Truy cập nội dung luôn

Lan tỏa từ những mô hình giảm nghèo ở Phú Bình

2024-03-25 16:50:00.0

Từ hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; nhiều mô hình giảm nghèo được triển khai, thực hiện thành công và lan tỏa rộng khắp, tạo nên cuộc cách mạng giảm nghèo bền vững - Đây là hướng đi đã và đang được các cấp huyện Phú Bình triển khai, đạt hiệu quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Từ sự hỗ trợ của dự án giảm nghèo, mô hình nuôi gà của gia đình anh Liểu Văn Hoàn (xóm Suối Lửa, xã Tân Thành) sinh trưởng khỏe mạnh, chuẩn bị cho xuất bán

Tân Thành là xã miền núi của huyện Phú Bình với 60% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, xã có 10 xóm, trong đó có Đồng Bầu là xóm đặc biệt khó khăn. Ông Hoàng Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Trước đây, việc giảm nghèo tại Tân Thành gặp nhiều khó khăn bởi hệ thống thủy lợi không đáp ứng được canh tác nông nghiệp, người dân chỉ trông chờ vào 2 vụ trồng lúa trong năm; các tuyến đường trong xã chưa được nâng cấp nên việc lưu thông hàng hóa của người dân bị hạn chế nhiều... Số hộ nghèo và cận nghèo ở những năm 2014, 2015 lên tới 255 hộ, chiếm 40% tổng số hộ trong toàn xã. Quyết không để cái nghèo đeo bám, cả bộ máy cấp ủy, chính quyền xã họp lại để phân tích thế mạnh của địa phương, đồng thời thẳng thắn chỉ ra hạn chế, khó khăn để xây dựng kế hoạch, lộ trình hành động với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Cuộc cách mạng giảm nghèo như tiếp thêm luồng gió mới khi xã Tân Thành được tiếp nhận một số dự án từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 dành cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, cuối năm 2023 đầu năm 2024, xã Tân Thành được nhận hỗ trợ Mô hình giảm nghèo chăn nuôi gà an toàn sinh học với 7.000 con gà, cấp cho 20 hộ nghèo, cận nghèo và 16 con bò nái sinh sản cấp cho 16 hộ nghèo, cận nghèo. Đối với chăn nuôi gà, mỗi hộ nghèo và cận nghèo sẽ được hỗ trợ 350 con gà giống/hộ đã được tiêm phòng vắc xin trước khi nhận. Đối với bò sinh sản, mỗi hộ được cấp 1 con bò nái có trọng lượng từ 190 kg đến 220 kg. Ngoài ra, mỗi hộ chăn nuôi còn được cấp thêm 160 kg thức ăn hỗn hợp, thuốc thú y sát trùng, đá liếm, men tiêu hóa, thuốc bổ… Sau khi nhận con giống, các hộ dân còn được cán bộ thú y đến tận nhà tiêm phòng bổ sung 2 mũi vắc xin gồm ký sinh trùng đường máu và sán lá gan cho bò, đồng thời thường xuyên thăm khám định kỳ trong 12 tháng. 

Ông Hoàng Văn Hải cho biết thêm: Với phương châm “đã làm là phải trúng”, bên cạnh các tiêu chí của huyện, xã còn rà soát các điều kiện cơ sở chăn nuôi của từng hộ dân trước khi đưa vào dự án. Cụ thể, hộ dân phải có nguồn nhân lực, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật vào sản xuất và cam kết thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật của dự án, có chuồng trại phù hợp quy mô chăn nuôi, có diện tích trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn cho bò… Với quyết tâm của toàn xã, Tân Thành đặt mục tiêu hết năm 2024 sẽ có 13 hộ từ nghèo lên cận nghèo và 8 hộ từ cận nghèo lên thoát nghèo bền vững. Hiện nay, số hộ nghèo của xã còn 50 hộ và cận nghèo còn 59 hộ.

Bà Lý Thị Cảnh, Trưởng xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành thông tin: Xóm có 10 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo được cấp 16 con bò nái sinh sản. Bà con rất phấn khởi vì được Nhà nước hỗ trợ cho con bò khỏe mạnh, chỉ sau hơn 2 tháng mỗi con đều tăng từ 40 kg trở lên, con tăng nhiều nhất đã đạt mức 290 kg. “Là hộ nghèo nhiều năm nay nên đầu năm 2024, gia đình tôi phấn khởi vô cùng vì được dự án cấp cho 1 con bò khỏe mạnh để nuôi và được xã cho đi tập huấn về chăn nuôi bò. Hy vọng, con bò nái sinh sản này sẽ giúp gia đình tôi gia tăng nguồn thu để sớm thoát nghèo” - Vợ chồng anh Vi Văn Phòng và chị Hoàng Thị Thắm ở xóm Đồng Bầu chia sẻ.

Trao đổi với bà Trần Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Bình được biết: Trước khi hỗ trợ con giống cho người dân, huyện yêu cầu các xã phải tổ chức lớp tập huấn về chăn nuôi chính con giống đó để người dân nắm chắc các kỹ thuật cơ bản trong quá trình chăm sóc con giống. Hộ nào nhận bò sẽ được học về nuôi bò, hộ nào được hỗ trợ gà thì sẽ tập huấn về chăn nuôi gà, chính vì vậy mà đàn bò phát triển tốt. Sau hơn 2 tháng, mỗi con bò đã tăng từ 40 đến 50kg/con, còn đối với đàn gà, tỷ lệ sống lên tới trên 90% trong tổng số con được cấp.

Đánh giá về kết quả thực hiện mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của huyện Phú Bình, ông Tạ Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Thông qua mô hình giảm nghèo, nhiều hộ dân đã có điều kiện tiếp cận trực tiếp với nguồn lực hỗ trợ, tạo sự tham gia của người dân, huy động thêm được nguồn lực tại chỗ… Các mô hình đã thực hiện đều có khả năng nhân rộng, hàng năm có từ 20 - 30% số hộ nghèo tham gia dự án thoát nghèo. Riêng trong năm 2022, toàn huyện đã có 45% số hộ tham gia mô hình đã thoát nghèo và dần ổn định phát triển kinh tế.

Thành công của các mô hình giảm nghèo ở huyện Phú Bình đã tạo ra sự lan tỏa tích cực, khích lệ người dân và nâng cao dần sự chuyển biến trong nhận thức về phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá; mạnh dạn tiếp cận khoa học kỹ thuật, mạnh dạn bỏ thêm vốn vào đầu tư sản xuất, lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp với điều kiện của gia đình và địa phương, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của huyện Phú Bình.

Thu Huyền
thainguyen.gov.vn