Truy cập nội dung luôn

Chuyển đổi số: Sức sống mới cho Thái Nguyên phát triển

2022-01-22 11:34:00.0

Nhận định chuyển đối số là xu thế, cơ hội tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi tổng thể và toàn diện con người về cách sống, cách làm việc cũng như phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số; đồng thời xác định chuyển đổi số phải đi nhanh, đi trước, ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01-NQ/TU về Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; lấy ngày 31/12 là Ngày Chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thái Nguyên nhân chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên ngày 03/9/2021 (Ảnh: Xuân Huy)

Nghị quyết về chuyển đổi số ra đời đã thể hiện quyết tâm đổi mới và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và có tác động toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Điểm nổi bật ở Thái Nguyên là đã thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, như: Viettel; VNPT; AIC, liên minh SaigonTel-NGS… Tất cả đều thể hiện tinh thần chung tay tạo sự phát triển mới.

Nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết, chúng ta có thể thấy sự thay đổi tích cực trong tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Sự thay đổi được hiện thực hóa ngay tại các cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND đến các sở, ngành, địa phương, đó là nội dung báo cáo đã được số hóa, “phòng họp không giấy”; hội nghị trực tuyến được triển khai phổ biến và quen thuộc. Tại Phiên họp thứ 47 UBND tỉnh (nhiệm kỳ 2016 - 2021) ngày 06/4/2021, hệ thống e-Cabinet chính thức được vận hành, tạo ra môi trường tương tác đa chiều và tức thời; tiết kiệm tối đa thời gian khi các ý kiến trao đổi của các thành viên UBND tỉnh được tiếp nhận, xử lý đồng thời. Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Phiên họp thứ 47 là Phiên họp đầu tiên UBND tỉnh thực hiện theo phương thức “phòng họp không giấy tờ", với nhiều đổi mới trong việc tham gia đóng góp ý kiến và tổng hợp ý kiến, đảm bảo công khai, dân chủ, phát huy tối đa trí tuệ tập thể”.

Các đại biểu bấm nút khai trương ứng dụng Thái Nguyên ID (Ảnh: Thanh Hiếu)

Đại dịch COVID-19 diễn ra đã tác động mạnh mẽ tới cuộc sống của tất cả mọi người. Thái Nguyên là tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp, lượng công nhân lao động cao, nên việc khống chế dịch cần có những giải pháp hiệu quả. Một trong những giải pháp được áp dụng là triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các nền tảng, giải pháp công nghệ số như: Ứng dụng PC-Covid, Bản đồ dịch tễ COVID-19, hệ thống camera giám sát tại các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa…qua đó thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch để đảm bảo sức khỏe Nhân dân, vừa phát triển kinh - tế xã hội.

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thái Nguyên với 11 nền tảng công nghệ số, như: Tích hợp hiển thị thông minh; tích hợp quản lý camera tập trung; xử lý giám sát điều hành giao thông; hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử… Đặc biệt là triển khai phần mềm ứng dụng công dân Thái Nguyên “C-ThaiNguyen” được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2021 đến nay đã có gần 200 nghìn lượt cài đặt, sử dụng. Thông qua ứng dụng C-ThaiNguyen đã có trên 400 phản ánh của công dân, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời góp phần làm tốt công tác quản lý của các ngành, chính quyền địa phương. Đặc biệt, Chiến dịch tiếp sức, hỗ trợ cho hơn 11.000 người Thái Nguyên ở 22 tỉnh, thành phố vùng dịch phía Nam với tổng số tiền hỗ trợ trên 23 tỷ đồng đã được thực hiện trong thời gian ngắn nhất. Thủ tục và quá trình xử lý hồ sơ hoàn toàn được thực hiện online. Kết quả thực hiện và hoàn tất đều trên hệ thống IOC. Sau khi hoàn thiện, hồ sơ được chuyển kho bạc, ngân hàng chi trả... Đó là cách làm thích hợp, thiết thực, hiệu quả trong thời điểm dịch bệnh, giúp người dân nhận được tiền hỗ trợ một cách nhanh chóng, chính xác.

Giao diện ứng dụng Thái Nguyên ID

Cùng với ứng dụng C-ThaiNguyen, việc phát triển nền tảng xã hội số "Thái Nguyên ID" đã hỗ trợ tích cực vào việc định danh chính xác từng người dân Thái Nguyên trên không gian số, đơn giản hóa và thuận tiện trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, là “cánh tay nối dài” giúp tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân.

Các lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số, như: Y tế, giáo dục, văn hoá, công nghiệp, giao thông, nông nghiệp… cũng đều có sự chuyển mình, với mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn, nhanh hơn, hiện đại hơn. Thuế, điện, nước, học phí, viện phí… có thể thanh toán qua ngân hàng; các dịch vụ công có thể thực hiện qua mạng; các sản phẩm nông nghiệp đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Postmart…

Bộ mặt đô thị thông minh dần được hiện hữu và hình thành tại TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công và thị xã Phổ Yên. Đặc biệt, thực hiện chuyển đổi số tại những nơi khó khăn nhất, vùng được đánh giá là vùng lõm thông tin của tỉnh cũng được quan tâm. La Bằng (huyện Đại Từ), Sảng Mộc (huyện Võ Nhai) là các xã được lựa chọn thí điểm xây dựng xã thông minh. Theo đó, cáp quang đã đến tận xóm, giờ đây người dân tại địa phương khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên có thể ngồi ở nhà để thực hiện những thủ tục hành chính qua môi trường số hoặc được chăm sóc sức khỏe qua nền tảng khám bệnh từ xa…

Đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông vui mừng cho biết: Thực hiện nghị quyết về chuyển đổi số, khắp mọi miền, từ thành phố đến những vùng xa khó khăn đều nhận được sự tham gia có trách nhiệm và đầy hứng khởi của các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân. Năm 2020, tỉnh Thái Nguyên được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về kết quả chuyển đổi số, trong đó chính quyền số xếp thứ 3/63 tỉnh, thành; mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng thuộc nhóm 07 địa phương xếp hạng A dẫn đầu cả nước.

Trạm Y tế xã Văn Lăng và bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ thực hiện chẩn đoán và xử trí ban đầu cho bệnh nhân tăng huyết áp được kết nối qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (Ảnh: thainguyentv.vn)

Một điều vui mừng nữa là Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ sung Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung Quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Đây là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế số của Thái Nguyên. Từ mảnh đất này, những sản phẩm công nghệ số sẽ được ra đời, kỳ vọng sẽ tạo nên “thung lũng Silicon” tại Việt Nam.

Trong những ngày cuối năm 2021 - Kỷ niệm một năm Ngày Chuyển đổi số (31/12), Thái Nguyên chính thức Khai trương mạng di động 5G - như một lời cam kết của tỉnh về việc đảm bảo hạ tầng hiện đại để đón chào các nhà đầu tư trên khắp thế giới đến với Thái Nguyên.

Nguồn cảm hứng, định hướng vào “hành trình chuyển đổi số” mà Thái Nguyên đã và đang thực hiện sẽ đưa địa phương tiến lên, hòa nhịp cùng sự phát triển; là nền tảng, động lực quan trọng, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, xây dựng Thái Nguyên luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển./.

Tiến Thành
thainguyen.gov.vn