Truy cập nội dung luôn

Đa dạng hóa sinh kế vì mục tiêu giảm nghèo bền vững

2023-12-25 17:13:00.0

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương bố trí ngân sách thực hiện nhiều chương trình, cơ chế, chính sách giảm nghèo cho người dân. Tại Thái Nguyên, bằng nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách này theo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đã góp phần đa dạng hóa sinh kế, tạo đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lớp may công nghiệp tại xã Tân Dương, huyện Định Hóa

Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề

Mong muốn có thu nhập ổn định từng bước vươn lên làm giàu, thế nhưng cuộc sống của gia đình chị Phan Thị Triển, xóm Hồng Tiến, xã Phúc Lương, huyện Đại Từ lại chỉ dựa vào cây chè với diện tích không nhiều. Bởi vậy, khi biết thông tin từ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị Triển đã đăng ký và theo học lớp may công nghiệp được mở tại UBND xã. Chị cho biết: “Sau 3 tháng học, tôi được giới thiệu và nhận vào làm việc tại một chi nhánh may gần nhà, với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Đó là nguồn thu nhập mơ ước của nhiều phụ nữ nông thôn”.

Chị Triển chỉ là một trong số 250 phụ nữ nông thôn trên địa bàn huyện Đại Từ có việc làm sau khi hoàn thành các lớp học nghề may công nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đại Từ tổ chức. Theo ông Ngô Mạnh Thơ, Giám đốc Trung tâm: “Địa phương hiện có 3 công ty may lớn, cần số lượng lớn lao động nghề may. Bởi vậy, chúng tôi đang đẩy mạnh kết nối và tổ chức các lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động ở nông thôn”.

Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng chục hộ dân ở xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ đã thoát nghèo và từng bước làm giàu

Không chỉ với Đại Từ, mà hoạt động đào tạo nghề đã được các địa phương gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường lao động. Đào tạo nghề gì, sau đào tạo cơ hội việc làm như thế nào là những câu hỏi được đặt ra. Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Định Hóa cho biết: “Cùng với mô hình tập trung, chúng tôi thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề lưu động về các xóm, xã theo nhu cầu và xu hướng học nghề của người dân, nhằm tạo cơ hội cho đối tượng yếu thế. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã mở được 14 khóa học tập trung và 12 khóa học lưu động cho khoảng 800 học viên. Trong đó, trên 30% học viên đủ điều kiện đã được giới thiệu làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và tại Cụm công nghiệp Tân Dương”.

Có thể thấy, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, hướng đến nhu cầu của thị trường lao động đã góp phần thay đổi nhận thức và đời sống kinh tế - xã hội của các hộ dân là hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, nhất là ở những địa bàn vùng khó. Người lao động sau khi học nghề được nâng cao kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững, từng bước thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương.       

Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ trực tiếp

Xóm Tân Thành, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ từng được biết đến là địa phương còn nhiều khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao. Làm thế nào để đủ ăn, đủ mặc từng là bài toán chưa có lời giải nhiều năm của nhiều hộ dân nơi đây. Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm về trước. Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua chương trình vốn vay giải quyết việc làm, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, cơ cấu lại mô hình cây trồng, vật nuôi, với quyết tâm vượt khó... Chủ trương đúng, trúng và kịp thời thực sự là đòn bẩy quan trọng để những hộ thuộc diện nghèo vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Mô hình vỗ béo bò thịt tại xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ

Còn đối với xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, hiện có 78 hộ/155 hộ đang sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế, với tổng dư nợ trên 4,7 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng thông tin: 10 tháng năm 2023, đã có thêm 15 hộ trong xóm tham gia vay vốn, đồng nghĩa sẽ có 15 mô hình kinh tế mới được hình thành và hứa hẹn mang lại cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư. Đến nay, những xóm vùng khó như Bản Tèn hay Tân Thành đã có diện mạo mới, với những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Cùng với linh hoạt trong tạo điều kiện để các hộ dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, các cơ quan chuyên môn và tổ chức chính trị - xã hội được ủy thác trên địa bàn cũng tập trung hỗ trợ người nghèo về kiến thức và kỹ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất hợp lý, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm để tăng thu nhập bền vững…       

Tại 2 xã La Hiên và Phú Thượng, huyện Võ Nhai, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã triển khai mô hình thâm canh na rải vụ với diện tích 3 ha. 10 hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cắt tỉa cành, tuốt lá, chế độ tưới nước, chăm sóc, bón phân và thụ phấn cho na, giúp kéo dài thời gian thu hoạch. Ngoài ra một số mô hình hỗ trợ khoa học kỹ thuật khác đã và đang được Trung tâm Khuyến nông thực hiện thành công tại các địa phương, như: Mô hình trồng cây ngô sinh khối kết hợp với vỗ béo bò thịt ở xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ; sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ ở các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương và TP. Thái Nguyên; chăn nuôi gà lông màu thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm ở huyện Phú Bình.

Quan tâm hỗ trợ cải thiện điều kiện sống

Chương trình trao tiền hỗ trợ xây nhà tình nghĩa đồng đội tại huyện Định Hóa

Cùng với hỗ trợ phát triển kinh tế, quan tâm hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, cải thiện điều kiện sống về nhà ở và trợ giúp xã hội cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững. Về hỗ trợ nhà ở, tính riêng tại huyện Định Hóa, thông qua nguồn hỗ trợ từ Quỹ Thiện Tâm và nhiều chương trình hỗ trợ từ các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, cùng sự chủ động, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ năm 2022 đến nay, gần 920 hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã xóa được nhà tạm, nhà dột nát với kinh phí trên 50 tỷ đồng. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo của cả nhiệm kỳ.

Có thể khẳng định, từ các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTTQ giảm nghèo bền vững đã tạo nhiều sinh kế, xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo bền vững hiệu quả và theo đó là tập quán canh tác lạc hậu của người dân được thay thế bằng tư duy khoa học tiên tiến, hướng đến sản xuất tập trung, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu để tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xóm thuộc vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, đối với hộ nghèo, sẽ quan tâm, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ về vốn vay, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thành Chung
thainguyen.gov.vn