Truy cập nội dung luôn

Chuyển đổi số - chìa khóa để kinh tế hợp tác xã bứt phá

2024-04-01 15:53:00.0

Thời gian qua, với việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh đã góp phần giúp các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và chủ động tham gia vào chuỗi giá trị.

Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Bắc Bộ và UBND huyện Đồng Hỷ tổ chức Chương trình livestream phiên chợ xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm miến dong Việt Cường và nông sản Thái Nguyên

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 760 HTX với trên 42 nghìn thành viên và hơn 4.500 tổ hợp tác với trên 108 nghìn thành viên. Xác định chuyển đổi số có ý nghĩa hết sức quan trọng, là “chìa khóa” để tăng năng suất lao động, thay đổi phương thức quản lý của khu vực kinh tế hợp tác, HTX, bởi vậy thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ HTX ứng dụng chuyển đổi số, qua đó tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để hướng dẫn, phổ biến tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa của chuyển đổi số trong việc giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng thu nhập cho các HTX. Bên cạnh đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, giúp các HTX livestream bán sản phẩm của mình trên các trang mạng xã hội, hướng dẫn các HTX tự đưa sản phẩm của mình lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, tự quay Tiktok, Clip quảng bá sản phẩm.

Với máy đóng gói tự động, HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên có thể đóng gói hàng tấn chè/ngày

Trang Facebook với hàng nghìn tài khoản theo dõi, những Clip livestream quảng bá thu hút hàng nghìn lượt người xem. Trên các sàn thương mại điện tử, gian hàng của HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên cũng có sản lượng tiêu thụ lên tới hàng nghìn đơn hàng mỗi tháng. Đây là những con số mà HTX chè Hảo Đạt đang nỗ lực để đạt được từ việc áp dụng chuyển đổi số trong công tác quảng bá sản phẩm trà. Trong khâu sản xuất, chế biến chè, HTX Hảo Đạt cũng đã chuyển đổi từ sản xuất, chế biến thủ công sang sử dụng các máy móc, thiết bị hiện đại như: Máy hút chân không, hệ thống sao sấy bằng điện, máy đóng gói tự động… Ngoài ra, HTX còn ứng dụng các phần mềm chấm công, phần mềm quản lý bán hàng, giúp quản lý đơn hàng một cách dễ dàng và giảm được nhân công làm việc. Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt cho biết: Chuyển đổi số đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho HTX. Điển hình là với việc áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, các sản phẩm trà của HTX được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến và tin dùng. Ngoài ra, thông qua các công nghệ sao, sấy, đóng gói chè tự động, sản lượng của HTX tăng cao đáng kể, trung bình mỗi ngày HTX có thể sản xuất, đóng gói hàng tấn chè.

Hệ thống máy chiên cơm tự động đã giúp cho công đoạn quan trọng nhất trong sản xuất cơm cháy của HTX Sản xuất và Thương mại dịch vụ Bản Việt được tiết giảm đáng kể về thời gian và nhân công lao động

Còn đối với HTX Sản xuất và Thương mại dịch vụ Bản Việt, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình dù mới đi vào hoạt động chưa đầy 1 năm, song nhờ ứng dụng công nghệ số, hiệu quả sản xuất của HTX đã được nâng cao rõ rệt. Thay vì sản xuất thủ công bằng tay như trước đây, HTX đã đầu tư nhà xưởng, khu trưng bày quy mô 200m2, dây chuyền sản xuất hiện đại. Đặc biệt, với hệ thống máy tạo hình cơm và máy chiên cơm - hai công đoạn quan trọng nhất trong sản xuất sản phẩm mang thương hiệu “cơm cháy Én Vàng” của HTX đã được tiết giảm đáng kể về thời gian và nhân công lao động. Theo chị Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc HTX thì thời gian đầu khi sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, mỗi ngày HTX chỉ làm được khoảng 20 - 30 kg cơm cháy. Nhưng kể từ khi HTX áp dụng 80% máy móc vào các các công đoạn sản xuất thì sản lượng tăng rất cao, khoảng 1 tấn/ngày.

Thời gian qua, với việc đồng hành, hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX tỉnh, nhiều HTX trên địa bàn đã mạnh dạn áp dụng công nghệ số, từng bước tạo ra “cuộc cách mạng” thay đổi toàn diện cách làm truyền thống để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp “số hóa”, hiện đại, thông minh. Hiện, toàn tỉnh có 90% HTX ứng dụng số trong hoạt động quản lý, 65% HTX ứng dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm; hầu hết sản phẩm của HTX đều được gắn mã QR để truy xuất nguồn gốc. Từ các hoạt động chuyển đổi số, doanh thu của các HTX đã được nâng lên đáng kể, năm 2023, đạt trên 3.150 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên/người lao động trong HTX đạt từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.… Nhiều sản phẩm của HTX phát triển theo hướng hàng hóa, trở thành sản phẩm thế mạnh, tiêu biểu, đặc trưng của địa phương. Điển hình như trong số 241 sản phẩm OCOP toàn tỉnh thì có tới 170 sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác, trong đó 89 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Ngoài ra, 77 sản phẩm của HTX, tổ hợp tác đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu của tỉnh; 5 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu cấp vùng và quốc gia.

Tuy nhiên, dù đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, song một thực tế cho thấy việc chuyển đổi số tại các HTX diễn ra còn chậm, thiếu tính chiến lược, chủ yếu là ứng dụng chuyển đổi số trong khâu quản lý, ứng dụng trong sản xuất còn hạn chế. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực kinh tế HTX, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết thêm: Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền về công tác chuyển đổi số cho các HTX, bên cạnh đó hỗ trợ cho HTX phần mềm kế toán, hỗ trợ vay vốn để các HTX có kinh phí trang bị máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất.

Cơm cháy Én Vàng được nhóm Tiktoker, Streamer giới thiệu bán trực tuyến qua các nền tảng Facebook, Tiktok

Ngày 3/6/2023, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Theo đó, sẽ tăng cường các nguồn lực kết nối các đối tác trong hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo nhằm hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế hợp tác, HTX chuyển đổi số, kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho HTX tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua chuyển đổi số. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, đây hứa hẹn là điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các HTX, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số của địa phương.

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn