Truy cập nội dung luôn

Làng nghề bánh chưng truyền thống đỏ lửa dịp tết Nguyên đán

2024-02-09 17:20:00.0

Những ngày cận Tết, làng nghề truyền thống bánh chưng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên lại tất bật hơn ngày thường, đây là thời điểm hàng chục hộ dân nơi đây làm việc hết công suất, để kịp giao bánh cho khách hàng.

Tuy không phải là làng nghề hàng trăm năm tuổi nhưng bánh chưng Bờ Đậu đã có lịch sử từ những năm 1960. Trước kia, những người lớn tuổi tại địa phương do tuổi cao sức yếu không thể lao động nặng nên đã làm bánh để bán cho người đi đường, dần dần hình thành một làng nghề như ngày nay, sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu không chỉ là đặc sản của người dân tỉnh Thái Nguyên, mà còn được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải thăm động viên người dân tại làng nghề bánh chưng truyền thống Bờ đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương.

Vừa nhanh tay gói bánh, vừa trò chuyện với khách hàng, bà Nguyễn Bích Liên, Trưởng làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu cho biết: “Làng nghề hiện có 50 hộ dân tham gia sản xuất và kinh doanh. Trung bình mỗi ngày, một hộ bán được từ 50 đến 100 chiếc bánh chưng, vào dịp gần Tết, số lượng này tăng gấp đôi. Sản phẩm bánh chưng chủ yếu vẫn là bánh chưng truyền thống gồm bánh vuông và bánh dài hình trụ tròn”.

Cũng theo bà Liên, trên cả nước có rất nhiều làng nghề gói bánh chưng, tuy nhiên, bánh chưng Bờ Đậu lại mang một hương vị rất riêng biệt, gây thương nhớ cho du khách thập phương bởi sự tỷ mỷ, cẩn thận trong từng khâu làm bánh từ tuyển chọn nguyên liệu, đến cách gói và nấu bánh đã được truyền từ đời này qua đời khác.

Điều đặc biệt ở làng nghề bánh chưng truyền thống là nguồn nguyên liệu để làm bánh luôn được lựa chọn kỹ lưỡng, trong đó, loại gạo nếp dùng để gói bánh là nếp vải Ôn Lương, loại nếp có mùi thơm đặc trưng, hạt nhỏ nhưng rất dẻo, lá gói bánh là loại lá dong tươi, đỗ xanh đã đãi vỏ và thịt lợn ngon... Các nguyên liệu được sơ chế cẩn thận, tẩm ướp cho tròn vị và được gói từ đôi bàn tay khéo léo của người dân làng nghề Bờ Đậu.

Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu đã có lịch sử từ những năm 1960 với hơn 50 hộ dân kinh doanh

Gắn bó với làng nghề đã hơn 40 năm nay, bà Vũ Thị Tới, 72 tuổi, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương chia sẻ: Khác với những nơi làm bánh chưng khác, bánh chưng Bờ Đậu không sử dụng khuôn để gói mà người dân đều gói bằng tay. Việc gói bằng tay có thể điều chỉnh chiếc bánh thật chặt, vuông bằng nhau. Bánh được gói chặt tay khi luộc sẽ không bị méo mó, căng phồng, mà vuông thành sắc cạnh, hạt gạo trong bánh dẻo, dền bánh, có mùi thơm đặc trưng của gạo nếp ngon, lá dong xanh. Cũng theo bà Tới, trung bình thời gian luộc bánh kéo dài từ 7 đến 10 tiếng tuy theo mẻ bánh lớn hay nhỏ, khi nồi bánh đã sôi, phải trông để nước không bị cạn và phải thường xuyên thêm nước để cho bánh chín đều từ trong ra ngoài. Hiện nay, một chiếc bánh chưng vuông hoặc một chiếc bánh dài được bán với giá từ 30 đến 50 nghìn đồng/chiếc. Tuy nhiên, vào dịp giáp Tết, giá bánh sẽ tăng khoảng 10 - 20% so với ngày thường.

Bánh chưng Bờ Đậu không chỉ nổi tiếng trong vùng, mà rất nhiều du khách trên cả nước đặt mua để được thưởng thức hương vị trọn vẹn và giới thiệu về một sản vật của Thái Nguyên, món ăn truyền thống không thể thiếu trong những mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Ông Nguyễn Tiến Sỹ (71 tuổi) trú tại xóm 9, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương cho biết: Đã gần 30 năm qua, mỗi độ tết Nguyên đán cận kề, nhà ông lại tất bật đỏ lửa nấu bánh chưng. Ông Sỹ chia sẻ: Để làm ra một chiếc bánh thơm ngon, tròn vị thì việc lựa chọn nguyên liệu phải được đặt lên hàng đầu, tiếp đến là khâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người làm bánh phải khéo léo, cân đối tỷ lệ hợp lý và quá trình luộc bánh cũng phải chỉn chu, tỷ mỉ.

Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thực khách, các hộ dân kinh doanh đã sản xuất ra nhiều loại bánh khác nhau như: Bánh vuông, bánh dài, bánh gù…

Cũng theo ông Sỹ, dịp cận Tết các lò bánh đều đỏ lửa ngày đêm để phục vụ nhu cầu người dân, du khách mua bánh phục vụ Tết. Làm bánh cũng trở thành kế sinh nhai của gia đình ông và các hộ dân khác trong làng. Đặc biệt, đây là làng nghề truyền thống, việc giữ lửa cho làng nghề lại càng quan trọng hơn.

Năm 2009 bánh chưng Bờ Đậu đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện nay, có khoảng 40% hộ dân đã tự kiểm định, công bố sản phẩm và dán tem có mã QR. Ban quản lý cùng UBND xã, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cổ Lũng cùng tham gia quản lý thương hiệu, kiểm tra chất lượng sản phẩm bánh chưng.

Nhân dịp ghé thăm, động viên làng nghề bánh chưng truyền thống, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải ghi nhận những đóng góp của Làng nghề trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn Làng nghề tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh; các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, đặc biệt là hỗ trợ quảng bá thương hiệu cho sản phẩm bánh chưng Bờ Đậu… Đồng thời, đề nghị các cơ sở, gia đình thuộc Làng nghề tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, đồng thời xây dựng thương hiệu, đưa kinh tế Làng nghề phát triển bền vững.

Hiện nay, các hộ dân trong làng nghề gói bánh thành nhiều loại với mức giá dao động từ 20 đến 30 nghìn đồng/chiếc tùy kích thước bánh. Vào dịp Tết, người dân sẽ gói những chiếc bánh với kích thước to hơn nên giá bánh sẽ tăng khoảng 10 - 20% so với ngày thường

Như vậy, trong thời kỳ đổi mới, trước tốc độ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, xã hội và công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá của các làng nghề đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy giá trị kinh tế và bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc.

Hiện nay, huyện Phú Lương đã và đang tiếp tục huy động nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án có liên quan và các nguồn kinh phí hợp pháp khác nhằm đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề khắc phục khó khăn phát sinh trong thực tế, qua đó thúc đẩy phát triển các ngành nghề truyền thống. Đối với làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, huyện cũng đã có những chính sách để các cơ sở, hộ gia đình tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời xây dựng thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu, từng bước đưa kinh tế làng nghề phát triển bền vững.

Trần Huyền
thainguyen.gov.vn