Truy cập nội dung luôn

Khi phụ nữ làm kinh tế số

2024-03-05 09:13:00.0

Việc livestream bán hàng đã trở thành công việc hàng ngày của chị Đỗ Thị Lâm ở tổ dân phố Hợp Thành, phường Thắng Lợi, TP. Sông Công. Chỉ sau 15 phút livestream, chị đã nhận được đơn hàng và cũng chỉ mất chừng đó thời gian, các mặt hàng hải sản mà chị kinh doanh đã đến tay người tiêu dùng. Chị Lâm hồ hởi cho biết: Gia đình chị kinh doanh hải sản từ vài năm nay, cứ mỗi khi có xe hàng mới lên, chị đều livestream trên mạng xã hội Facebook để giới thiệu sản phẩm. Từ ngày làm theo cách này, chị bán được nhiều hàng hơn.

Chị Đỗ Thị Lâm, tổ dân phố Hợp Thành, phường Thắng Lợi, TP. Sông Công livestream bán hàng

Tới thăm mô hình kết nối số do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Sông Công thực hiện điểm ở tổ dân phố Hợp Thành, phường Thắng Lợi, tôi thực sự ngạc nhiên khi mục sở thị các chị em phụ nữ livestream bán hàng, ngạc nhiên hơn khi biết hầu hết các chị đều có xuất phát điểm là nông dân hoặc kinh doanh nhỏ lẻ. Đồng thời các chị đều thành thạo việc quét mã, sử dụng QR - Code để mua và bán. Các chị bảo, mua bán qua đây tiện lợi và nhanh hơn, đỡ lo tiền giả, tiền thừa thiếu. Chị Nguyễn Thị Thiên Thảo, Chủ nhiệm mô hình kết nối số cho biết: Ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn chị em cài đặt mã QR để thuận tiện trong mua bán, kinh doanh, Tổ còn tuyên truyền cách nhận biết những thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, giúp chị em kinh doanh an toàn. Chính nhờ vậy, tất cả các hộ tiểu thương trên địa bàn đều ứng dụng chuyển đổi số để mua bán, kinh doanh.

Ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động hội ở Hội LHPN phường Thắng Lợi, TP Sông Công

Không chỉ Sông Công, mà ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, chị em cũng ứng dụng chuyển đổi số vào công việc kinh doanh. Tại vùng chè Tân Cương (gồm các xã: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Phúc Hà, Quyết Thắng và Thịnh Đức), việc ứng dụng chuyển đổi số được coi là việc làm tất yếu. Chị Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Minh Thu, xã Tân Cương chia sẻ: Sau khi tham gia các lớp tập huấn do Hội Phụ nữ các cấp tổ chức, Liên minh HTX tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Thái Nguyên tổ chức, chị đã xây dựng website của HTX chè Minh Thu, sau đó quay video, chụp ảnh từng quy trình sản xuất như bón phân, thu hái, sao sấy và đóng gói. Việc trồng giống chè gì, bón loại phân nào, tưới nước ra sao, sao sấy thế nào… đều được chị đưa lên trang web. Những hình ảnh chân thực từ các hoạt động của HTX đã thay cho việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Mỗi ngày, chị bán từ 10 đến 20 kg trà từ các đơn hàng online. Nếu như trước đây, chỉ có khoảng 40% người tiêu dùng mua trực tiếp sản phẩm của HTX thì nay con số này đã tăng lên tới 60, 70%; thị trường cũng mở rộng ra nhiều tỉnh phía Nam. Chị Thu mong muốn Hội LHPN và các tổ chức đoàn thể mở thêm các lớp tập huấn về chuyển đổi số để thành viên HTX tham gia đông đảo hơn nữa.

Được biết ở Tân Cương, mặc dù chị em tham gia làm chủ HTX có trình độ văn hóa không đồng đều, một số chị đã lớn tuổi… nhưng việc đưa chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh hết sức thuận lợi, các hội viên phụ nữ vô cùng hào hứng, sẵn sàng tiếp nhận và ứng dụng những tiến bộ của công nghệ số vào sản xuất, chế biến, kinh doanh; đồng thời sẵn lòng chia sẻ thông tin, tạo nên chuỗi giá trị cho sản phẩm trà, góp phần lan tỏa hình ảnh, giá trị của trà Thái Nguyên ra thị trường trong nước, quốc tế.

