Truy cập nội dung luôn

Đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng

2023-06-06 12:36:00.0

Việc đảm bảo an toàn lao động tại các công trình phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc với ý thức, trách nhiệm cao của người sử dụng lao động, các cơ quan liên quan và chính bản thân người lao động. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

 

Khi vào làm việc tại Dự án Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình, người lao động đã được nhà thầu tập huấn, phổ biến các quy định về an toàn lao động

Thành phố Phổ Yên là địa phương đang có nhiều dự án lớn được triển khai xây dựng. Tại Dự án Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình, với diện tích trên 161 nghìn mét vuông, tổng diện tích xây dựng 104 nghìn, mật độ xây dựng gần 65% với khoảng 350 công nhân đang làm việc, anh Phạm Ngọc Sơn cho biết: Là công nhân lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy tại Dự án, công việc hằng ngày của anh thực hiện là hàn tay nhánh đường ống chữa cháy trong các nhà xưởng. Thường xuyên phải làm việc trên cao, cùng việc sử dụng các thiết bị về điện chính vì vậy mà anh luôn nhận thức phải tuân thủ quy định về an toàn lao động và có những biện pháp đảm bảo an toàn cho bản thân khi làm việc. Không chỉ riêng anh Sơn mà các công nhân đang làm việc tại công trường đều nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo hộ, an toàn trong lao động bởi họ đều nhận thấy rõ được nguy hiểm, cũng như những rủi ro, hậu quả nghiêm trọng sẽ gặp phải nếu không tuân thủ các quy định. Đây cũng là quy định, yêu cầu bắt buộc của nhà thầu đối với người làm. Anh Nguyễn Văn Khôi chia sẻ: “Hàng tuần tôi được đơn vị nhà thầu phổ biến các quy định về an toàn lao động, đồng thời luôn quan tâm đến vấn đề an toàn lao động nên tôi cũng khá yên tâm khi làm việc tại đây”.

Ý thức được sự nguy hiểm của công việc, quá trình thi công các công trình dự án người lao động đã thực hiện nghiêm túc công tác đảm bảo an toàn lao động khi làm việc

Nhận thức rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình thi công có thể gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động và tiến độ của Dự án, đơn vị nhà thầu đã luôn quan tâm, chú trọng, thực hiện thường xuyên, nghiêm túc công tác đảm bảo an toàn lao động. Anh Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ giám sát an toàn tại công trường Dự án cho biết: “Công việc giám sát an toàn của chúng tôi là thường xuyên giám sát, kiểm tra khu vực có nguy cơ mất an toàn thực hiện ghi chú, kê khai để nhắc nhở, phổ biến các tổ đội về an toàn lao động”. Về vấn đề này, ông Đỗ Văn Thắng, Chỉ huy Trưởng Dự án cho biết thêm: “Chúng tôi kiểm soát rất nghiêm ngặt về vấn đề đảm bảo an toàn lao động. Chính vì vậy mà qua 1 năm thực hiện Dự án nhưng chưa xảy ra vụ việc mất an toàn lao động trên công trường của chúng tôi”.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thường xuyên, cương quyết dừng thi công đối với công trường có dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó, yêu cầu nhà thầu, chủ đầu tư là phải chú trọng đầu tư các trang thiết bị, cũng như thường xuyên kiểm định các máy móc để làm tốt công tác an toàn lao động nhất là công trình có độ lớn cao. Cùng với đó là thường xuyên tập huấn, hướng dẫn quy định về công tác đảm bảo an toàn cho người lao động và xử lý các tình huống tai nạn lao động có thể xảy ra. Đặc biệt, xây dựng phương án ngăn ngừa tai nạn có thể xảy ra trên công trường, tăng cường lắp đặt các biển báo, cảnh báo ở những nơi nguy hiểm. Nhờ đó khu công nghiệp chưa có vụ việc mất an toàn lao động xảy ra.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra thực tế việc thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ tại công trình của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tấn Đức

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm qua, với sự nỗ lực của cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp, công tác an toàn vệ sinh lao động đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tai nạn lao động ngoài ý muốn vẫn xảy ra. Tính riêng năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 138 vụ, làm 140 người bị tai nạn, trong đó có 24 người chết, 19 người bị thương nặng. Ngoài thiệt hại về người, các doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động còn phải chi trả lương hơn 2.000 ngày nghỉ cho người lao động có liên quan đến tai nạn lao động và gần 2,5 tỷ đồng cho các chi phí khác. Như vậy có thể thấy, tai nạn lao động vẫn luôn thường trực, để lại nhiều hậu quả nặng nề. Chính vì vậy công tác đảm bảo an toàn lao động phải là việc làm thường xuyên, liên tục. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Với vai trò của Sở, chúng tôi sẽ thường xuyên thực hiện các hoạt động thanh, kiểm tra các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện những sai phạm. Qua đó có biện pháp nhắc nhở, xử lý, theo quy định; đồng thời có hướng dẫn để cho người sử dụng lao động cũng như người lao động thực hiện đúng các quy định về an toàn vệ sinh lao động”.

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì người lao động cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình trước nguy cơ mất an toàn lao động. Bên cạnh đó, chủ sử dụng lao động cũng cần có thái độ nghiêm túc hơn trong công tác bảo đảm an toàn lao động để không chỉ giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động mà còn giúp đơn vị giảm chi phí khắc phục hậu quả do tai nạn lao động gây ra. Qua đó giúp mỗi công trình hoàn thành đúng tiến độ, người lao động được đảm bảo an toàn.

Trần Huyền
thainguyen.gov.vn