Truy cập nội dung luôn

Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ: Gửi gắm tâm huyết trong từng tác phẩm

2023-06-21 00:16:00.0

Đối với độc giả Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên nói chung và ấn phẩm Đặc san Trà Việt nói riêng, Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ, chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân như là người thân thiết. Dù bận rất nhiều công việc, nhưng anh luôn dành sự “ưu ái” cho Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên và Đặc san Trà Việt bằng nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, nhất là lĩnh vực chính luận khó viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), phóng viên đã có cuộc trò chuyện thú vị với Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ.

P.V: Trước tiên, xin được gửi lời chúc mừng tới Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Chúng tôi cũng là những người làm báo và luôn có thắc mắc là làm thế nào để anh viết “khỏe” được như vậy?

Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ: Tôi vốn là sĩ quan chính trị, đến với nghề báo ban đầu là sự đam mê sau đó là phân công của tổ chức, càng làm càng yêu, càng thích thú với công việc này. Với tôi, viết báo là sự sống, là nhiệm vụ, là niềm vui, sở thích, luyện rèn. Viết báo là lúc dám vượt qua nhiều chướng ngại, chiến thắng chính bản thân mình, là mài sắc tư duy. Viết báo là bài tập thể dục cho trí não. Mỗi tác phẩm báo chí, tôi đều gửi gắm tâm huyết của mình trong đó. Vì thế ngày nào tôi không “sản xuất” ra một hoặc một phần tác phẩm báo chí là ngày đó tôi ăn không ngon, ngủ không yên.

Dẫu biết rằng làm báo là một nghề rất vất vả, đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao, hội tụ đủ thể lực và trí tuệ. Muốn có được những tác phẩm báo chí đạt chất lượng tốt, người làm báo phải xông xáo, sáng tạo, miệt mài lao động chẳng khác gì con tằm rút ruột nhả tơ. Đó cũng là một nghề có nhiều thách thức và áp lực. Thế nhưng, nếu ai đó có lòng yêu nghề, đam mê và nhiệt huyết, chắc chắn cũng sẽ giống như tôi thôi.

P.V: Là người gắn bó nhiều năm với Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên nói chung và ấn phẩm Đặc san Trà Việt nói riêng, anh có nhận xét gì về sự phát triển và những nội dung được đơn vị đăng tải trong thời gian qua?

Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ: Tôi bắt đầu cộng tác với Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên và Đặc san Trà Việt từ năm 2016, khi tôi chuyển công tác về Quân khu 1, đảm nhiệm chức danh Phó Chủ nhiệm chính trị, trực tiếp phụ trách công tác báo chí, tuyên truyền của Quân khu 1 và sinh hoạt nghiệp vụ tại Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên. Tôi rất phấn khởi vì nhiều tác phẩm báo chí của mình đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên và Đặc san Trà Việt được bạn đọc trong và ngoài tỉnh chú ý, động viên, khích lệ.

Với góc nhìn của một nhà báo chuyên nghiệp, tôi thấy cả Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên và Đặc san Trà Việt đều có những bước đi khá vững vàng, bứt phá khá nhanh so với nhiều cổng thông tin điện tử các tỉnh, thành phố trong cả nước và một số ấn phẩm đặc san, tạp chí khác. Đặc biệt, gần đây Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên có sự đổi mới đáng nể với nhiều tác phẩm báo chí có sức nặng, thêm nhiều chuyên mục hấp dẫn. Hiện tượng sai thông tin, sai lỗi chính tả gần như không xảy ra. 

P.V: Được biết Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ đã có rất nhiều tác phẩm đạt Giải Báo chí quốc gia và các giải do bộ, ngành, cơ quan Trung ương tổ chức. Đó không đơn thuần là “duyên” mà chắc chắn phải là sự đầu tư tâm huyết, trí tuệ và triển khai thực hiện một cách rất bài bản. Anh có thể chia sẻ một số kinh nghiệm về vấn đề này?

Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ: Tôi là người may mắn, có “duyên” với Giải Báo chí quốc gia và các giải do bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tổ chức. Trong đó có 2 lần đoạt giải A Giải Báo chí quốc gia, 1 lần đoạt giải A Giải Báo chí 70 năm Quốc hội, 1 lần đoạt giải A Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Theo tôi, với mỗi người làm báo, nếu muốn có giải báo chí thì trước hết phải có đầy đủ các yếu tố đạo đức, cái tâm trong sáng, đam mê nghề nghiệp, trí tuệ và phong cách làm việc khoa học: Chân đi, mắt quan sát, đầu suy nghĩ và tay viết. Nghề báo là nghề đặc biệt nhọc nhằn và nguy hiểm. Nhọc nhằn vì không được viết dập khuôn theo khuôn mẫu, không được viết giống người khác mà phải luôn sáng tạo và phong cách riêng biệt. Nguy hiểm bởi luôn đối mặt với đối tượng sai trái, thù địch. Vì vậy, muốn có những tác phẩm chất lượng cao thì buộc người làm nghề báo phải có kiến thức, đam mê, phải trăn trở, suy tư, tìm tòi và dũng cảm. Bản thân tôi đã từng “cưỡi trâu vào rốn lũ”, con gái đi học bị dọa xẻo tai, cả tuần đêm nào cũng bị tra tấn bằng điện thoại…

P.V: Vậy đối với Trung tâm Thông tin - Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, một đơn vị không phải là cơ quan báo chí, việc định hướng thực hiện các tác phẩm báo chí, nhất là để tham gia dự thi thì nên định hướng như thế nào, thưa anh?

Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ: Tuy không phải là cơ quan báo chí, nhưng tôi thấy Trung tâm Thông tin - Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên đã mang dáng dấp của một cơ quan truyền thông đa phương tiện hiện đại với nhiều tác phẩm báo chí ấn tượng. Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc cần phải thành lập một Báo điện tử trong Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên giống như trong Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có Báo điện tử Chính phủ. Trong Trung tâm Thông tin - Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên người viết tâm huyết, tay nghề. Họ có đủ khả năng đầu tư những tác phẩm báo chí chất lượng có thể đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên hoặc các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương sau đó gửi bài dự thi. Hiện nay, nhiều cuộc thi báo chí không nhất thiết là phải gửi các tác phẩm đã đăng báo, ví dụ như Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…

P.V: Trân trọng cảm ơn Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ về những chia sẻ rất tâm huyết và thú vị!

Trần Nhung (thực hiện)
thainguyen.gov.vn