Người lưu giữ và truyền dạy chữ Nôm Dao
2025-07-09 16:46:00.0
Những người đàn ông Dao chuẩn bị trang phục chỉn chu trước khi vào lớp
Lớp học đặc biệt - nơi gìn giữ tri thức cổ
Tại gia đình ông Triệu Xuân Minh có một lớp học rất đặc biệt bởi học sinh đều là những người đàn ông đã có gia đình và khi theo học ở đây học sinh không phải trả bất kỳ khoản tiền học phí nào.
Tiếp chúng tôi bằng chén nước chè nóng, ông Minh kể: “Từ năm 16 tuổi, tôi bắt đầu học chữ nôm của người Dao (chữ Nôm Dao). Sau 6 năm học tôi mới thành thạo chữ viết. Ngoài ra, tôi còn học hỏi, giao lưu với bà con các tỉnh khác. Giờ cuộc sống phát triển, nhiều người không còn biết nói tiếng Dao, viết chữ viết Dao nữa. Nên tôi mới mong muốn đồng bào mình ai cũng biết chữ Dao và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, sau khi tích lũy được kiến thức tôi bắt đầu mở lớp dạy chữ Nôm Dao”.
Ông Triệu Xuân Minh, thôn Bản Cuôn, xã Chợ Đồn mở lớp học miễn phí truyền dạy chữ Nôm Dao
Lớp học chính thức bắt đầu từ tháng Bảy âm lịch năm 2023. Ban đầu, ông chỉ dạy con cháu trong họ. Về sau, tiếng lành đồn xa, nhiều người ở các xã lân cận, thậm chí tận tỉnh Tuyên Quang cũng tìm đến xin theo học. Thời điểm đông nhất, lớp có tới 15 học viên, phần lớn là những người đàn ông đã lập gia đình, ban ngày lao động sản xuất, tối về lại cùng nhau ngồi học chữ.
Học viên lớp dạy chữ Nôm Dao phần lớn là những người đàn ông trưởng thành
Đến lớp, học viên chỉ cần chuẩn bị bút lông, nghiên mực tàu và vở, còn giáo trình được thầy Minh photo sẵn. Mỗi buổi học là một dịp để mọi người cùng ôn lại nguồn cội, chia sẻ kinh nghiệm, động viên nhau gìn giữ truyền thống.
Sợi chỉ kết nối cội nguồn và triết lý sống
Theo ông Minh, chữ Nôm Dao là loại chữ viết phát triển trên cơ sở chữ Hán, tiếp nhận thêm một số yếu tố của chữ Nôm Tày, Nôm Việt nhưng đã được biến đổi theo phong tục, ngôn ngữ của người Dao. Chữ Nôm Dao gắn liền với các nghi lễ tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là cầu nối giữa con người với tổ tiên và thần linh.
Ông Triệu Xuân Minh chia sẻ việc học chữ Nôm Dao để hiểu về nhân nghĩa
Ông Minh đã dành nhiều năm tìm tòi, sưu tầm các sách cổ, ghi chép lại những tri thức quý báu để biên soạn giáo án giảng dạy. Giáo trình của ông không chỉ dạy chữ mà còn chứa đựng nhiều nội dung về đạo đức, nhân nghĩa, các câu chuyện cổ, triết lý sống, cách ứng xử trong gia đình, cộng đồng.
Ông chia sẻ: “Học chữ Nôm Dao không chỉ để đọc, để viết, mà còn để hiểu về nhân nghĩa, giữ mình không làm điều xấu. Trong lòng không làm tổn thương người khác, ngoài không hại vật, trên không phạm trời, dưới không phạm người. Người học chữ Nôm Dao sẽ thấu được lẽ sống, hiếu thảo với cha mẹ, nhân hậu với mọi người”.
Anh Triệu Quý Trìu đến từ tỉnh Tuyên Quang từng là học viên của lớp chia sẻ: “Tôi là người dân tộc Dao đỏ nhưng không biết viết, đọc chữ Dao. Tôi theo học với mong muốn mình hiểu thêm về nguồn gốc dân tộc, học hỏi cách thực hiện các lễ nghi để sau này có thể tự phục vụ công việc của gia đình, đồng thời góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc Dao. Đến thời điểm này, tôi đã có thể đọc và viết được chữ Nôm Dao”.
"Thầy giáo" Triệu Xuân Minh tận tình chỉ dạy từng nét bút cho các học viên
Là người ở thôn Bản Cuôn, từng tham gia lớp học, anh Triệu Kim Phú chia sẻ: “Ban ngày đi làm rất mệt, tối về lại đi học chữ, rất vất vả nhưng ai cũng cố gắng. Trước đây, tôi chỉ biết nói chứ không biết đọc, biết viết tiếng Dao. Nay tôi đã được học chữ Nôm Dao để sau này biết chữ về dạy lại cho con cháu”.
Điều đáng quý là nếu như trước đây quan niệm chỉ nam giới mới được học chữ Nôm Dao, thì nay lớp của ông Minh mở cửa cho mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính.
Ngoài thời gian lên lớp, ông Minh vẫn miệt mài chép lại các sách cổ, biên soạn thêm tài liệu mới để phong phú hóa giáo trình. Ông mong muốn lưu giữ đầy đủ tri thức về văn hóa, phong tục, nghi lễ người Dao để sau này lớp trẻ có nhu cầu học sẽ có tài liệu tham khảo. Ông cũng hy vọng Nhà nước có thêm những chính sách đối với việc giữ gìn, bảo tồn vì chữ Nôm Dao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Với cộng đồng người dân tộc Dao, chữ Nôm Dao đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh. Chính chữ Nôm Dao là sợi chỉ dẫn dắt các nghi lễ truyền thống, trong đó linh thiêng nhất phải kể đến Lễ Cấp sắc, nghi lễ đánh dấu bước trưởng thành của người đàn ông Dao. Và ở Bản Cuôn, truyền thống này vẫn còn được gìn giữ.
thainguyen.gov.vn