Siết chặt quản lý tàu cá, quyết liệt chống khai thác IUU
2025-07-16 19:02:00.0
Nhiều tàu cá được sửa sang, trang bị đầy đủ để bước vào vụ cá chính của năm.
Kỳ vọng mùa cá Nam
Hiện nay, ngư dân các địa phương ven biển tỉnh Lâm Đồng đang bước vào mùa cá Nam - mùa khai thác hải sản chính trên biển (thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch hằng năm). Khi gió Tây Nam xuất hiện, mang theo các luồng cá nổi dồi dào cũng là thời điểm ngư trường trở nên phong phú. Ngư dân phấn khởi vươn khơi với kỳ vọng một mùa cá bội thu.
Những ngày này, tại Cảng cá Phan Thiết, phường Phan Thiết, tỉnh Lâm Đồng tàu thuyền ra vào tấp nập hơn. Tuy lượng hải sản khai thác đầu vụ cá Nam chưa được nhiều, nhưng hầu hết các tàu ra khơi tuyến lộng, đánh bắt gần bờ đều có lãi. Các nghề như: Lưới rê, lưới vây, câu khơi… đánh bắt thuận lợi, chủ yếu là các loại cá cơm, cá nục, mực…
Ngư dân Lê Văn Đông, chủ tàu BTh 98648 TS, phường Phan Thiết đang chuyển cá từ tàu xuống cảng vui vẻ cho biết, vụ cá Nam là mùa đánh bắt quan trọng nhất trong năm đối với bà con ngư dân. Tuy mới vào đầu vụ, sản lượng cá chưa nhiều nhưng cũng mang lại tín hiệu lạc quan. Chuyến biển này, tàu may mắn gặp được một vài luồng cá nổi như: cá nục, cá sòng, cá ngừ… nên chắc đảm bảo chi phí và có lãi để chuẩn bị cho chuyến biển tới.
Trong khi một số ngư dân đã xuất hành chuyến biển đầu tiên cho vụ cá Nam từ khá sớm, thì cũng có nhiều chủ tàu đang theo dõi tình hình thời tiết và lựa chọn thời điểm thích hợp. Nhiều ngư dân tranh thủ tân trang tàu thuyền, đầu tư ngư lưới cụ để dồn lực cho vụ cá chính.
Ngư dân Nguyễn Văn Minh, phường Phan Thiết cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm bám biển thì từ tháng sau sẽ xuất hiện nhiều đàn cá nổi hơn đầu vụ. Mỗi chuyến biển thường kéo dài 5 - 7 ngày vì vậy cần tính toán kỹ lưỡng, di chuyển phải "trúng" luồng cá mới có lãi. Vì vậy, việc lựa chọn xuất biển theo con gió cũng là yếu tố quyết định thắng lợi của chuyến biển.
Mặc dù mới đầu vụ nhưng nhiều tàu cá đã trúng được nhiều luồng cá nổi.
Để đảm bảo khai thác hiệu quả vụ cá Nam, các địa phương ven biển tăng cường vận động ngư dân vươn khơi bám biển; mở rộng ngư trường tuyến khơi; đồng thời, áp dụng một số công nghệ tiên tiến, tiếp cận và tổ chức đánh bắt. Đặc biệt, các địa phương khuyến khích ngư dân tổ chức liên kết khai thác trên biển để tăng năng suất đánh bắt, giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, từ giữa tháng 3/2025 đến nay, thời tiết và ngư trường thuận lợi hơn. Ngư dân nỗ lực vươn khơi bám biển. Hầu hết tàu thuyền tham gia khai thác trở lại. Một số nghề như: lưới kéo, vây rút chì, lưới rê, mành, sản lượng đánh bắt cao. Nhóm tàu hoạt động ở vùng gần bờ (lưới rê nổi ven bờ, lặn hải đặc sản, lồng bẫy) sản lượng khai thác tương đối ổn định.
Tổng sản lượng khai thác hải sản trên biển trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 116 nghìn tấn (tăng 3,57% so với cùng kỳ năm 2024. Không chỉ góp phần cải thiện thu nhập cho bà con ngư dân, tình hình khai thác thuận lợi còn tạo điều kiện để các cảng cá, cơ sở thu mua, chế biến hải sản hoạt động sôi động, thúc đẩy phục hồi kinh tế biển và ổn định an sinh xã hội tại các địa phương ven biển.
Đẩy mạnh chống khai thác IUU
Với lợi thế bờ biển dài 192 km với ngư trường rộng 52.000 km2, tỉnh Lâm Đồng có tiềm năng rất lớn để phát triển hoạt động khai thác trên biển, nhất là khai thác xa bờ. Các tàu cá công suất lớn tập trung nhiều tại các địa phương như: phường Phan Thiết, phường Mũi Né, phường La Gi, đặc khu Phú Quý…Đi đôi với khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển, tỉnh Lâm Đồng cũng tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống khai thác IUU.
Theo đó, các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản, chống khai thác IUU, trọng tâm là các quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số biện pháp thi hành Luật Thủy sản; kế hoạch của UBND tỉnh triển khai đợt cao điểm chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị cảnh báo "Thẻ vàng" của EC; chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 5…
Tàu thuyền neo đậu dọc sông Cà Ty chờ nạp nhiên liệu, chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến biển mới.
Ông Phạm Tiêu, ngư dân phường Phan Thiết cho biết, nhờ đọc các thông tin từ các tờ rơi, tài liệu được cấp phát; nghe loa phát thanh và các buổi tuyên truyền trực tiếp, bản thân đã hiểu biết về Luật thủy sản; thực hiện việc ghi nhật ký khai thác, báo cáo sản lượng và tuân thủ nghiêm việc xuất trình giấy tờ khi tàu ra vào cảng.
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh để quản lý tàu cá, chống khai thác IUU gắn với triển khai thi hành Luật Thủy sản cũng được triển khai quyết liệt, thường xuyên; tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ngay tại cảng, trên biển và thông qua hệ thống giám sát tàu cá; qua đó, đã phát hiện sớm để cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các trường hợp có nguy cơ vi phạm khai thác IUU, vi phạm vùng biển nước ngoài.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, tính đến ngày15/6, toàn tỉnh có 8.436 tàu cá được đăng ký, cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia VNFishbase với 7.513 tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản (đạt 89%). Đến nay, có 1.992 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá đã thực hiện việc lắp đặt, đạt 100% tàu cá hoạt động.
Mặc dù, đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra nhiều trường hợp vi phạm khai thác IUU. Các lực lượng chức năng đã lập biên bản, chuyển cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 135 vụ với hơn 780 triệu đồng.
baotintuc.vn