Truy cập nội dung luôn

Kỳ 2: Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ - vinh quang và trách nhiệm

2023-10-22 10:54:00.0

Trân trọng gìn giữ và phát huy giá trị của những tài liệu, tư liệu, kỷ vật lịch sử không chỉ là vinh quang mà còn là trách nhiệm của những thế hệ sau - những người được sống trong hoà bình, độc lập, tự do và hạnh phúc. Những tài liệu, tư liệu, kỷ vật lịch sử, trong đó có hồ sơ và kỷ vật của những cán bộ đi B đang được lưu giữ như 1 nguồn sử liệu vô giá với thế hệ hôm nay và mai sau.

(Tiếp theo kỳ 1 và hết)

Cán bộ đi B (từ năm 1959 - 1975) gồm có hai đối tượng, đó là những cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève năm 1954, sau đó họ tham gia lao động sản xuất ở miền Bắc và được bí mật đưa trở vào miền Nam công tác do yêu cầu của cách mạng và một số cán bộ dân sự người miền Bắc đi B. Cán bộ đi B chủ yếu là y sĩ, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo… Khi đi toàn bộ tài liệu, hồ sơ của họ được gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ chờ ngày họ trở về và nhận lại.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được độc lập, thống nhất, Ủy ban Thống nhất Chính phủ hoàn thành sứ mệnh của mình và chấm dứt vai trò hoạt động; toàn bộ tài liệu lưu trữ của Ủy ban do Ban Tổ chức Trung ương quản lý. Tháng 8/1981, Ban Tổ chức Trung ương đã giao toàn bộ hồ sơ tài liệu của Ủy ban Thống nhất Chính phủ cho cơ quan lưu trữ nhà nước là Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước quản lý. Năm 1995, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III được thành lập, toàn bộ phông tài liệu này được bàn giao cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III quản lý, bao gồm hai khối tài liệu chính: Tài liệu hành chính và khối hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B.

Hồ sơ đi B, ngoài những tài liệu liệu phản ánh thông tin cá nhân như chứng minh thư nhân dân, sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Ðảng, sổ Ðoàn, các quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm, thuyên chuyển công tác; quyết tâm thư, đơn tình nguyện đi B; các giấy tờ chứng nhận trình độ học tập như chứng chỉ và bằng cấp… còn có rất nhiều loại kỷ vật như huân chương, huy chương, huy hiệu, giấy khen, bằng khen, album ảnh, nhật ký, sổ tay … Mỗi một thành phần, nội dung giấy tờ, kỷ vật là một phần, một mảnh ghép ký ức của cán bộ đi B. Trong thời gian qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã trao trả bản sao hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B, trong đó có dữ liệu danh mục và 55.722 bản sao hồ sơ cán bộ đi B về 63 tỉnh, thành phố, phục vụ việc nhận lại hồ sơ của cán bộ đi B. Sau khi tiếp nhận, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, giới thiệu trên phương tiện thông tin đại chúng về danh sách cán bộ đi B và tổ chức lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B. Ðồng thời, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã đón tiếp và phục vụ các cán bộ đi B, thân nhân có nhu cầu về thông tin và nhận kỷ vật tại phòng đọc Trung tâm; tổ chức các hoạt động như trưng bày, triển lãm, đăng tin, bài giới thiệu hồ sơ đi B…

Trân trọng những giá trị trường tồn của lịch sử, thực hiện Kế hoạch số 87/ KH - UBND ngày 10/5/2023 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc thực hiện Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước tại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 - 2030”, Sở Nội Vụ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Công bố, trao trả hồ sơ cán bộ đi B tỉnh Thái Nguyên năm 2023, việc công bố, trao trả dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2023. Việc công bố, trao trả hồ sơ cán bộ đi B tỉnh Thái Nguyên nhằm tôn vinh, tri ân đối với sự hy sinh, cống hiến của các cán bộ đi B trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cung cấp cho các cơ quan chức năng cũng như các địa phương những căn cứ có giá trị, quan trọng để xem xét, giải quyết những vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách của bản thân, thân nhân và gia đình cán bộ đi B tỉnh Thái Nguyên; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay, tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị quý báu, thành quả tốt đẹp của thế hệ đi trước, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Thái Nguyên. Việc công bố, trao trả cũng nhằm phát huy giá trị tài liệu lưu trữ theo tinh thần Chỉ thị số 05/2007/CT -TTg ngày 2/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.  Thực hiện Kế hoạch Công bố, trao trả hồ sơ cán bộ đi B tỉnh Thái Nguyên năm 2023, 199 hồ sơ (bản sao) của cán bộ đi B tỉnh Thái Nguyên đã được tiếp nhận từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Thái Nguyên.  Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước chia sẻ: Với tỉnh Thái Nguyên, từ Sở Nội Vụ, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đã có những quan tâm rất chu đáo đến việc cán bộ đi B của Thái Nguyên là ai, danh sách của bao nhiêu người, đặc biệt là việc tìm kiếm và trao trả hồ sơ, kỷ vật như thế nào. Trong quá trình đó, chúng tôi và Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đã có rất nhiều buổi làm việc với nhau. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là làm sao hồ sơ của cán bộ đi B có thể được trao tận tay tới cán bộ đi và thân nhân của họ, Chúng tôi cũng hy vọng rằng để việc phát huy giá trị của những kỷ vật đi B cũng như tài liệu lịch sử nói chung sẽ được tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quan tâm để nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ có thể hiểu và trân trọng nhiều hơn nữa với những kỷ vật vô giá này.

Thành phần hồ sơ của cán bộ đi B bao gồm 1 số giấy tờ sau: Đơn xin đi B; sơ yếu lý lịch; quyết định đi B; giấy tờ sinh hoạt đảng và đoàn; chứng minh thư nhân dân; huân chương; huy chương; kỷ niệm chương; kằng khen; ảnh và các giấy tờ khác… 199 hồ sơ bản sao của các cán bộ đi B tỉnh Thái Nguyên đã được tiếp nhận từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III về Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Thái Nguyên  tiến hành lưu trữ, bảo quản, đồng thời tuyên truyền rộng rãi để các cán bộ đi B cũng như thân nhân của họ có thể tìm lại. Ông Bùi Văn Huân, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tài liệu lưu trữ nói chung có giá trị vô cùng quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá. Với tài liệu, hồ sơ cán bộ đi B, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Sở Nội vụ và phối hợp với các địa phương để rà soát thông tin cũng như các nội dung liên quan đến độ chính xác của hồ sơ. Đồng thời chuẩn bị các nội dung để trao trả hồ sơ cho cán bộ đi B và thân nhân 1 cách sớm nhất.

Chiến tranh đã lùi xa, những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc, cũng như nhân chứng lịch sử, kỷ vật, câu chuyện từ những chiến trường khốc liệt trong cuộc chiến giành độc lập tự do cho Tổ quốc luôn là điều vô giá, có ý nghĩa lớn lao trong giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Phương Thảo
thainguyen.gov.vn