Truy cập nội dung luôn

Bảo vệ môi trường ở các làng nghề mộc mỹ nghệ - cách làm từ thực tiễn

2023-08-24 16:23:00.0

Bên cạnh phát triển nhiều sản phẩm mới, nâng cao giá trị kinh tế, những năm qua các làng nghề mộc mỹ nghệ của huyện Phú Bình đã có nhiều cách làm thiết thực để cải thiện môi trường. Nhờ đó, đã bảo vệ sức khoẻ cho người trực tiếp sản xuất, các hộ dân xung quanh và góp phần cho sự phát triển lâu dài của các làng nghề.

Nhờ đầu tư phòng phun sơn đã giúp gia đình anh Dương Đình Hiệp ở Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ chủ động trong sản xuất và hạn chế mùi sơn phát tán  

Đến thăm một số cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương, chúng tôi thấy hầu hết các hộ dân đã chú trọng đến bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe bản thân trong quá trình sản xuất bằng việc đầu tư các trang, thiết bị máy móc hút mùi, bụi. Ông Dương Đình Hiệp, một hộ dân sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ trong Làng nghề cho hay: Trước đây, khi chưa có kinh phí để đầu tư hệ thống hút mùi sơn, tôi và các hộ dân trong Làng nghề thường mang sản phẩm ra trước cửa nhà để phun sơn, hoàn thiện nên cũng ảnh hưởng phần nào đến người đi đường. Khoảng 4 năm trở lại đây, do học hỏi kinh nghiệm của làng mộc Đồng Kỵ (Bắc Ninh), gia đình tôi đã xây dựng một khu nhà chuyên để phun sơn. Đồng thời, đầu tư trên 30 triệu đồng để lắp đặt hệ thống quạt gió, hút mùi sơn trong nhà. Từ khi có hệ thống này, kể cả những lúc thời tiết không có nắng, tôi vẫn có thể tiến hành phun sơn để đảm bảo giao hàng cho khách đúng hẹn. Hơn nữa, hệ thống hút mùi sơn được hút theo một chiều nên sơn không bị “quẩn” ở phía dưới, do đó giảm tối đa việc ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất.

Ông Dương Văn Vận, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phương thông tin: Hiện nay, Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ có gần 60 hộ tham gia. Tổng doanh thu hàng năm của làng nghề là trên 80 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ kinh doanh đạt từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm. Sản phẩm của Làng nghề làm ra không chỉ bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng mà còn bán buôn cho các đại lý với số lượng lớn. Bên cạnh đó, các cơ sở cũng sản xuất theo đơn đặt hàng của khách với tất cả các mẫu mã, chủng loại khác nhau. Thị trường tiêu thụ chính ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hà Giang, Nghệ An, Thanh Hóa… Các cơ sở này tạo công ăn việc làm cho khoảng 250 lao động của địa phương. Những năm qua, các hộ dân trong Làng nghề không ngừng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm hạn chế sức lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Hiện nay, Làng nghề có 60 hộ trực tiếp tham gia sản xuất, trong đó có đến 45 hộ đầu tư hệ thống hút mùi sơn để bảo vệ môi trường. UBND xã Xuân Phương đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường Làng nghề và được UBND huyện Phú Bình phê duyệt; đồng thời thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền đến các hộ sản xuất đồ mộc quan tâm bảo vệ môi trường nông thôn, bảo vệ sức khỏe của của chính bản thân người làm nghề.

Máy CNC của gia đình anh Tạ Văn Long Làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu được đặt trong phòng kín, để chủ động trong sản xuất

Còn tại Làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu, xã Nga My, có thế mạnh trong làm nhà cổ (nhà kẻ chuyền), đồ thờ và đồ gia dụng cũng có những cách làm sáng tạo để bảo vệ môi trường của Làng nghề. Anh Tạ Văn Long, một hộ sản xuất trong Làng nghề cho biết: Hiện nay, gia đình tôi đầu tư 2 máy đục vi tính (CNC), để đáp ứng nhu cầu sản xuất các máy đục này thường phải hoạt động cả ngày lẫn đêm. Nhằm hạn chế tiếng ồn, gia đình anh đã đầu tư một phòng kín. Phòng được thiết kế riêng biệt trong khu nhà xưởng, có hệ thống cửa kính, trần bằng thiết bị chuyên dụng, nhằm hạn chế tiếng ồn. Từ khi có phòng kín này, gia đình anh chủ động hơn trong khâu sản xuất, hạn chế tiếng ồn, không gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của các hộ dân lân cận.

Ông Tạ Văn Hưng, Tổ trưởng Làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu cho biết: Trung bình mỗi năm, làng nghề làm khoảng trên dưới 30 ngôi nhà cổ ở trong và ngoài tỉnh. Điểm riêng biệt khi làm nhà cổ là nguyên liệu gỗ phải được ngâm, để hạn chế sự cong, vênh của gỗ, đảm bảo cho quá trình lắp ghép ngôi nhà. Vì thế, việc ngâm gỗ được nhiều hộ thực hiện. Trước đây, nguồn nước từ các ao ngâm gỗ đã phần nào ảnh hưởng đến không khí của Làng nghề. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, nhờ được tham gia các lớp tập huấn của cơ quan chức năng, nguồn nước từ các ao ngâm gỗ đã cơ bản được giải quyết. Theo đó, các ao được lựa chọn để ngân gỗ phải là các ao có nguồn nước ra vào; định kỳ vét bùn ao, không để tồn lâu như trước kia. Cũng để đảm bảo chất lượng gỗ cho việc làm nhà, một số hộ làm nghề còn thực hiện việc luộc gỗ (nhưng chỉ với số lượng ít), thay vì ngâm gỗ với một số loại như: gỗ lát, gỗ sao… để góp phần giải thiểu việc ô nhiễm nguồn nước.

Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ (xã Xuân Phương)

Huyện Phú Bình hiện có 3 Làng nghề mộc mỹ nghệ ở Phương Độ (xã Xuân Phương), Phú Lâm (xã Kha Sơn) và An Châu (xã Nga My). Các Làng nghề trên giải quyết việc làm cho hơn 360 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 10-12 triệu đồng/người/tháng cho các thành viên trong làng nghề. Ông Dương Ngọc Tuyên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình cho biết: Để đảm bảo môi trường trong các làng nghề, thời gian qua, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các xã tuyên truyền tác hại của việc ô nhiễm môi trường, giải pháp bảo vệ môi trường tới các cơ sở, hộ dân tại các làng nghề… Khoảng 3 năm trở lại đây, vấn đề đảm bảo môi trường trong các làng nghề được các hộ dân đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ở địa phương; bộ mặt làng quê ngày một đổi mới, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Có thể khẳng định, sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn huyện Phú Bình đã và đang góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Việc các hộ dân trong làng nghề chủ động có biện pháp bảo vệ môi trường không những đang là “tín hiệu” tích cực, từng bước giảm thiểu các tác động ô nhiễm trong hoạt động sản xuất, đưa làng nghề phát triển bền vững.

CTV Nguyễn Chi
thainguyen.gov.vn