Truy cập nội dung luôn

Báo động tình trạng người dân "sập bẫy" của tội phạm công nghệ cao

2024-04-24 12:46:00.0

Mặc dù cơ quan chức năng liên tục phát đi những cảnh báo nhưng danh sách bị hại trong những vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao vẫn có chiều hướng gia tăng và số tài sản bị chiếm đoạt ngày một lớn.

Diễn biến khó lường...

Những năm gần đây, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội đã đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân là điều không thể phủ nhận. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, cả nước có khoảng 77,93 triệu người sử dụng internet, hơn 123,26 triệu thuê bao điện thoại di động.

Tuy nhiên, công nghệ thông tin, viễn thông cũng đã và đang trở thành vùng đất màu mỡ để các đối tượng xấu lợi dụng khai thác, sử dụng vào việc thực hiện các hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn thất đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tập thể, cá nhân.

Từ đầu năm đến hết tháng 3.2024, số vụ lừa đảo qua mạng do tội phạm thực hiện có chiều hướng tăng, với hơn 3.800 trường hợp. Riêng trong một tuần, từ ngày 25.3 đến 31.3, có gần 300 trường hợp lừa đảo được người dùng internet Việt Nam phản ánh tới Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông). Tính đến tháng 3.2024, hệ thống của Cục An toàn thông tin đã chặn hơn 10.000 tên miền độc hại, trong đó có hơn 2.700 tên miền lừa đảo trực tuyến.

Nhiều chiêu trò lừa đảo qua mạng người dân cần cảnh giác (Ảnh minh họa)

Thượng úy Đỗ Danh Vượng (Công an phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) cho biết, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng diễn biến hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, tạo thành đường dây hoạt động phạm tội; có sự liên kết, móc nối với nhiều đối tượng ở các địa phương trên toàn quốc và ở nước ngoài.

Hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng mang tính chất có tổ chức và tội phạm xuyên quốc gia. Bên cạnh các thủ đoạn cũ như giả danh cơ quan pháp luật, bẫy tình trên mạng xã hội, tuyển cộng tác viên, làm nhiệm vụ nhận hoa hồng... hiện nay, còn xuất hiện các thủ đoạn mới như giả danh ngân hàng đăng tin cho vay lãi suất thấp, giải ngân nhanh để lừa các nạn nhân sập bẫy; lợi dụng công nghệ Deepfake để lừa đảo; like bài dự thi…. “Con mồi” mà các đối tượng nhắm đến có cả những người hiểu biết, có trình độ.

Quyết liệt xử lý

Thời gian qua, đã có rất nhiều vụ lừa đảo trên mạng được ghi nhận, gây nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân. Các cách thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Đơn cử, chị N.T.N (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) nhận được tin nhắn của người thân nhờ vào like bài dự thi cho cháu trên facebook nhưng qua tìm hiểu chị mới biết đây là một hình thức lừa đảo nên chị đã dừng lại kịp thời và cảnh báo với mọi người. Với hình thức này, chỉ cần người dùng tò mò và nhấp vào đường link và nhập thông tin thì tài khoản facebook sẽ bị mất và sau đó hacker sẽ gửi tin nhắn vay tiền đến nhiều người thân của họ.

Hình thức nhờ like bài dự thi trên facebook, chỉ cần người dùng tò mò và nhấp vào đường link và nhập thông tin thì tài khoản facebook sẽ bị mất

Không may mắn như chị N.T.N, nhiều khách hàng của chị T.T.H.N (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) đã bị lừa chuyển khoản tiền mua hàng. “Đối tượng lừa đảo tạo một tài khoản Zalo với tên, avarta y hệt facebook của tôi và một tài khoản ngân hàng mang tên tôi (đây là một chức năng của ứng dụng ngân hàng khi cho phép thay đổi nick name theo ý muốn). Sau đó, đối tượng lừa đảo dựa vào comment đặt mua hàng trên facebook của tôi để kết bạn zalo với khách hàng  và yêu cầu họ chuyển khoản trước. Bằng hình thức này nhiều khách hàng của tôi đã bị mất tiền” chị N. chia sẻ.

Lợi dụng chức năng thay đổi nick name của hệ thống ngân hàng, đối tượng đã thực hiện đổi tên hiển thị để thực hiện lừa đảo

Với những phương thức, thủ đoạn nêu trên, bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện các hành vi lừa đảo một cách nhanh chóng và khi bị phát hiện thì ít để lại dấu vết. Đáng nói, việc điều tra, xử lý các vụ lừa đảo qua mạng hiện gặp rất nhiều khó khăn do bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động dưới nhiều vỏ bọc giả mạo tinh vi, bày ra các chiêu trò trấn áp nạn nhân trên cơ sở lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo.

Do đó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc bị lừa đảo do tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; chủ động phát hiện kịp thời các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao và có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, biết cách tự trang bị kiến thức bảo vệ mình trước sự tấn công của tội phạm lừa đảo, biết nhận diện và phòng tránh các thủ đoạn, phương thức lừa đảo phổ biến, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn của kẻ xấu, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Người dân tuyệt đối không để lộ thông tin cá nhân trên mạng; không tự biến mình thành nô lệ của công nghệ, phụ thuộc vào công nghệ. Khi thấy có dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần báo ngay cho công an nơi cư trú hoặc cơ quan chức năng như Cục An toàn thông tin, phản ánh qua hệ thống canhbao.khonggianmang.vn.

Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, tội phạm lừa đảo qua điện thoại chiếm 80,2%, qua tin nhắn 57,5%, qua mạng xã hội 45,8%... Trên các nền tảng kỹ thuật số, tần suất lừa đảo nhiều nhất là Facebook 75%, sau đó đến Gmail là 29,5%, Telegram là 28%...

daibieunhandan.vn