Truy cập nội dung luôn

Đẩy mạnh quy hoạch vùng trồng - nâng cao giá trị cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh

2024-01-17 14:42:00.0

Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 lựa chọn 3 loại quả chủ lực của tỉnh gồm bưởi, na, nhãn. Tuy nhiên, việc người nông dân mở rộng diện tích tự phát, chất lượng không đồng đều đã khiến cho nhiều sản phẩm cây ăn quả chủ lực rơi vào tình trạng rớt giá trong nhiều năm trở lại đây. Giải pháp nào để triển khai hiệu quả quy hoạch vùng trồng nhằm nâng cao giá trị cây ăn quả chủ lực trên địa bàn. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã có cuộc phỏng vấn GS. TS Đào Thanh Vân, giảng viên cao cấp Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam về vấn đề này.

P.V: Thưa GS. TS Đào Thanh Vân, ông đánh giá như thế nào về vai trò của quy hoạch vùng trồng trong phát triển nông nghiệp hiện nay?

GS. TS Đào Thanh Vân

GS.TS Đào Thanh Vân: Quy hoạch vùng trồng có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển ngành Nông nghiệp. Khi chúng ta có quy hoạch vùng trồng sẽ tập trung được sản phẩm hàng hóa, việc triển khai tiến bộ kỹ thuật và giống cây trồng sẽ được đồng đều và khi đó các sản phẩm được sản xuất ra cũng sẽ đồng đều về chất lượng, sản lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

P.V: Giáo sư đánh giá như thế nào về thực trạng quy hoạch vùng trồng cây ăn quả của tỉnh Thái Nguyên?

GS.TS Đào Thanh Vân: Thái Nguyên cũng đã đặt ra vấn đề về quy hoạch từ rất sớm, mở rộng tới tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, với từng nhóm đối tượng lại có các yêu cầu khác nhau. Đối với cây ăn quả, trước năm 2020, tỉnh Thái Nguyên có khoảng 16.000 ha trồng cây ăn quả, với 22 loại cây ăn quả bao gồm cây ôn đới, á nhiệt đới và nhiệt đới. Tuy nhiên, dù chủng loại đa dạng nhưng quy mô lại khá nhỏ lẻ, nên thường rơi vào tình trạng “nông sản cái gì cũng có nhưng khi thị trường cần sản lượng lớn thì lại không có cái gì”. Trên thực tế này, cuối năm 2020, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã chính thức ban hành Nghị quyết thông qua Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Một góc vùng trồng bưởi xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai - một trong những nông sản chủ lực của tỉnh Thái Nguyên

Đề án chỉ rõ mục tiêu là xác lập các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực tập trung; thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp về bố trí đất đai, ứng dụng khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất và những cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, nhiệm vụ về quy mô sản xuất, sản lượng và giá trị sản xuất đối với sản phẩm chủ lực đã đề ra; đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, riêng về cây ăn quả, thay vì có trên 20 sản phẩm cây ăn quả với quy mô nhỏ lẻ, rải rác như trước đây, Đề án quy hoạch sản phẩm cây ăn quả chủ lực chỉ còn 3 loại quả là na, nhãn và bưởi. Đây được xem là một cú hích rất lớn cho sự phát triển các vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh .

Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu đến năm 2025:

Cây na: Diện tích 1.530 ha, sản lượng 13.300 tấn; giá trị sản phẩm na đạt 381 tỷ đồng, giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng cây na đạt 298 triệu đồng/ha (giá hiện hành).

Cây nhãn: Diện tích 2.360 ha, sản lượng 9.850 tấn; giá trị sản phẩm nhãn đạt 345 tỷ đồng, giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng cây nhãn đạt 210 triệu đồng/ha (giá hiện hành).

Cây bưởi: Diện tích 2.370 ha, sản lượng 21.500 tấn; giá trị sản phẩm bưởi đạt 433 tỷ đồng, giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng cây bưởi đạt 252 triệu đồng/ha (giá hiện hành).

Na là một trong 3 loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh. (Trong ảnh: Vùng trồng na Phú Thượng, huyện Võ Nhai)

P.V: Mặc dù đã có một đề án riêng dành cho phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tuy nhiên hiện nay, việc định vị thương hiệu dành cho các vùng trồng còn chưa thật sự đạt hiệu quả cao. Giáo sư đánh giá như thế nào về nhận định này?

GS.TS Đào Thanh Vân: Tôi cho rằng nhận định này không hoàn toàn mang tính phổ quát nhưng cũng phản ánh phần nào một phần thực trạng tại các vùng trồng hiện nay. Thực tế là việc định vị thương hiệu yếu khiến cho một số nông sản mặc dù đã được xác định vùng trồng nhưng vẫn rơi vào cảnh “được mùa - mất giá”. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở cây ăn quả mà còn xảy ra ở nhiều loại cây trồng khác, mà nguyên nhân là do phụ thuộc một phần vào chính sách vĩ mô, một phần phụ thuộc rất lớn vào tập quán canh tác của người dân ở từng địa phương. Mặc dù chúng ta đã có một đề án riêng biệt dành cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhưng hiện nay sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa thật sự được kết nối chặt chẽ, ở từng lúc, từng nơi chưa đáp ứng được với chi phí sản xuất và mong đợi của người dân. Đó cũng là lý do khiến cho riêng với cây ăn quả, chúng ta chưa thật sự định vị và xây dựng được những thương hiệu mạnh cho các vùng trồng và tính cạnh tranh của nông sản trên thị trường cũng chưa thật sự cao.

P.V: Vậy để nâng cao hiệu quả quy hoạch vùng trồng, từ quan điểm cá nhân, theo Giáo sư cần có những giải pháp cụ thể như thế nào?

GS. TS Đào Thanh Vân: Theo tôi, để nâng cao hiệu quả quy hoạch vùng trồng, chúng ta cần quan tâm đến 4 yếu tố. Thứ nhất là các địa phương cần tập trung thực hiện các quy hoạch, định hướng của Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 cho từng vùng, từng đối tượng cây ăn quả. Từ đó xây dựng và triển khai đa dạng các giải pháp tuyên truyền để các doanh nghiệp, người dân và thị trường nói chung biết đến sản phẩm của vùng trồng đó.

Thứ hai, cần quan tâm đến yếu tố công nghệ, không chỉ là công nghệ trong sản xuất mà còn là công nghệ trong lĩnh vực chế biến. Đây là một trong những lĩnh vực chưa thật sự được phát huy, chúng ta cần kết nối được những doanh nghiệp lớn tham gia vào chế biến sâu, nếu còn để tình trạng mùa vụ, mùa nào ăn trái ấy mà không có chế biến sâu thì rất khó nâng cao giá trị sản phẩm cây ăn quả của vùng trồng.

Thứ ba, cần đa dạng hóa các kênh kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ. Để làm được cả ba điều này thì giải pháp thứ tư là cần nâng cao chất lượng sản phẩm, nhà nông cần quan tâm tới việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn quy định, dần dịch chuyển và hướng tới sản xuất hữu cơ, có như vậy sản phẩm cây ăn quả mới có cơ hội mở rộng thị trường trong nước và thậm chí có thể hướng tới xuất khẩu.

 P.V: Xin cảm ơn GS. TS Đào Thanh Vân!  

Phương Thảo (thực hiện)
thainguyen.gov.vn