Truy cập nội dung luôn

Nỗ lực phòng, chống tội phạm trên không gian mạng

2021-02-19 08:13:00.0

An ninh mạng đã và đang trở thành một trong những thách thức an ninh phi truyền thống lớn nhất, và mạng in-tơ-nét thậm chí được so sánh với vũ khí hủy diệt hàng loạt, đe dọa an ninh quốc gia, kinh tế, xã hội và tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân. Việt Nam đang cùng các nước trong khu vực nỗ lực nâng cao năng lực bảo đảm an ninh mạng.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05, Bộ Công an) cho biết, giai đoạn hiện nay, tình hình an ninh mạng xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp hơn đe dọa đến an toàn thông tin trên khắp thế giới, đặc biệt khu vực ASEAN với tỷ lệ người sử dụng in-tơ-nét ở mức cao (khoảng 75% dân số, tương đương 480 triệu người), đang là mục tiêu nhắm đến của cuộc tiến công mạng, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và đánh cắp dữ liệu người sử dụng. Các đối tượng tội phạm tiến công mạng với nhiều mục đích nhằm vào các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu của cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức và người dân tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm. Xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới trong hoạt động tiến công mạng, triệt để khai thác lỗ hổng bảo mật của các ứng dụng họp trực tuyến, phát tán mã độc, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.
 
Trong năm 2020, Bộ Công an Việt Nam thống kê trong số hơn 5.000 trang, cổng thông tin điện tử (TTĐT), có hơn 400 trang của các cơ quan nhà nước bị tấn công. Bên cạnh đó, ở nước ta, tội phạm trên không gian mạng còn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật xuyên quốc gia để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn chủ yếu là giả danh các cơ quan thực thi pháp luật để lừa đảo qua mạng, qua điện thoại, lừa đảo qua phương thức kinh doanh đa cấp, giả mạo các trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, đánh cắp dữ liệu cá nhân để lừa đảo. A05 đã phá chuyên án “Đấu tranh với ổ nhóm đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép” với gần 400 nghìn thành viên tham gia hệ thống, chiếm đoạt hơn 900 tỷ đồng. Một loại tội phạm trên không gian mạng khác đang tràn vào nước ta trong những năm gần đây là tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng, diễn ra công khai, dưới nhiều hình thức, với sự tham gia chủ yếu là các đối tượng nhà cái ở nước ngoài móc nối với các đối tượng trong nước xây dựng các đường dây lớn tổ chức đánh bạc, thu hút hàng nghìn người tham gia, với số tiền ước tính hàng triệu USD mỗi ngày. Năm 2019, A05 đã phối hợp công an các đơn vị địa phương liên quan triệt phá đường dây đánh bạc quy mô lớn hơn 30.000 tỷ đồng, bắt và khởi tố 66 bị can. Đến tháng 5-2020, phá đường dây đánh bạc có hàng triệu tài khoản đăng ký với lượng tiền đánh bạc lên tới 64.000 tỷ đồng, bắt và khởi tố 16 bị can.
 
Những năm qua, Bộ Công an Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước ASEAN và nhiều nước trên thế giới, tích cực phối hợp điều tra, xác minh, xử lý nhiều vụ việc liên quan tội phạm sử dụng công nghệ cao. Điển hình như bắt và bàn giao cho Cảnh sát Trung Quốc 530 đối tượng tổ chức đánh bạc qua mạng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, phối hợp xử phạt hành chính và trục xuất 254 đối tượng. Bắt và bàn giao cho cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc 12 đối tượng quốc tịch Hàn Quốc tổ chức cá độ bóng đá trên mạng in-tơ-nét với hàng chục nghìn thành viên tham gia, tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ won; bắt giữ và bàn giao 19 đối tượng người Thái-lan thiết lập tổng đài điện thoại VoIP trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện hành vi lừa đảo công dân Thái-lan với số tiền lớn… Năm 2020, Bộ Công an Việt Nam tiếp nhận, xử lý hơn 40 yêu cầu hỗ trợ xác minh, điều tra của cơ quan thực thi các nước và đề nghị cơ quan chức năng, các nước hỗ trợ xác minh, điều tra nhiều yêu cầu liên quan đến tội phạm mạng.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện tại, Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực ASEAN đang thiếu hành lang pháp lý trong lĩnh vực an ninh mạng và chưa bắt kịp sự biến đổi nhanh chóng của không gian mạng cũng như tình hình tội phạm mạng diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp. Ở cấp độ khu vực ASEAN, vẫn chưa có một văn bản pháp lý chung điều chỉnh các hoạt động hợp tác trong công tác đấu tranh và phòng, chống tội phạm mạng. Các nước mới bước đầu chú trọng xây dựng luật của nước mình và quan điểm xây dựng pháp luật của mỗi nước vẫn còn có khác biệt nhất định. Bên cạnh đó, sự lạc hậu về công nghệ cũng là một rào cản trong quá trình đấu tranh.
 
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đang xây dựng kế hoạch toàn diện về nâng cao nhận thức và năng lực an ninh mạng cho tất cả các đối tượng có liên quan, như: Lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, đội ngũ quản trị mạng tại các cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp cũng như tất cả người dân sử dụng in-tơ-nét và các dịch vụ số. Đồng thời, tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các nước ASEAN và thế giới để hoàn thiện pháp luật về an ninh mạng. Bộ Công an cho rằng, bên cạnh nỗ lực của ngành công an, cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác công - tư giữa cơ quan thực thi pháp luật về an ninh mạng và các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ trên cơ sở thấu hiểu nhu cầu thực tiễn của lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm mạng và phát huy năng lực công nghệ sẵn có của các tập đoàn, doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường đối thoại, chia sẻ và cập nhật chính sách an ninh mạng cho cộng đồng doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững, đóng góp hiệu quả thúc đẩy nền kinh tế số.

Lê Tú
nhandan.com.vn