Truy cập nội dung luôn

Kỳ 1: Kỷ vật đi B - hồi ức từ cuộc chiến

2023-10-21 11:20:00.0

Từ cuối năm 1959, hàng trăm đoàn cán bộ từ miền Bắc với tinh thần tự nguyện, đã bí mật vượt dãy Trường Sơn để vào miền Nam công tác, trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Họ được gọi với biệt danh là "đi B".

Chiến tranh đã lùi xa, những cán bộ đi B - những người đã gác lại hoài bão thanh xuân đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, có người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường khốc liệt, thanh xuân đã hoà vào dáng hình đất nước, có người trở về mang theo những thương tật vĩnh viễn, cũng có những người được trở về bình an để vui chung niềm vui độc lập, nhưng với họ những ký ức, kỷ vật, câu chuyện của những năm tháng chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã trở thành những mảnh ghép nhiều cảm xúc được trân trọng và lưu giữ mãi cho đến tận hôm nay.

Trong hành trình tìm gặp và lắng nghe câu chuyện của những người bước ra từ cuộc chiến. Chúng tôi vinh dự được gặp ông Phùng Đức Niên, ngoài tuổi 70, người cựu chiến binh vẫn giữ được nét hăng hái, khỏe khoắn và tác phong nhanh nhẹn của người lính Bộ đội cụ Hồ. Bên ấm trà Thái còn đượm hương thơm ngát giữa trời thu, người cựu chiến binh bồi hồi nhớ lại những ký ức vinh quang và đầy tự hào. Lật giở những ký ức và kỷ vật còn giữ lại từ chiến trường B, ông Phùng Đức Niên cho chúng tôi xem 1 bức ảnh quý mà ông đã lưu giữ hơn 40 năm nay. Bức ảnh được chụp từ 1972 trên chiến trường Bình Trị Thiên, Năm ấy, chàng trai trẻ Phùng Đức Niên chỉ mới vừa tròn 23 tuổi, và đảm nhiệm vụ của 1 chiến sĩ điện đài thông tin.

Nhớ lại những ngày trai tráng, lòng sục sôi viết đơn tình nguyện đi B, ông Niên bồi hồi: “Ngày ấy chúng tôi đều là những chàng trai, cô gái đôi mươi, tuổi còn rất trẻ. Khi được thông tin về chiến trường B, chúng tôi đã cùng nhau viết đơn tình nguyện và mong ngóng được chấp thuận. Ai ai cũng muốn gác lại công việc, để đi thẳng vào chiến trường làm nhiệm vụ đánh thắng kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc. Dù biết phía trước sẽ có vô vàn khó khăn, gian khổ, nhưng lúc đó chúng tôi không ai sợ khó, sợ khổ, một lòng hướng về Tổ quốc, về đồng bào, về Đảng và Bác kính yêu”

Tạm biệt người cựu chiến binh Phùng Đức Niên với câu chuyện về tình nguyện lên đường đi B với sục sôi lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng tôi đến với xóm Cao Khản, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ. Cao Khản mùa lúa đang thì con gái thơm ngát, dịu ngọt, sự bình yên và vẻ đẹp của làng quê đủ để mỗi chúng tôi đều cảm nhận được rõ nhất giá trị của hòa bình. Cuộc chiến đi qua, máu đã thắm vào hồn dân tộc, hòa bình hôm nay đã được đánh đổi bằng sự hy sinh anh dũng quên mình của hàng triệu người con yêu nước đã hăng hái chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu quên mình. Trong đó, có cựu giáo chức Nguyễn Kim - người con của quê hương Đại Từ.