Chị em phụ nữ vùng chè Tân Cương tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh chè

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm mang tính chất đột phá, tất yếu giúp phong trào phụ nữ phát triển, năm 2023, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền vận động, hỗ trợ hội viên tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh và các hoạt động hội. Các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm về kinh tế số; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng các công cụ, phần mềm số trong sản xuất, kinh doanh; kỹ năng quản trị doanh nghiệp số; kinh doanh online được Hội tổ chức hoặc phối hợp tổ chức. Năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 27 lớp tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, trong đó có 5 lớp về ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế. Hội LHPN cơ sở tổ chức gần 1.000 lớp tập huấn khác với sự tham gia của trên 15.000 học viên. Việc xây dựng các mô hình điểm ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh cũng được chú trọng và phát huy hiệu quả. Chị Đồng Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội LHPN TP. Sông Công cho biết: Hội LHPN TP. Sông Công đã xây dựng một số mô hình điểm về ứng dụng kinh tế số tại 3 xã, phường, trong đó mô hình sản xuất, chế biến chè của HTX chè Cao Sơn thu hút 15 hội viên xóm Khe Lim, xã Bình Sơn tham gia, sản phẩm đã được giới thiệu trên trang thương mại điện tử Voso.vn, Coop mart; mô hình trồng hoa công nghệ cao, trồng dưa lưới cũng đem lại hiệu quả tích cực và được nhân rộng thêm 3 mô hình khác. Thời gian tới Hội sẽ đánh giá mô hình điểm, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các chi hội; đồng thời tích cực đào tạo, nâng cao nhận thức cán bộ để tiếp cận sử dụng hiệu quả chuyển đổi số.

Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế, TP. Sông Công cũng đánh giá cao công tác phối hợp của Hội LHPN trong thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững và phát triển kinh tế của TP. Sông Công. Ông cho rằng các mô hình ứng dụng chuyển đổi số của phụ nữ đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện Đề án. Chị em là người thực hiện mô hình, cũng là người tuyên truyền để lan tỏa, nhân rộng, góp phần triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Một lớp tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ phụ nữ cơ sở do Hội LHPN tỉnh tổ chức

Để tiếp sức cho phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp hỗ trợ chị em thành lập các gian hàng online, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số; tham gia các sàn thương mại điện tử: Postmart.vn, Voso.vn, Sóc đỏ, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên (thainguyentrade.vn); cung cấp kiến thức, hướng dẫn phụ nữ kinh doanh online, kinh doanh qua mạng xã hội, kinh doanh theo hình thức hợp tác xã, liên kết sản xuất...; tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và Nhân dân hưởng ứng tham gia mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng quan tâm khai thác các nguồn lực gồm cơ chế chính sách, nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ  phát triển kinh tế số.

Bà Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên nhận xét: Việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực kinh tế đã mang lại hiệu quả rõ nét, không chỉ giúp tăng doanh thu, cải thiện đời sống, mà còn kết nối tiêu thụ sản phẩm và mở rộng quy mô, liên kết sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, giúp mô hình phát triển bền vững. Thông qua đó giúp các hội viên nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra các giá trị mới cho sản phẩm, tạo việc làm cho phụ nữ; đồng thời góp phần cải thiện thu nhập, chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Phụ nữ làm kinh tế số đôi khi chỉ là những công việc đơn giản, thậm chí nhỏ bé nhưng hiệu quả mang lại không hề nhỏ. Nhiều chị em đã vượt qua rào cản bản thân, bắt kịp cơ hội do chuyển đổi số mang đến để đem lại lợi ích kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội. Họ rất cần được tiếp sức để mạnh mẽ, vững vàng, tham gia sâu hơn trong công cuộc chuyển đổi số.

Thu Hà
thainguyen.gov.vn