Truy cập nội dung luôn

Bảo tồn phát huy giá trị múa Tắc Xình của cộng đồng người Sán Chay

2023-12-09 16:13:00.0

Tắc Xình là điệu múa của cộng đồng người Sán Chay ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, đây là hoạt động tín ngưỡng, cầu nối tâm linh để con người tạ ơn trời đất, mang ước nguyện về một năm tiết trời thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, bản làng bình yên, hạnh phúc.

Tiết mục múa Tắc Xình của đồng bào dân tộc Sán Chay

Việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản múa Tắc Xình không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, khơi dậy lòng tự hào về bản sắc riêng của cộng đồng Sán Chay, mà còn khích lệ tinh thần đoàn kết cộng đồng và góp phần vào công tác xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh Thái Nguyên. Với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền và phát huy vốn di sản văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt Nam trên phạm vi cả nước, trong nhiều năm qua, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với nghệ nhân các dân tộc tổ chức nhiều chương trình trình diễn để tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa các dân tộc, trong đó có múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay.

Năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, thiểu số và miền núi năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình “Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy múa Tắc Xình, dân tộc Sán Chay, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, năm 2023”. Với mục tiêu khuyến khích, động viên bà con Nhân dân tham gia các chương trình tập huấn, tham gia các hoạt động liên quan đến bảo tồn gìn giữ văn hoá, qua đó tạo động lực tinh thần, đoàn kết và đồng thuận, động lực để bà con phấn đấu giảm nghèo bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giúp các tầng lớp Nhân dân nâng cao ý thức, nhận thức về bản sắc của dân tộc, từ đó gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc mình.

Đại diện xóm Đồng Tâm tặng lại bộ nhạc cụ gõ của dân tộc Sán Chay cho Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam

Lớp trao truyền được tổ chức tại xóm Đồng Tâm, gồm những nghệ nhân am hiểu về các điệu múa Tắc Xình thực hiện công việc truyền dạy cho 50 học viên là người dân trên địa bàn của xã Tức Tranh, học sinh Trường THCS và THPT Tức Tranh. Trong đó, học viên cao tuổi nhất hiện trên 50 tuổi và học viên nhỏ tuổi nhất là 10 tuổi. Tại mỗi lớp học, các học viên đã được truyền dạy, hướng dẫn thực hành một số điệu múa Tắc Xình truyền thống; tìm hiểu về lịch sử ra đời, nội dung và ý nghĩa của các điệu múa; cách chế tác nhạc cụ bằng tre, mai và biểu diễn nhạc cụ… 

Em Nịnh Thị Anh Thư, 14 tuổi, học sinh trường THCS Tức Tranh, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương cho biết: Là một người con của đồng bào dân tộc Sán Chay, sinh sống tại xóm Đồng Tâm, em cũng giống như bao bạn học sinh khác, đều mong muốn có thêm sự hiểu biết về lịch sử văn hoá dân tộc mình, chúng em được dạy những điệu múa, động tác hay, bổ ích như điệu múa chim câu, phát nương, gieo hạt… từ đó em có thể dạy lại cho các bạn cùng lớp, em cảm thấy rất vui và tự hào khi văn hoá dân tộc mình được tiếp nối và trao truyền qua nhiều thế hệ.

Mặc dù năm nay đã 50 tuổi, còn phải lao động và cáng đáng công việc gia đình, nhưng ông Trần Văn Hải, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, vẫn nhiệt tình tham gia lớp học. Ông cho biết: Mặc dù đã có tuổi nhưng tôi vẫn đăng ký tham gia lớp học này, mỗi khi lớp học diễn ra, chúng tôi nhiều thế hệ từ người trẻ đến người già được quây quần bên nhau cùng tập những điệu múa, những động tác hay, đơn giản nhưng lại có ý nghĩa lớn. Cũng theo ông Hải đây cũng một dịp để để bà con gặp gỡ, giao lưu và tăng cường đoàn kết.

Đồng chí Lê Minh Thảo, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Xã có trên 9700 nhân khẩu, phân bố thành 19 xóm, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35%, trong đó người dân tộc Sán Chay chiếm 30%, là một xã thuần nông, bà con chủ yếu phát triển kinh tế thông qua các mô hình nông, lâm nghiệp, trong đó chủ yếu phát triển cây chè và kinh tế đồi rừng. Hiện nay, cộng đồng người Sán Chay ở xã còn lưu giữ một số văn hoá truyền thống độc đáo như hát Sấng Cọ, múa Tắc xình trong lễ hội cầu mùa hàng năm.

Đồng chí Nguyễn Cảnh Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam trao 30 bộ trang phục dân tộc Sán Chay và bộ nhạc cụ gõ cho xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh để lưu giữ và phục vụ cho hoạt động trình diễn, giao lưu văn hóa

Đồng chí Nguyễn Cảnh Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam khẳng định: Thông qua chương trình của lớp học đã giúp các học viên hiểu được về lịch sử ra đời, nội dung và ý nghĩa cũng như hình thức biểu diễn của những điệu múa Tắc Xình trong đời sống văn hóa của đồng bào, đồng thời lan tỏa các giá trị này trong cộng đồng. Mặc dù các học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, môi trường khác nhau, cách tiếp cận khác nhau nhưng tất cả đều có chung sự quan tâm và niềm đam mê với những điệu múa Tắc Xình. Bởi vậy, sau một thời gian ngắn, hầu hết các học viên đều đã thuộc và có thể trình diễn với niềm tự hào về di sản văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc thông qua điệu múa Tắc Xình của đồng bào dân tộc Sán Chay tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam sẽ lên chương trình, kế hoạch, để đưa các nghệ nhân về truyền dạy lại điệu múa cho cán bộ của Bảo tàng, hiện nay đơn vị đã có thể trình diễn một số trích đoạn tiêu biểu trong điệu múa này để biểu diễn cho khách tham quan xem. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các nghệ nhân để nghiên cứu sâu và tiếp tục các chương trình bảo tồn nghiên cứu về sau.

Trần Huyền
thainguyen.gov.vn