Truy cập nội dung luôn

Để các di tích trường tồn và phát huy giá trị

27-11-2024 16:50

Để các di tích trường tồn và phát huy giá trị - Đây là sự trăn trở, đồng thời vừa là mục tiêu lâu dài, quan điểm chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa (hay còn gọi là Đền thờ Bác Hồ) nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa - Trung tâm Thủ đô gió ngàn Chiến khu Việt Bắc năm xưa. (Ảnh: Mạnh Thắng)

Với tấm lòng tri ân và sẻ chia, tôi có dịp trở lại ATK Định Hóa cùng với đoàn công tác của tỉnh để dâng hương báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên trên đỉnh Đèo De thật tươi mới. Đây là thành quả sau 2 tháng thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa công trình Nhà tưởng niệm được UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai. Dự án có tổng đầu tư trên 40 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Những hạng mục như: Nhà đón tiếp, cổng tứ trụ, nhà dừng chân, nhà tưởng niệm, hệ thống sân… cơ bản hoàn thành. Nhà tưởng niệm Người đã khoác lên mình chiếc áo mới khang trang hơn, chất liệu đá nguyên khối bảo đảm trường tồn theo thời gian. Ông Bùi Huy Toàn, Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên cho biết: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với 13 điểm di tích thuộc Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa đã tạo ra quần thể di tích, điểm đến liên hoàn thuộc ATK và được đánh giá “Là một quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20”. Những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thái Nguyên và cộng đồng doanh nghiệp, 13/13 điểm di tích thuộc Khu Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa đều đã được trùng tu, tôn tạo và giữ gìn các yếu tố gốc có giá trị lịch sử và văn hóa. Tất cả các điểm di tích này đã được khoanh vùng bảo vệ Khu vực I và Khu vực II. Theo thống kê, Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, hằng năm có hằng trăm nghìn lượt khách đến dâng hương và thăm quan.

 

Khu di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, thuộc phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên - Nơi 60 thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng vào đêm Noel năm 1972 khi đang làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 2009, Di tích được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. (Ảnh: CTV)

Để công tác quản lý di tích đạt hiệu quả, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quy chế phối hợp với UBND huyện Định Hóa. Quy chế này đã được Ban quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Định Hóa cụ thể bằng chương trình phối hợp. Theo đó những việc cần làm đã được cụ thể hóa, rõ đầu việc, rõ trách nhiệm, được các bên thống nhất triển khai thực hiện. Do vậy công tác quản lý luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, với sự tham gia tích cực của Nhân dân và chính quyền cấp xã. Cá biệt, tại một số điểm di tích đã thực hiện hợp đồng với các hộ dân để thuê khoán trông coi, bảo vệ, vừa bảo đảm tính pháp lý, trách nhiệm, vừa bảo đảm khai thác và phát huy hiệu quả của di tích.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 1.167 di tích được kiểm kê, lập hồ sơ quản lý. Trong đó có 307 di tích được xếp hạng (1 Di tích quốc gia đặc biệt gồm 13 điểm di tích; 57 di tích xếp hạng quốc gia; 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Đây là những di sản văn hóa vật thể có giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc. Trong giai đoạn 2014 - 2024, tỉnh Thái Nguyên đã huy động các nguồn lực thực hiện tu bổ, tôn tạo 145 di tích, trong đó có nhiều di tích được sửa chữa, bảo quản định kỳ với tổng kinh phí đầu tư trên 609 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa chiếm trên 60%. Việc thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích được triển khai thực hiện đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ quan đơn vị và cộng đồng dân cư trên nguyên tắc đảm bảo theo quy định. Cũng trong giai đoạn này đã có nhiều di tích được đầu tư với kinh phí lớn như: Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hi sinh tại ga Lưu Xá, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên; Địa điểm công bố ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc 27/7/1947, xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn), huyện Đại Từ; Đền thờ Đội Cấn (T.P Thái Nguyên); chùa Hương Ấp, đình Thanh Thù (TP. Phổ Yên); Địa điểm thành lập Đội Cứu quốc quân II ngày 15/9/1941 (rừng Khuôn Mánh, huyện Võ Nhai); Địa điểm Đồi Pụ Đồn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ phong quân hàm Đại tướng Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp…
Theo Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung 2009, “Di tích lịch sử là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”. Di tích lịch sử còn là bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, là những trang sử sống mang dấu ấn về sự biến động, thăng trầm của nhiều thời kỳ lịch sử, cho nên việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân.
Đình Phương Độ tọa lạc tại làng Phương Độ, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình. Năm 1993, đình được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2018, Lễ hội đình Phương Độ được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: CTV)

 

Để phát huy giá trị của các di tích, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện đa dạng, đồng bộ các giải pháp nhằm làm sống lại các dữ kiện lịch sử, văn hóa của mỗi di tích thông qua việc: Lập bia, viết sách, đăng báo giới thiệu về di tích, làm phim tái hiện sinh động sự kiện lịch sử. Gần đây tỉnh Thái Nguyên còn đầu tư xây dựng nhà trưng bày ở các di tích trọng điểm, tổ chức các tour tuyến du lịch về nguồn, tổ chức dâng hương nhân các sự kiện trọng đại của đất nước và của tỉnh, hay tăng cường tổ chức các sự kiện kỷ niệm gắn với mỗi di tích lịch sử. Nhờ vậy, di tích không chỉ được bảo tồn, mà còn được phát huy những giá trị, từ đó góp phần giáo dục lịch sử, bồi đắp truyền thống cách mạng, tự hào dân tộc, lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Du lịch lịch sử, du lịch về nguồn là một trong những loại hình du lịch được tỉnh Thái Nguyên quan tâm khai thác. Thực hiện mục tiêu này nghĩa là Thái Nguyên đang thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ vừa phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích, vừa phát triển du lịch. Đây cũng là loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên nhưng chưa được khai thác tương xứng với những gì đang có.
Tân Xuân
thainguyen.gov.vn