Truy cập nội dung luôn

Chủ động sáng tạo để có tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng cao

2023-09-14 19:27:00.0

Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam...”.

Trình diễn thơ tại Lễ hội Thơ Nguyên tiêu năm 2023

Với quan điểm sáng tạo, hoạt động, phát triển văn học nghệ thuật phải gắn với phát triển tâm hồn con người, gắn với nhu cầu lành mạnh và chính đáng của công chúng, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập của tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều hoạt động văn học nghệ thuật lớn, có tiếng vang trong khu vực và cả nước. Tiêu biểu như: Lễ hội Thơ Nguyên tiêu hàng năm (từ 2012 đến nay); trại sáng tác văn học trẻ hằng năm (từ 2019 đến nay); đăng cai nhiều liên hoan ảnh nghệ thuật và triển lãm mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc)... 

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã chú trọng triển khai nhiều chính sách, giải pháp phát triển văn học và hoạt động nghệ thuật, đảm bảo phát triển văn hóa hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của văn học nghệ thuật, khuyến khích văn nghệ sĩ tỉnh nhà tiếp tục sáng tạo, tổ chức tốt các hoạt động văn học nghệ thuật, đưa văn học nghệ thuật đến với công chúng một cách sâu rộng.

Hiện toàn tỉnh có hơn 300 câu lạc bộ nghệ thuật hoạt động hiệu quả, góp phần gìn giữ, giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật độc đáo của các dân tộc trên địa bàn.

Theo ông Lê Khánh Toàn, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc: Thái Nguyên có thế mạnh về nhạc dân gian như đàn tính, diễn tấu, diễn xướng dân gian... Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, các thể loại ca, múa, nhạc dân gian này đang có dấu hiệu bị mai một, do các nghệ nhân đang ngày một già đi, mà đội ngũ kế cận không có nhiều để được truyền dạy. Vì thế, các câu lạc bộ nghệ thuật chính là nơi bảo tồn và phát huy nhiều di sản văn hóa truyền thống.

Các đại biểu và nghệ sĩ nghiếp ảnh Thái Nguyên tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Nhiếp ảnh, điện ảnh cách mạng Việt Nam

Trong lĩnh vực văn học, Thái Nguyên đã hình thành được đội ngũ sáng tác khá vững vàng với các cây bút nhiều thế hệ. Nhà văn Hồ Thủy Giang chia sẻ: Kể từ năm 2008, là năm ra đời Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, văn học Thái Nguyên đã đạt được nhưng thành tựu đáng kể, đóng góp vào sự nghiệp văn chương chung của cả nước. Cùng với những thành tựu đáng ghi nhận, văn học Thái Nguyên cũng còn những điểm yếu, điểm thiếu, những khoảng trống… Các nhà văn, nhà thơ Thái Nguyên, nhìn chung chưa có tác phẩm dầy dặn cả về dung lượng lẫn nội dung phản ánh có thể bao quát được tầm vóc lịch sử những cuộc chống giặc ngoại xâm; còn thiếu những tác phẩm mang tầm vóc văn hóa dân tộc và thời đại, trong khi Thái Nguyên lâu nay vốn được coi là trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Lĩnh vực điện ảnh và nhiếp ảnh bước đầu có thành tựu. Nhiều nghệ sĩ Thái Nguyên đã kết hợp với các đạo diễn sản xuất một số bộ phim truyện dài tập về đề tài lịch sử: Tể tướng Lưu Nhân Chú, Dưới Cờ phục quốc, Lửa thiêng Tràng Xá... Phim Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thái Nguyên đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan phim toàn quốc. Theo nhà báo Phan Hữu Minh, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên, thì điện ảnh của địa phương sẽ phát triển nếu tỉnh khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp xây dựng các phòng chiếu phim, rạp chiếu phim quy mô nhỏ, chuyên sâu loại hình; đầu tư xây dựng các phim trường nhiều công năng và đầu tư sản xuất phim, dịch vụ cho ngành công nghiệp điện ảnh.

Tác phẩm múa Hương Xuân do tập thể nghệ sĩ múa Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc biểu diễn

Bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết: Định hướng trong thời gian tới, Hội sẽ đổi mới các hoạt động nhằm thu hút, tập hợp đội ngũ, bổ sung các lực lượng kế cận, lực lượng sáng tác trẻ đi đôi với việc quan tâm đến văn nghệ sĩ cao tuổi. Điều quan trọng nữa là các văn nghệ sĩ cũng cần tự đổi mới, sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng, hấp dẫn, đậm tính nhân văn, hướng công chúng tới giá trị chân, thiện, mỹ như tinh thần của Nghị quyết 23-NQ/TW.

Có thể nói, văn học nghệ thuật sẽ có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nếu được quan tâm đúng mức và có định hướng phát triển rõ ràng. Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là việc ban hành cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với hoạt động văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ; quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa có trình độ chuyên môn, am hiểu sâu sắc về văn học nghệ thuật để đồng hành cùng văn nghệ sĩ, để văn học nghệ thuật thực sự có chỗ đứng, là một nhu cầu không thể thiếu của người dân.

Thanh Mai
thainguyen.gov.vn