Truy cập nội dung luôn

Để sản phẩm OCOP thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp

2024-01-04 16:29:00.0

Được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ năm 2019, sau gần 5 năm thực hiện, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của Thái Nguyên, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân khu vực nông thôn.

Các đại biểu thực hiện nghi thức Khai mạc Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2023

Chương trình OCOP có mục tiêu trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Để phát triển sản phẩm OCOP, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện thông tin truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong triển khai, thực hiện Chương trình; tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ các địa phương, chủ thể thực hiện chu trình, chuyển đổi số trong Chương trình OCOP, hướng dẫn livestream bán sản phẩm OCOP trên mạng xã hội… Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm được đẩy mạnh với một số hoạt động như Hội chợ “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; trưng bày sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại các sự kiện chính trị lớn của tỉnh; các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP trên hệ thống truyền thông đa phương tiện, sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, cơ bản 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đã được hỗ trợ và đưa lên 02 sàn Postmart.vn và Voso.vn.

Việc quảng bá sản phẩm OCOP còn được thực hiện thông qua hệ thống gian hàng, điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đặc trưng của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ xây dựng, hình thành trên 130 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp xã, trên 20 điểm cấp huyện; phối hợp xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu, đặc sản của tỉnh tại Trạm dừng nghỉ Hải Đăng và Trung tâm Xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Đáng chú ý, trong xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các sở, ngành và các hợp tác xã, đơn vị không chạy theo số lượng mà chú trọng nâng cao chất lượng. Bên cạnh tiêu chuẩn chung của Nhà nước, tỉnh ban hành tiêu chuẩn riêng là sản phẩm đạt OCOP phải có vùng nguyên liệu, sản lượng (đủ lớn) ổn định, có quy trình sản xuất tiên tiến, đặc biệt chú trọng trong khâu chế biến. Bởi vậy, các sản phẩm được công nhận OCOP ở Thái Nguyên là những sản phẩm có chất lượng, giá trị. Nhiều sản phẩm khẳng định được vị thế, uy tín trên thị trường như: Chè tôm nõn của HTX chè Hảo Đạt, miến Việt Cường của HTX miến Việt Cường, gà đồi Phú Bình, tương Úc Kỳ, nõn măng nứa và mộc nhĩ khô Võ Nhai…

Ông Trần Văn Tuyên, Giám đốc HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú (xã Tân Khánh, huyện Phú Bình) cho biết: Để được công nhận là sản phẩm OCOP đòi hỏi quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt, từ xây dựng vùng nguyên liệu đến khâu chế biến. Chính sự khắt khe đó là động lực để các sản phẩm OCOP phát triển lâu bền.

Đến nay, cơ bản 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đã được hỗ trợ và đưa lên các sàn thương mại điện tử. (Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu thông tin sản phẩm chè OCOP trên sàn thương mại điện tử)

Theo thống kê, toàn tỉnh Thái Nguyên có 179 sản phẩm được đánh giá xếp hạng đạt từ 3 sao trở lên (gồm 97 sản phẩm 3 sao; 80 sản phẩm 4 sao; 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia (trong tổng số 20 sản phẩm 5 sao của cả nước), trong đó sản phẩm chè chiếm 70%. Chương trình OCOP đã đóng góp tích cực vào sự phát triển đa dạng và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Giá trị của sản phẩm được công nhận OCOP tăng từ 20% trở lên, có sản phẩm tăng lên đến trên 100%. Sản phẩm của HTX khi được chứng nhận OCOP đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng, nhờ đó lượng khách hàng tăng từ 15 - 20%; doanh số bán hàng cũng tăng nhanh qua các năm.

Việc phát triển các sản phẩm OCOP cũng góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, như trồng chè đạt 750 triệu đồng/năm, cây ăn quả đạt 350 triệu đồng/năm. Năm 2023, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp Thái Nguyên đạt gần 16 nghìn tỷ đồng. Đánh giá về Chương trình OCOP, ông Trần Nho Hưởng, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Chương trình OCOP đã có sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời quan tâm đến vấn đề xây dựng bộ nhận diện của sản phẩm để tạo thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, khi triển khai Chương trình này, đã thúc đẩy sự liên kết từ sản xuất nhỏ đến sản xuất lớn, liên kết các hộ với nhau thành tổ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp.

Chương trình OCOP của Thái Nguyên được ghi nhận khi hình thành nhiều chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, trong đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã xây dựng được sản phẩm thế mạnh, chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Chương trình OCOP đang tồn tại thực trạng là: Còn một số chủ thể OCOP chưa quan tâm đầu tư cho bao bì, nhãn mác sản phẩm, chưa có sự sáng tạo, nét đặc trưng riêng biệt hay hiển thị các tiêu chuẩn phù hợp với quy định của các siêu thị và thương mại quốc tế; các gian trưng bày, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP hiện nay chỉ mới tập trung vào việc kết nối, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương đó, chứ chưa có sự liên kết với sản phẩm của các địa phương khác để nâng cao hiệu quả bán hàng; việc thương mại hóa các sản phẩm OCOP chưa đạt hiệu quả cao. Mặc dù chương trình OCOP đã giúp doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm đặc trưng vùng miền, nhưng việc tiêu thụ lại không dễ dàng. Nút thắt lớn nhất hiện nay là thiếu liên kết với doanh nghiệp phân phối. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP chưa nắm được quy định nên chưa đáp ứng yêu cầu cung ứng hàng cho doanh nghiệp bán lẻ, các siêu thị, cửa hàng nên số lượng các sản phẩm OCOP vào được siêu thị rất ít. Bà Hà Thu Hiền, Trưởng bộ phận bán hàng đa kênh Trung tâm Thương mại và Đại siêu thị GO! Thái Nguyên chia sẻ: Siêu thị GO! rất muốn liên kết, đưa nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên vào bày bán trong siêu thị, nhưng hiện tại đang gặp khó khăn do các chủ thể OCOP chưa hoàn thiện được giấy tờ hồ sơ pháp lý; chưa quan tâm nhiều đến mẫu mã, bao bì và nhãn mác. Với một số sản phẩm OCOP đã vào siêu thị, dù đã ưu tiên bố trí ở vị trí thuận lợi, nhưng doanh số bán các mặt hàng này cũng chưa cao như kỳ vọng.

Để các sản phẩm OCOP thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thiết nghĩ, rất cần thiết phải tạo ra đầu mối tập hợp, liên kết các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu của các địa phương. Cùng với đó, việc đẩy mạnh hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP vào các cửa hàng, siêu thị lớn; thiết lập trung tâm điều phối, tăng cường giao thương kết nối cung cầu hàng hóa, sản phẩm OCOP giữa các tỉnh, thành phố, vùng miền nhằm tạo sự liên kết, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường là rất cần thiết.

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn