Truy cập nội dung luôn

Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng: Hành trình ngược dòng lịch sử

2023-08-31 18:58:00.0

Ngày 25/4/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND về việc tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ I - năm 2024. Đây là giải thưởng báo chí cấp tỉnh đầu tiên của Thái Nguyên, đáp ứng mong mỏi của báo giới toàn tỉnh.

Phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên tác nghiệp tại Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương. (Ảnh: Trần Nhung)

Ghi dấu một phần lịch sử thiêng liêng của nghề báo

Ngược dòng lịch sử, ngày 4/4/1949, theo đề nghị của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trường dạy làm báo được mở ở chiến khu Việt Bắc. Ngôi trường dạy làm báo chuyên nghiệp đầu tiên của nước ta được Bác Hồ đặt theo tên vị lão thành yêu nước, nhà viết báo lâu năm Huỳnh Thúc Kháng. Lớp học diễn ra trong 3 tháng, gồm 42 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước gửi về và được nhiều đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị và phong phú lý luận, thực tiễn đích thân giảng dạy. Trong số giảng viên những tên tuổi lớn của lịch sử Việt Nam như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần gửi thư động viên, dạy bảo, hướng dẫn nghiệp vụ làm báo cách mạng cho các học viên. Trong thư có đoạn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!”. Ngày 6/7/1949, trường tổ chức bế giảng, đích thân Bác Hồ gửi thư biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí. Người nhấn mạnh, muốn viết báo thì cần phải: “Gần gũi quần chúng, còn cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; ít nhất phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của họ; khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn là đưa một người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến…”. Những lời dặn dò của Bác Hồ trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng, là giáo trình cho mọi giáo trình dạy làm báo tới tận ngày nay.

Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được công nhận và đặt bia di tích tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ - nơi ghi dấu một phần lịch sử thiêng liêng của nghề báo, trở thành địa chỉ đỏ của báo chí cách mạng Việt Nam.

Các hội viên Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên thực tế tác nghiệp tại cơ sở

Niềm mong mỏi của người làm báo Thái Nguyên

Chúng tôi có dịp gặp nhà báo Phan Hữu Minh, nguyên Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Giám đốc - Tổng biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, nguyên Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên. Ông bày tỏ vui mừng vì sau 10 năm theo đuổi chứng minh giá trị lịch sử của Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, nay Thái Nguyên đã tổ chức được một giải thưởng báo chí mang tên người chí sĩ yêu nước, nhà báo cách mạng Huỳnh Thúc Kháng. “Trong hành trình khảo cứ và tìm hiểu lịch sử, chúng tôi may mắn được gặp những nhân chứng lịch sử rất quan trọng. Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp di tích lịch sử quốc gia vào năm 2019, tỉnh Thái Nguyên đã long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Với những ý nghĩa lịch sử to lớn đó, giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng không chỉ đáp ứng mong mỏi của nhiều thế hệ làm báo, mà còn là động lực to lớn để đội ngũ những người làm báo phấn đấu đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của báo chí nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung” - nhà báo Phan Hữu Minh chia sẻ.

Là tác giả của nhiều tác phẩm đạt giải cao tại các giải báo chí Trung ương và địa phương, nhà báo Thu Hiền, Phó Trưởng phòng Bạn nghe đài và xem truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình cũng bày tỏ niềm vui khi UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành kế hoạch tổ chức Giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ I năm 2024. Chị tâm sự: “Việc tham dự các giải báo chí không chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp, mà quan trọng hơn từ những phát hiện, khai thác, theo đuổi và triển khai các đề tài, rất nhiều tác phẩm báo chí đã tác động trực tiếp theo hướng tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Những người làm báo chúng tôi đều cảm thấy rất tự hào vì Thái Nguyên đã chính thức có 1 giải thưởng báo chí cấp tỉnh mang tên nhà báo cách mạng Huỳnh Thúc Kháng. Tôi tin tưởng rằng với ý nghĩa của giải, sẽ khơi dậy thêm tình yêu, nhiệt huyết và trách nhiệm với nghề nghiệp ở mỗi người làm báo, đặc biệt là lớp nhà báo trẻ hiện nay.”

Kỳ vọng đưa cuộc sống vào nghị quyết từ những tác phẩm báo chí

Khẳng định người làm báo muốn có tác phẩm tốt cần tự trang bị phông văn hoá, phông kiến thức để đánh giá, khai thác, phát hiện đúng tầm vóc, chuyển tải được hiện thực cuộc sống vào ý tưởng tác phẩm. Nhà báo Phan Hữu Minh kỳ vọng Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng sẽ có nhiều tuyến đề tài để đưa cuộc sống vào nghị quyết, nghĩa là những góc nhìn, ghi nhận, đánh giá, phân tích của nhà báo sẽ được cấp uỷ, chính quyền quan tâm, từ đó có những nghị quyết, chính sách đúng, trúng và kịp thời.

Liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng nghiệp vụ, nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, đặc biệt là nghiệp vụ về tổ chức sản xuất tác phẩm báo chí chất lượng cao”. Cùng với sự nhiệt huyết, bản lĩnh và sức sáng tạo của đội ngũ hội viên Hội nhà báo tỉnh, nhà báo Nguyễn Bảo Lâm cũng kỳ vọng sẽ có nhiều tác phẩm chất lượng được gửi đến tham dự Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ I, năm 2024.  

Phương Thảo
thainguyen.gov.vn