồng hành của mọi người ở Trung tâm và sự yêu mến trẻ, nhất là những mảnh đời như các em ở Trung tâm đã thôi thúc sự nhiệt huyết, thương yêu các con trong tôi lớn dần theo thời gian. Bé trai tôi chăm sóc nuôi dưỡng đầu tay, sau 3 tháng đã có gia đình nhận về nuôi. Những ngày đầu xa con tôi rất nhớ và có cảm giác hụt hẫng, thiếu đi một thứ gì đó rất đỗi thân thương. Và lúc đó tôi hiểu thêm rằng, khi đặt tình yêu thương, chăm sóc bằng cả trái tim thì người dưng cũng hóa máu thịt của mình. Và hành trình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ của bản thân tôi cũng như các cán bộ ở Trung tâm này là như thế - luôn luôn lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động” - chị Trịnh Thị Lan Phương chia sẻ.

Lớp học vẽ của các em tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên

Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh hiện đang quản lý và chăm sóc 13 trẻ em. Công tác quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ được đảm bảo chu đáo, an toàn và hiệu quả; thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính cho trẻ học văn hóa; cấp thẻ BHYT kịp thời; thực hiện tốt công tác phòng - chống tai nạn thương tích; tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, vui chơi, giải trí cho trẻ. Trung tâm cũng duy trì hoạt động nuôi dạy trẻ em khuyết tật, trẻ em HIV/AIDS, trang bị các kỹ năng phù hợp, tạo điều kiện cho trẻ được chăm sóc giáo dục bình đẳng theo độ tuổi.

Cùng với hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em, hiện nay Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên còn thực hiện chức năng Công tác xã hội và phát triển cộng đồng với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Triển khai các mô hình, dự án bảo vệ, truyền thông kỹ năng bảo vệ trẻ em, can thiệp sớm các nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ như bạo hành, xâm hại tình dục. Đặc biệt, Trung tâm hiện đang vận hành tổng đài miễn phí 1800 8080 và số điện thoại hotline 0963 188080 để thực hiện tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp cho các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại tình dục và kết nối với cơ quan chức năng để tiếp tục trợ giúp đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho đối tượng và gia đình. Chị Phùng Thị Thơm, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trực tiếp quản lý các hoạt động Công tác xã hội, đặc biệt là việc vận hành tổng đài, tôi cũng rất trăn trở với những nguy cơ tiềm ẩn với trẻ em hiện nay. Qua những vụ việc chúng tôi tiến hành can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp, có thể thấy rằng môi trường mạng đang trở thành mối nguy hại rất lớn với trẻ nếu không có sự quan tâm định hướng của gia đình. Ngoài môi trường mạng, thì những rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu; nguy cơ xâm hại, bạo hành vẫn luôn thường trực với trẻ nếu không có sự đồng hành, thấu hiểu và chia sẻ của gia đình, bạn bè và người thân. Trong quá trình triển khai các hoạt động tuyên truyền ở cơ sở, chúng tôi cũng luôn hướng về việc tập huấn, hướng dẫn kỹ năng trực tiếp cho trẻ, các bậc phụ huynh, giáo viên trong việc nhận diện nguy cơ và cách thức bảo vệ trẻ an toàn.

Cán bộ Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tập huấn kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo hành tại cơ sở

“Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động” không chỉ là thông điệp truyền thông được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn để truyền thông, tăng cường nhận thức của toàn xã hội về bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, mà đó còn là trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc chung tay tạo dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh, vì sự phát triển của trẻ thơ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Phương Thảo
thainguyen.gov.vn