Truy cập nội dung luôn

Đổi thay ở xã vùng cao Liên Minh

2023-09-27 16:39:00.0

Những năm qua, với việc lồng ghép và thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) cùng với hướng đi đúng đắn, diện mạo của xã vùng cao Liên Minh, huyện Võ Nhai đã có sự thay đổi đáng kể, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.

Một góc xóm Khuôn Nang, xã Liên Minh

Một ngày cuối tháng Chín, trong cái nắng vàng óng ả của những ngày thu, chúng tôi đến thăm xã Liên Minh, huyện Võ Nhai. Cho xe chạy chầm chậm trên tuyến đường từ xóm Vang đến xóm Khuôn Nang - xóm có 100% người dân là đồng bào dân tộc Dao, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi của nơi này. Giữa màu xanh ngút ngàn của những vạt rừng keo, rừng mỡ, những đồi chè đang độ thu hái là dáng dấp của con đường được bê tông hóa, thấp thoáng ngôi nhà xây, nhà cao tầng khang trang, bề thế xen lẫn ngôi nhà sàn. Anh Triệu Tiến Phú, Trưởng xóm Khuôn Nang “khoe” với chúng tôi: Trước đây, nói tới Khuôn Nang mọi người thường hình dung đây một xóm xa xôi, cách trở với muôn vàn khó khăn, bởi toàn bộ các hộ dân của xóm đều là hộ nghèo. Kể từ năm 2018, khi Nhà nước đầu tư tuyến đường bê tông vào xóm, đời sống của người dân được cải thiện rất nhiều. Bây giờ chúng tôi có thể đi xe máy, thậm chí ô tô vào tận nhà mà không còn lo trơn trượt, lầy lội khi trời mưa, bụi bặm khi trời nắng. Đường xá đi lại thuận tiện, giao thương với bên ngoài cũng thuận lợi hơn. Thêm vào đó, Nhà nước lại quan tâm đầu tư cho đồng bào đường điện để thắp sáng, sinh hoạt. Có đường, có điện nên nhiều gia đình đầu tư máy móc sản xuất, tập trung phát triển kinh tế đồi rừng và trồng chè, đem lại hiệu quả cao. Nhờ đó, số hộ nghèo của xóm giảm đáng kể, hiện trong tổng số 114 hộ dân của toàn xóm thì chỉ còn 22 hộ nghèo. Đến nay, cơ bản các tuyến đường của xóm đã được cứng hóa, bê tông hóa, điện lưới bao phủ từng hộ gia đình.

Người dân xã Liên Minh thu hái chè

Không chỉ Khuôn Nang, mà diện mạo nông thôn ở các xóm của xã Liên Minh đều có sự khởi sắc. Trong đó phải kể đến xóm Nhâu, xóm xa nhất của xã Liên Minh. Anh Nguyễn Văn Xanh, Trưởng xóm Nhâu cho biết: Trước đây, bà con trong xóm sống bằng nghề làm ruộng, chủ yếu trồng ngô, lúa nhưng đất canh tác eo hẹp, hạn chế về khoa học kỹ thuật nên năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi được sự quan tâm của Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số về đường giao thông, điện lưới, máy móc sản xuất nông nghiệp, cây, con giống, đặc biệt là chủ trương giao rừng cho dân quản lý, đã giúp người dân xóm Nhâu có điều kiện đầu tư trồng cây keo, mỡ, chè, cho thu nhập cao hơn. A Xanh cho biết thêm, toàn xóm có trên 60 ha chè, gần 200 ha rừng sản xuất, với mỗi kg chè búp khô, sau khi trừ chi phí, người dân thu lãi khoảng vài chục đến 100 nghìn đồng, một ha rừng keo, mỡ cho thu hoạch sẽ thu lãi khoảng 60 - 70 triệu đồng.

Tiết học của cô và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Liên Minh

Liên Minh là xã vùng cao đặc biệt khó khăn nằm ở phía Nam của huyện Võ Nhai, có diện tích tự nhiên trên 7.300 ha, với 4 dân tộc (Kinh, Tày, Nùng, Dao) sống xen canh trên 09 xóm. Toàn xã có 1.160 hộ với trên 5.000 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 58%. Trước năm 2014, xã Liên Minh gần như chưa có đường nhựa hoặc bê tông, giao thương, đi lại không thuận lợi; nhiều nơi chưa có điện lưới quốc gia; kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, tự phát. Thêm vào đó, địa hình bị chia cắt bởi hệ thống các khe, suối nên đời sống của bà con vô cùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo luôn chiếm trên 50% số hộ của xã. Đồng chí Hoàng Văn Thượng, Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Trong điều kiện xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí chưa đồng đều, xã Liên Minh đã tập trung tranh thủ mọi sự hỗ trợ của cấp trên, đặc biệt là vận dụng sáng tạo và lồng ghép hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, xã tập trung huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi. Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, Liên Minh cũng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó tập trung đầu tư vào 03 thế mạnh của địa phương là trồng chè, kinh tế đồi rừng và chăn nuôi đại gia súc. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp đã có sự phát triển theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. 8 tháng năm 2023, sản lượng lương thực có hạt của xã đạt khoảng 1.400 tấn, sản lượng chè búp tươi ước đạt 2.400 tấn; đàn trâu bò với 615 con, đàn lợn 1.800 con, đàn gia cầm trên 45 nghìn con; diện tích rừng trồng mới đạt gần 44 ha, ngoài ra có gần 12 ha cây quế dược liệu.

Người dân xã Liên Minh tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và đồng thuận của Nhân dân, bộ mặt nông thôn của xã Liên Minh đã khoác lên mình diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp hơn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của người dân. Điều quan trọng là huy động được sự đồng lòng, góp sức của Nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn xã đã vận động được Nhân dân hiến trên 30 nghìn m2 đất để triển khai các dự án kênh mương, thủy lợi, đường giao thông, trường học… với tổng kinh phí đầu tư trên 108 tỷ đồng. Hiện, xã Liên Minh đã nhựa hóa, bê tông hóa được 11,5 km đường xã (đạt 48,9%); cứng hóa, bê tông hóa 38,95 km đường trục xóm, liên xóm (đạt 80,1%), 16,23 km đường ngõ xóm (đạt 90%); 0,865 km đường trục chính nội đồng (đạt 54%); cứng hóa 7,5 km kênh mương thủy lợi (đạt 88,2%). Bên cạnh đó, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục đào tạo được quan tâm, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. 100% người dân xã Liên Minh được sử dụng điện lưới thường xuyên; phủ sóng viễn thông, internet đến tận 9/9 xóm; 96% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, trên địa bàn xã không còn có hộ dân ở nhà tạm hay dột nát; tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố đạt trên 77,4%; thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt khoảng 39 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, nếu năm 2016 là 55% thì năm 2022 chỉ còn 12,67%. Hiện, xã Liên Minh đã hoàn thành 18/19 tiêu chí nông thôn mới.

Mặc dù đã có những bước phát triển mới về kinh tế - xã hội, song xã Liên Minh vẫn còn gặp không ít khó khăn bởi đặc thù địa hình chia cắt, người dân sống phân tán, nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Bởi vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và huyện Võ Nhai, nhất là về nguồn lực để xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, tập trung phát triển sản xuất, phát huy thế mạnh địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn