Truy cập nội dung luôn

Đại học Thái Nguyên: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ

2023-09-04 18:32:00.0

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đại học Thái Nguyên lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định một trong những mục tiêu quan trọng là phấn đấu xây dựng đơn vị trở thành một bộ phận hữu cơ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và khu vực; tạo nền tảng đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ có chất lượng. Trên cơ sở định hướng đó, Đảng ủy Đại học Thái Nguyên đã chỉ đạo các trường, khoa, phân hiệu thành viên và đơn vị trực thuộc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ gắn với thực tiễn đào tạo, giảng dạy. Qua nửa nhiệm kỳ, đơn vị đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Lãnh đạo Đại học Thái Nguyên và đại diện Ban Giám hiệu Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) ký kết hợp tác

Các chuyên gia cho rằng, một cơ sở giáo dục đại học hiện đại, chất lượng cao phải là nơi giao thoa của 3 chức năng: Đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội. Trong đó, nghiên cứu khoa học có tác động quyết định tới chất lượng của hai chức năng còn lại và tới chất lượng chung của nhà trường.

Với vai trò là đại học vùng, có đội ngũ cán bộ, giảng viên trình độ cao (gần 37% có trình độ tiến sĩ; 5,6% là giáo sư, phó giáo sư), cùng bề dày truyền thống, Đại học Thái Nguyên đã đạt những kết quả quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tính tới nay, Đại học Thái Nguyên đã ký gần 20 chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, như: Với tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020; chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển chương trình đào tạo với UBND tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang… Hoạt động tư vấn chính sách của các nhà khoa học Đại học Thái Nguyên mang lại hiệu quả thực tế trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp với Sáng tạo công nghệ

Trong những năm qua, Đại học Thái Nguyên đã được Trung ương và các ban, bộ, ngành đặt hàng một số nhiệm vụ khoa học công nghệ như: Phản biện các chính sách của Đảng và Nhà nước trong 30 năm đổi mới; tham gia đề xuất và phản biện các chính sách xã hội liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi và khu vực đặc biệt khó khăn; đồng hành cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Mới đây nhất là ký kết thỏa thuận hợp tác với Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về việc hợp tác phát triển hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Đại học Thái Nguyên đã và đang triển khai 22 đề tài, dự án hợp tác quốc tế, 48 đề tài cấp Nhà nước, 285 đề tài cấp tỉnh/bộ, 73 đề tài cấp đại học. Đã công bố được 1.222 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục của Wos/Scopus; 666 bài báo quốc tế khác; 3.984 bài báo trong nước. Đồng thời, thành lập 4 trung tâm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp; 3 doanh nghiệp dịch vụ khoa học; hình thành 42 nhóm nghiên cứu mạnh hoặc chuyên sâu theo ngành, liên ngành, đặc biệt là có 01 nhóm nghiên cứu đạt chuẩn nhóm nghiên cứu mạnh theo tiêu chuẩn.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông là một trong những đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên triển khai tích cực các hoạt động nghiên cứu khoa học. Dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực này, Nhà trường đã xây dựng 4 phòng Lab phục vụ gắn kết nghiên cứu và đào tạo; xây dựng 2 nhóm nghiên cứu chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp. Nguồn thu sự nghiệp khoa học công nghệ từ các đề tài, nhiệm vụ, dự án đạt hơn 14 tỷ đồng. Tiến sĩ Nguyễn Văn Tảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhà trường thông tin: Trong nhiệm kỳ này, chúng tôi đã thực hiện 5 đề tài nghiên cứu cấp bộ, 20 đề tài cấp trường và 80 đề tài cấp cơ sở. Hoạt động nghiên cứu trong sinh viên cũng được đẩy mạnh với 162 đề tài tham gia các cuộc thi khoa học công nghệ, sáng tạo, khởi nghiệp.

Gắn nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với thực tế giúp tạo nguồn thu quan trọng cho Đại học Thái Nguyên. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, nguồn thu từ hoạt động hợp tác nghiên cứu đạt trên 3,5 triệu USD, với các dự án tiêu biểu như: Dự án phát thải ròng bằng zero do Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên chủ trì; Dự án Forest và Ecovip do Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên khai thác… Đến nay, Đại học Thái Nguyên đã có 25 sản phẩm khoa học công nghệ được đăng ký sở hữu trí tuệ, trong đó 12 sản phẩm được chuyển giao và thương mại hóa; hỗ trợ các đơn vị thực hiện 16 chương trình tiên tiến, 10 chương trình liên kết đào tạo quốc tế và 56 chương trình hợp tác đào tạo.

Lễ công bố và Khởi động dự án Ecovip do Trường Đại học Khoa học khai thác

Đóng chân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên đã có những hợp tác toàn diện với tỉnh trên các lĩnh vực như: Nông, lâm nghiệp và thủy sản, tài nguyên môi trường, văn hóa - xã hội, khoa học giáo dục, kinh tế, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khoa học kỹ thuật và công nghệ... Theo thống kê, giai đoạn 2017 - 2022, Đại học Thái Nguyên và các trường đại học thành viên đã thực hiện 30 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, với tổng kinh phí khoảng 76 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực y dược 5 nhiệm vụ; lĩnh vực nông nghiệp 8 nhiệm vụ; lĩnh vực kỹ thuật công nghệ 7 nhiệm vụ; lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn 10 nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Đại học Thái Nguyên và Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cũng đã phối hợp triển khai các hoạt động chuyên môn khác như khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia tư vấn, đánh giá, phản biện của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên…

Có thể khẳng định, chiến lược đúng đắn trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã góp phần giúp Đại học Thái Nguyên khẳng định vị thế, nâng cao úy tín ở trong và ngoài nước. Điều này góp phần hiện thực hóa mục tiêu tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo, khoa học và công nghệ, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế; thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển bền vững vùng trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.

Trần Nhung
thainguyen.gov.vn