Truy cập nội dung luôn

Hiện thực hóa lời căn dặn của Người

2023-12-28 17:41:00.0

Trong lần cuối về thăm (năm 1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên: “Tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”. Thực hiện lời căn dặn và mong ước của Người, Thái Nguyên hôm nay đang có vị trí như thế nào trên bản đồ tăng trưởng của miền Bắc và cả nước?

Bác Hồ thăm Xưởng Cơ khí (nay là Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên) ngày 01/01/1964 - đây là lần thứ 7 và cũng là lần cuối cùng Bác Hồ về thăm Thái Nguyên. (Ảnh tư liệu)

Thêm động lực vững niềm tin

Thấm thoắt đã 60 năm đi qua, lời căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm tin, động lực thôi thúc Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên vượt qua gian khó, nắm chắc thời cơ, quyết tâm đồng lòng, khai mở tiềm năng vì mục tiêu đưa Thái Nguyên phát triển toàn diện, bền vững và từng bước hiện thực hóa mong muốn cháy bỏng của Người.

Lịch sử đã minh chứng, đối với Thái Nguyên Bác không chỉ yêu mến, chất chứa bao kỷ niệm mà còn là nơi Bác gửi chọn niềm tin. Trong thư gửi đồng bào Việt Bắc sau Ngày toàn quốc kháng chiến, Bác viết: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Đó là tình cảm, niềm tin và là lời tiên đoán chắc nịch của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vùng chiến khu Việt Bắc, trong đó ATK Thái Nguyên là trung tâm. Theo đó, Trung ương Đảng, Chính Phủ và Bác đã quyết định trở lại Thái Nguyên, chọn ATK Định Hóa làm căn cứ địa cách mạng để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Cũng từ ATK Định Hóa, những quyết sách quan trọng của Trung ương Đảng và của Người đã đưa cách mạng Việt Nam từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và rồi cập bến bờ vinh quang.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ đang thu hoạch vụ lúa đầu tiên sau cải cách ruộng đất năm 1954. (Ảnh tư liệu)

Khi Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển về Hà Nội, mặc dù còn bận trăm công nghìn việc nước, Bác vẫn luôn dành tình cảm sâu lắng với đất và người Thái Nguyên. Cũng vì đó, Bác đã 7 lần trở lại thăm, động viên cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Mỗi lần trở lại thăm Thái Nguyên, Bác đều để lại bao niềm thương, nỗi nhớ đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Những tình cảm, lời căn dặn của Người đã trở thành động lực, niềm tin to lớn của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tỉnh Thái Nguyên trong buổi làm việc  của Tổng Bí thư với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đầu năm 2023

Hiện thực hóa lời căn dặn của Người

Trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn vững niềm tin vì có Bác, có Đảng soi đường chỉ lối. Cách mạng thành công, non sống đất nước thu về một mối, dẫu còn nhiều gian khó, thử thách nhưng niềm tin ấy đã trở thành động lực ngày càng to lớn thôi thúc Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên vươn lên hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng, phấn đấu xóa nghèo, vươn lên làm giàu và từng bước hiện thực hóa lời căn dặn và mong muốn cháy bỏng của Người: “Làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Phối cảnh Dự án Sân vận động Thái Nguyên (TP. Thái Nguyên) quy mô trên 22.000 chỗ ngồi đang được đầu tư xây dựng và dự kiến năm 2024 hoàn thành sẽ là 1 trong 3 sân vận động lớn bậc nhất miền Bắc của Việt Nam

Đến nay, từ một tỉnh nghèo thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, Thái Nguyên đã có bước tiến dài, phát triển vượt bậc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay là giai đoạn phát triển mạnh mẽ và ấn tượng. Trong đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng yếu đã khẳng định uy tín, vị thế là cực tăng trưởng của vùng và cả nước.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước nước ngoài FDI, Thái Nguyên đã có bước tiến ngoạn mục với dấu mốc quan trọng là việc Samsung đầu tư. Nếu như cuối năm 2010, Thái Nguyên chỉ đứng ở vị trí 45/63 tỉnh, thành về thu hút FDI, thì đến nay tỉnh đã vươn lên lọt Top đầu cả nước. Trong giai đoạn 2000 - 2012, cả tỉnh chỉ có 36 doanh nghiệp FDI được cấp phép với tổng vốn thực hiện 210 triệu USD, thì giai đoạn 2013 - 2020, con số này đã tăng lên 163 doanh nghiệp, với trên 7,5 tỷ USD và đến năm 2023 là trên 200 dự án với tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ USD. Trong vòng gần 10 năm trở lại đây, Thái Nguyên luôn nằm trong Top 15 tỉnh, thành thu hút FDI lũy kế cao nhất cả nước. Dòng vốn FDI ổn định đã giải quyết nhu cầu việc làm cho hàng chục nghìn lao động tại tỉnh.

Thái Nguyên duy trì Top 3 địa phương dẫn đầu toàn quốc về giá trị kim ngạch xuất khẩu. (Trong ảnh: Sản xuất điện thoại thông minh tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên)

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên luôn thuộc Top các tỉnh có chỉ số tăng cao. Trong giai đoạn 2015 - 2020 liên tục kinh tế Thái Nguyên tăng trưởng 2 con số. Cá biệt như năm 2016 tỉnh Thái Nguyên lần đầu có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 toàn quốc. Năm 2023, mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khăn, thách thức, nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước tốc độ tăng trưởng thấp, thậm trí âm nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên vẫn đạt trên 5% thuộc nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên

Về chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước tăng từ trên 1.535 tỷ đồng năm 2010 lên 20 nghìn tỷ đồng vào năm 2023. Với số thu này, tỉnh Thái Nguyên lọt Top 18 tỉnh tự cân đối thu chi và có đóng góp vào ngân sách Trung ương, trong đó ở miền Bắc, Thái Nguyên là 1 trong 9 tỉnh. Về giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh duy trì Top 3 địa phương dẫn đầu toàn quốc. Thu nhập bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng/người/năm, tăng 61 triệu đồng so với thời điểm năm 2016; cũng vì thế đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt…

Công trình cầu Huống Thượng thuộc Dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên giúp tạo không gian, kiến trúc cảnh quan đồng bộ, hiện đại; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kết cấu hạ tầng đầu tư đồng bộ và ngày một hoàn thiện, nhiều công trình, dự án trọng điểm, liên kết vùng có tác động tích cực đến sự phát triển trước mắt và lâu dài của tỉnh đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác. Công tác chỉnh trang đô thị được tăng cường, quy hoạch, quản lý quy hoạch và nâng cấp đô thị được quan tâm và thu được nhiều kết quả tốt. Với những thành tựu đã đạt được, có thể nói kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên có bước tiến dài, với nhiều chỉ tiêu trọng yếu lọt top đầu của miền Bắc và cả nước. Nói theo cách khác lời căn dặn và mong ước của Người đối với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đang trở thành hiện thực và ngày một rõ nét hơn.

Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Trên cơ sở những thành tựu, kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, thống nhất quyết tâm xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển giàu mạnh, đời sống của người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no, sung túc đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn, hiện đại của vùng trung du, miền núi phía Bắc và của vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Xây dựng tỉnh Thái Nguyên, “Thủ đô kháng chiến”, “Thủ đô gió ngàn” năm xưa ngày càng trở nên giàu có và phồn thịnh như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thái Nguyên.

Đình Lộc
thainguyen.gov.vn