Lá đơn tình nguyện được viết năm 1969 với 3 lời hứa đầy quyết tâm của 1 người con yêu nước “Thực hiện tốt 3 sẵn sàng, nhiệt tình công tác để hoàn thành với kết quả cao nhất, nêu cao ý thức chấp hành kỷ luật đến hơi thở cuối cùng”. Cũng với tấm lòng kiên trung đó, chàng thanh niên, người giáo viên trẻ Nguyễn Kim đã tạm biệt học trò, tạm biệt quê hương để đi thẳng vào chiến trường B. Lật giở những kỷ vật đi B được ông gìn giữ như “báu vật” vô giá, còn có 1 bức ảnh được chụp tại địa đạo Củ Chi năm 1972. Đó là hình ảnh 1 lớp bình dân học vụ được tổ chức ngay trong địa đạo, giữa những mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Và người giáo viên có mặt trong bức ảnh đó, không ai khác đó là cựu giáo chức Nguyễn Kim. Ông xúc động nhớ lại: Ngày ấy dạy học giữa mưa bom, bão đạn, chúng tôi chưa từng nao núng tinh thần, cũng không sợ cái chết. Trong gian khổ, khó khăn, thiếu thốn của chiến tranh, nhìn những học trò ham học, đồng bào vừa sản xuất vừa chiến đấu, vừa động viên con em học tập, đó là nguồn động lực lớn nhất để chúng tôi vượt qua khó khăn, chiến đấu với giặc dốt ngay trên chiến trường.

Gian khổ, khó khăn là vậy, nhưng có lẽ cũng vì đã đồng cam cộng khổ giành trọn thanh xuân cho đất nước, mà nhiều người lính đã lựa chọn bước tiếp cùng nhau suốt cuộc đời. Trên hành trình tìm lại, chúng tôi có gặp vợ chồng bà Trần Thị Sáu và ông Tô Bưởi, ở thị trấn Đu, huyện Phú Lương. 2 ông bà đều đã bước sang tuổi xế chiều, ít ai biết rằng, trước khi là người bạn đời, họ đã từng là đồng chí, đồng đội phục vụ chiến đấu trên cùng chiến tuyến. Mỗi người đều có những lý do khác nhau để lên đường đi B nhận nhiệm vụ, nhưng cũng giống như những người đồng đội khác, họ có 1 điểm chung là đều có 1 lòng nồng nàn yêu nước. Bà Trần Thị Sáu bùi ngùi nhớ lại những ký ức còn sót lại về những ngày phục vụ chiến đấu quên mình: Ngày lên đường đi B tôi mới 23 tuổi, anh trai của tôi đã hy sinh trước đó trên chiến trường B, lúc ấy trong lòng chỉ có 1 nguyện vọng duy nhất đó là gạt đau thương, mất mát để tiếp bước anh tham gia vào cuộc chiến đẩy lùi kẻ thù. Tôi nhận nhiệm vụ làm 1 chiến sĩ điện đài thông tin, ngày ấy trọng lượng của chiếc điện đài đều lớn hơn so với cân nặng của chúng tôi, lại thường xuyên phải di chuyển leo rừng, vượt suối vô cùng khó khăn, vất vả, nhưng chúng tôi đều nguyện 1 lòng vì đồng bào, vì đất nước.

Nắm chặt tay người đồng chí, đồng đội, cũng là người bạn đời đã cùng đi qua quá nửa cuộc đời, ông Tô Bưởi xúc động nhớ lại lễ cưới ngay trên chiến trường: Lễ cưới của chúng tôi chỉ có 4 người miền Bắc còn lại là chiến sĩ miền Nam, lễ cưới được tổ chức rất đơn giản ngay trong rừng sâu, nhưng là kỷ niệm cả đời tôi không bao giờ quên. Cuộc chiến vốn đã có nhiều đau thương, nhưng cũng từ những đau thương và khó khăn ấy, mà chúng tôi thương nhau nhiều hơn. Đi cùng nhau gần hết cuộc đời, chúng tôi tự hào vì đã từng được cùng nhau cống hiến cho Tổ quốc, cho Nhân dân.

Xúc động lau dòng nước mắt, ông Tô Bưởi bùi ngùi nhắn gửi thế hệ sau: “Tôi mong mọi người, hãy trân trọng hòa bình, hãy sống và cống hiến cho tổ quốc, vì để đánh đổi hòa bình hôm nay, chúng tôi đã giành thanh xuân nơi chiến trường, rất nhiều đồng đội của chúng tôi đã nằm lại và gửi máu xương vào dáng hình đất nước”

Đó chỉ 3 câu chuyện, 3 nhân vật được chúng tôi tìm kiếm thông tin trong gần 72.000 hồ sơ, tài liệu đi B đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Họ đã cùng những người đồng chí, đồng đội anh dũng chiến đấu và phục vụ chiến đấu quên mình, để hôm nay, những thế hệ sau được viết tiếp những hành trình giữ sử đầy tự hào.

(Còn tiếp)

Phương Thảo
thainguyen.gov.vn