Truy cập nội dung luôn

Hành trình hướng đến mục tiêu tự cân đối thu chi

2024-01-29 11:23:00.0

Thu ngân sách là một trong những chỉ tiêu trọng yếu, thước đo của nền kinh tế. Số thu càng cao thì nền kinh tế càng khỏe, địa phương tăng tính chủ động trong hoạt động đầu tư và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Chính vì vậy, các địa phương luôn tìm giải pháp để tăng số thu ngân sách trên địa bàn. Đối với tỉnh Thái Nguyên đã có giai đoạn khó khăn về tăng trưởng ngân sách; nhiều tỉnh, thành phố có những nét tương đồng đã vượt lên và bỏ xa khoảng cách. Tuy nhiên, đó là câu chuyện trước thời điểm năm 2008.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thăm quan không gian trưng bày bản đồ quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Xuân Huy)

Xác lập dấu ấn tự cân đối thu chi

Năm 2008, thu ngân sách của tỉnh Thái Nguyên đạt 1.079 tỷ đồng. Kết quả này giúp tỉnh chính thức thuộc “Câu lạc bộ nghìn tỷ” toàn quốc. Đây là mục tiêu vô cùng khó khăn ở thời điểm đó bởi điều kiện hạ tầng khó khăn, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng, cơ khí nhỏ lẻ.

Kết thúc năm 2023, Thái Nguyên đã có số thu ngân sách trên địa bàn đạt 20.196 tỷ đồng, chính thức lọt Top 18 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi và có phần đóng góp cho ngân sách Trung ương. Kết quả đạt được đã thể hiện ý trí phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn, đồng thời khẳng định uy tín, vị thế của tỉnh trên bản đồ phát triển kinh tế của cả nước. Như vậy, trong giai đoạn 2008 - 2023 nếu tính bình quân chung mỗi năm ngân sách tỉnh Thái Nguyên tăng gần 1.300 tỷ đồng. Kết quả này cũng cho thấy đây là giai đoạn kinh tế của tỉnh phát triển liên tục, có sự bứt phá, năm sau luôn cao hơn năm trước.

Bản đồ vị trí và các mối quan hệ của tỉnh Thái Nguyên

Số thu ngân sách tăng do đâu?

Đối với tỉnh Thái Nguyên, tiềm năng, lợi thế đã được định hình và hiện hữu: Đó là vị trí địa lý thuận lợi - Trung tâm của vùng trung du miền núi phía Bắc, cửa ngõ Thủ đô Hà Nội; tài nguyên khoáng sản phong phú. Thái Nguyên cũng là trung tâm đào tạo lớn của cả nước, nơi hội tụ nguồn nhân lực chất lượng; sức mạnh nằm ở truyền thống cách mạng, đức tính cần cù chịu khó của người dân… Thực tiễn đã chứng minh để đạt được mục tiêu tăng số thu ngân sách thì kinh tế phải tăng trưởng, nguồn lực và hoạt động đầu tư phải được tăng cường, tất cả những tiềm năng, lợi thế phải được khai mở và sử dụng hiệu quả…

Đứng trước thời cơ, vận hội mới, Thái Nguyên một mặt đã củng cố lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp để bảo đảm cuộc sống Nhân dân ổn định, trụ đỡ của nền kinh tế được vững chắc. Hàng loạt chính sách kích cầu nông nghiệp được tăng cường. Đơn cử như chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, khuyến khích ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh hoạt động chăn nuôi quy mô lớn, sản xuất hàng hóa và mới đây là chính sách mỗi xã phường một sản phẩm - OCOP, thực hiện xây dựng nông thôn mới, tăng cường chuyển đổi số trong nông nghiệp…Với những kết quả thu được, sản xuất nông nghiệp đã đóng góp trên dưới 10% giá trị trong cơ cấu kinh tế.

Sản xuất điện thoại thông minh tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên. (Ảnh: Trần Nhung)

Xác định nguồn thu ngân sách phụ thuộc chủ yếu từ công nghiệp và thương mại dịch vụ, Thái Nguyên một mặt thúc đẩy sản xuất công nghiệp địa phương, mở rộng quy mô và nâng cao năng lực sản xuất; tăng cường cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thành lập mới doanh nghiệp, mặt khác tăng cường công tác thu hút đầu tư. Theo đuổi mục tiêu này, tỉnh đã thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp. Cũng từ chủ trương này, tuyến đường Quốc lộ 3 đã được nâng cấp, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được đầu tư hoàn thành, các tuyến quốc lộ, đường nội thành, nội thị, giao thông kết nối tại các địa phương được đầu tư. Cũng từ đó các khu công nghiệp như: Sông Công 1, Điềm Thụy, Yên Bình, Nam Phổ Yên và các cụm công nghiệp mới được đầu tư hạ tầng đồng bộ. Đây cũng là lý do hoạt động thu hút đầu tư vào Thái Nguyên nở rộ. Nhiều Tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư lớn trong nước và ngoài nước đã đến Thái Nguyên để triển khai các dự án.

Đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 200 dự án FDI với tổng vốn giải ngân gần 11 tỷ USD và trên 9.000 doanh nghiệp. Nguồn lực đầu tư toàn xã hội tăng trung bình hằng năm trên 10%, đạt 57.000 tỷ đồng năm 2023. Giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu liên tục tăng và duy trì trong nhóm các tỉnh dẫn đầu toàn quốc. Năm 2023, mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn nhưng công nghiệp và thương mại, dịch vụ của tỉnh đều đạt kết quả tốt. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 972 nghìn tỷ đồng, duy trì vị trí thứ 4 toàn quốc; thương mại, dịch vụ đạt trên 67 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ. Đây cũng là lý do chính để Thái Nguyên tăng thu ngân sách, đạt 20.196 tỷ đồng - cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2023, thương mại, dịch vụ tăng 20% so với năm 2022. (Ảnh: Hoàng Cường)

Tạo ra xung lực mới

Để tăng xung lực cho nền kinh tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”. Thực hiện chủ trương này, tỉnh đã khẩn trương lập quy hoạch tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ; tăng cường thu hút đầu tư, nhất là vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, khu, cụm công nghiệp và vốn đầu tư FDI. Lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử... Về lĩnh vực thương mại dịch vụ, thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, sân golf… Thái Nguyên chủ trương tăng cường kết nối giữa các địa phương trong tỉnh, các tỉnh trong vùng để khai thác tiềm năng, thế mạnh liên vùng phục vụ mục tiêu phát triển. Đây là những giải pháp căn cơ giúp kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, theo đó nguồn thu ngân sách sẽ tiếp tục được tăng cường.

Đình Lộc
thainguyen.gov.vn