Truy cập nội dung luôn

Trám đen - sản vật quý của Hà Châu

Chuyến công tác lần này, tôi và các đồng nghiệp về với vùng đất Hà Châu, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) để tìm hiểu và khám phá về một loại sản vật quý của địa phương - đó là trám đen.

Diện tích trồng trám tại Hà Châu theo Dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh về “Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật xây dựng mô hình trồng mới, cải tạo, chế biến, bảo quản trám đen theo hướng hàng hóa và xây dựng nhãn hiệu tập thể “Trám đen Phú Bình”

Hà Châu là một xã nằm ở phía Nam huyện Phú Bình. Trong công cuộc xây dựng và đổi mới, Hà Châu đã phấn đấu vươn mình phát triển, dành được nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã đang trong tiến trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Không chỉ có dấu ấn của sự đổi mới, Hà Châu còn được du khách nhiều nơi biết đến bởi một sản vật của thiên nhiên - đó là quả trám đen. 

Nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp của vùng ven sông Cầu, cây trám đen Hà Châu phát triển tươi tốt, cho quả có lớp thịt dày, vị béo, bùi, hương thơm đặc trưng, khác hẳn với trám ở các nơi khác. Hà Châu có 15 xóm thì hầu hết các xóm đều có cây trám đen. Nhà ít thì có vài cây, nhà nhiều thì có hàng chục cây. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, xóm Táo - người được chính quyền địa phương giới thiệu là “vua trám” đất Hà Châu. Bên cây trám có tuổi đời khoảng 140 năm tuổi, ông Thanh cho biết: Cây trám này đã có từ đời cụ tôi. Mỗi năm, cây trám cho rất nhiều trái bùi, giá trị kinh tế cao, không chỉ giúp gia đình có thêm thu nhập mà còn là niềm tự hào của cả gia đình chúng tôi khi bảo tồn được những cây trám cổ cho địa phương. Với sự hồn hậu vốn có của người dân Hà Châu, ông Thanh đưa cho chúng tôi thưởng thức những quả trám đã được sơ chế. Đứng dưới tán rộng của “cụ trám”, nhấm nháp những quả trám ngọt bùi, chúng tôi hiểu vì sao một cây trồng giống như bao loài cây khác mà có thể "đánh thức" cả một vùng quê khi vào vụ.

Những cây trám cổ ở Hà Châu có chiều cao tới 30 - 40m

Dù là một loại cây thân gỗ, hầu như không phải kỳ công chăm sóc nhưng để có được những quả trám đen chất lượng cung cấp cho thị trường, người dân Hà Châu cũng có lắm gian nan. Trước đây, người dân địa phương lựa chọn hạt từ những quả trám chất lượng để ươm giống. Thường cũng phải 8 năm, cây trám mới cho quả, rất nhiều trong số cây trám được ươm từ hạt là trám đực, không cho quả. Ngày nay, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, người dân ở Hà Châu đã có thể khắc phục tình trạng này với kỹ thuật ghép mắt. Mắt từ những cây trám cái sẽ được ghép lên thân, cành của cây trám đực. Điều này giúp rút ngắn thời gian thu hoạch quả và người dân không phải chặt bỏ cây. Và cách thu hoạch trám cũng rất khó khăn. Nhiều cây trám cổ có chiều cao lên tới vài chục mét, quả trám lại nằm len lỏi giữa các kẽ lá và cành trám rất dai. Bởi vậy, việc thu hoạch trám cũng đòi hỏi phải là người có kinh nghiệm và phải trang bị nhiều thiết bị an toàn trong quá trình thu hoạch.

Trám Hà Châu có quả hình thon dài, khi chín có màu xanh đen, cùi vàng, quả có lớp thịt dày, vị béo, bùi, hương thơm rất đặc trưng. Người dân địa phương cũng cho biết, những năm được mùa, mỗi cây trám có thể cho thu hoạch gần 2 tạ quả. Với mức giá từ 140.000 đồng - 160.000 đồng/kg, dễ hiểu vì sao người dân nơi đây coi trám là sản vật quý của quê hương mình.

Quả trám đen Hà Châu (Ảnh: Phạm Hiếu)

Về Hà Châu những ngày tháng Tám, trên tuyến đường đê chính dẫn vào xã, những chiếc xe đến từ các tỉnh lân cận chở theo du khách tìm về để tìm hiểu thủ phủ của trám đen và thưởng thức ẩm thực từ quả trám. Trám đen Hà Châu làm được rất nhiều món. Người dân địa phương khéo léo thu hoạch trám, sau đó mang đi ỏm với nước ấm. Việc ỏm trám phải ước lượng được độ nóng vừa phải của nước thì mới có thể khiến quả trám trở nên chín mềm đều và béo ngậy trước khi đem ra làm nguyên liệu chế biến các món ăn. Trám sau khi ỏm mềm, có thể chấm muối vừng, mắm ớt, cầu kỳ hơn có thể mang kho thịt, nhồi thịt, đồ xôi...

Món nham trám được chế biến cầu kỳ với nguyên liệu chính từ quả trám đen Hà Châu. (Ảnh: Phạm Hiếu)

Đặc biệt hơn, món ẩm thực được nâng tầm cầu kỳ, tinh túy từ quả trám lại chính là món nham trám. Người dân địa phương cho biết, có ít nhất 14 loại gia vị sẽ được chuẩn bị để làm món nham trám, cách làm lại vô cùng cầu kỳ, phức tạp. Trám đen đã ỏm mềm được xay nhỏ; cá cháy hoặc cá mè trắng nướng chín, gỡ xương rồi lại đem rang vàng cho thơm; thịt ba chỉ, củ chuối tiêu non, khế chua, lá gừng, lá sung, lá đinh lăng đem thái sợi; cùi dừa nạo, vừng lạc rang chín giã nhỏ… tất cả trộn đều lên. Người dân địa phương đưa cho tôi chiếc lá nhội, rồi hướng dẫn tôi cách gói nham trám vào lá, chấm với tương nếp Úc Kỳ. Thưởng thức nhiều đặc sản ở các địa phương, nhưng cách thưởng thức nham trám ở Hà Châu là một trải nghiệm khó quên với chúng tôi, bởi chỉ cần thưởng thức một miếng nhỏ, tất cả vị bùi, ngọt, hòa quyện với chút chua và hơi chát nhẹ nơi đầu lưỡi sẽ đưa thực khách cảm nhận trọn vẹn những hương vị mộc mạc, dân giã, thơm thảo ở vùng đất ven sông Hà Châu.

Những du khách Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, có cả những du khách đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Sài Gòn cũng tranh thủ chuyến công tác hay chuyến du lịch về Thái Nguyên dịp này để đến với Hà Châu, ngắm nhìn vẻ đẹp bình yên của một vùng quê cũng như thưởng thức đặc sản trám đen - thức quà của thiên nhiên. Tạm biệt Hà Châu, trên những chuyến xe trở về, du khách không quên mua cho mình ít trám đen về làm quà cho gia đình, người thân, bạn bè - trám đen cứ thế đi muôn phương, mang theo sự nồng hậu, chân chất, mến khách của người dân nơi đây.

Phương Thảo
Thainguyen.gov.vn

Cơ quan chủ quản: UBND TỈNH THÁI NGUYÊN

Bản quyền thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Trụ sở: Số 18, đường Nha Trang, thành phố Thái Nguyên Email: portal@thainguyen.gov.vn Điện thoại: 0208.3851149 Fax: 0208.3851149

Tổng Biên tập: Tạ Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên

Ghi rõ nguồn "thainguyen.gov.vn" khi phát hành thông tin từ website này