Truy cập nội dung luôn

Tạo thêm sức hút cho du lịch Đại Từ

Nằm dải dọc theo dãy núi Tam Đảo hùng vĩ, huyện Đại Từ có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với nhiều thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Đây còn là mảnh đất mang nhiều dấu ấn lịch sử, với 169 điểm di tích trên địa bàn. Những năm gần đây, huyện đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về du lịch, ghi tên vào bản đồ du lịch Thái Nguyên bằng những sản phẩm du lịch trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn...

Vùng chè ở xã Hoàng Nông - một trong những điểm thu hút đông đảo du khách. Ảnh: L.K

Với 10 xã, thị trấn bám dọc dãy núi Tam Đảo là: Ký Phú, La Bằng, Hoàng Nông, Phú Xuyên, Quân Chu... Đại Từ có những hồ, thác nước tự nhiên đẹp mê hoặc lòng người, những đồi chè bát úp trải dài, tạo nên cảnh quan vừa hùng vĩ, vừa thanh bình, nên thơ.

Thấy rõ những tiềm năng về du lịch, Đại Từ đã từng bước phát triển các sản phẩm du lịch dựa theo điều kiện của huyện, đó là: Du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà; du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Mục tiêu của Đại Từ là từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.

Theo đó, Đại Từ đã thực hiện quy hoạch các điểm du lịch trên địa bàn huyện, đồng thời bố trí kinh phí, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, mở rộng và tôn tạo các di tích như: Khu di dích lịch sử Quốc gia Núi Văn - Núi Võ, Di tích lịch sử Quốc gia 27-7, Di tích lịch sử Quốc gia nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Di tích lịch sử Thanh niên xung phong... với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng.

Cùng với đó, huyện tập trung nguồn lực, đầu tư mạnh vào phát triển hạ tầng giao thông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, cũng như thu hút khách du lịch.

Ngoài ra, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn về du lịch cho cán bộ, công chức phụ trách công tác du lịch cấp xã. Tập huấn nghiệp vụ phát triển du lịch nông thôn tại xã La Bằng, xã Hoàng Nông cho các trưởng xóm, bí thư chi bộ, các hạt nhân, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ địa phương.

Tổ chức cho cán bộ, các chủ thể tham gia hoạt động dịch vụ du lịch, học tập kinh nghiệm thực tế về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại các tỉnh: Lào Cai, Tuyên Quang, Thanh Hóa... Qua đó giúp nâng cao nhận thức, kỹ năng, thay đổi tư duy về làm du lịch của cán bộ, nhân dân địa phương.

Mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm đã có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận của người dân tham gia làm du lịch. Tại các xã, thị trấn có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa truyền thống thu hút du khách (như xã La Bằng, Hoàng Nông, Quân Chu...), nhiều gia đình đã đầu tư xây dựng homestay, phát triển dịch vụ lưu trú, ăn uống.

Một số hợp tác xã và cơ sở sản xuất chè xây dựng được khu chế biến, khu trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm, không gian thưởng trà rộng rãi, đáp ứng các đoàn khách đông người đến tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh các mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, trên địa bàn huyện còn xuất hiện mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp khác, như mô hình trải nghiệm vườn nho, dâu tây tại xã Khôi Kỳ, vườn bưởi tại xã Hoàng Nông, vườn hoa tại xã La Bằng…

Khu homestay Tân Sơn (xóm Kẹm, xã La Bằng, Đại Từ) nằm giữa những đồi chè xanh mướt, là khu nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách.

Đặc biệt, tại 2 xã La Bằng và Hoàng Nông đã hình thành sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà. Gắn du lịch trải nghiệm với văn hóa tâm linh, bảo tồn và phát huy các lễ hội như: Lễ hội Trà Đại Từ, lễ hội Nghè, lễ hội Núi Văn - Núi Võ; di sản văn hóa phi vật thể như hát Then đàn Tính của dân tộc Tày, lễ Cấp sắc, tết nhảy của dân tộc Dao, hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, Sán Chay… phục vụ khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng.

Để làm hấp dẫn thêm các sản phẩm du lịch, xã La Bằng đã thành lập đội văn nghệ truyền thống để phục vụ khách du lịch có thể thưởng thức, cũng như tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ở đây. Bước đầu đã có sự kết nối, hình thành các tour du lịch sinh thái kết hợp tham quan di tích lịch sử gắn với các tour du lịch như: Hồ Núi Cốc - Di tích 27-7 - Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc; hồ Núi Cốc - Di tích 27-7 - nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên - Không gian văn hóa trà - suối kẹm La Bằng… Qua đó thu hút ngày càng đông khách du lịch đến địa phương.

Qua khảo sát trong tháng 6 và 7 vừa qua, Điểm du lịch Tân Sơn (La Bằng) đón 7.000 lượt khách, doanh thu 1,8 tỷ đồng; Quân Chu thu hút khoảng 9.000 khách, thu khoảng 700 triệu đồng. Khách đến trải nghiệm đông nhất vào các ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5 và 2-9, với khoảng trên 10.000 khách.

Đồng chí Nguyễn Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, cho biết: Đến nay, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch xã La Bằng, Phú xuyên, Hoàng Nông; đang thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng Điểm du lịch xã La Bằng, Hoàng Nông. Tiếp đó, Đại Từ sẽ tích cực thu hút đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng tại xã Tân Thái và du lịch nghỉ dưỡng - giải trí, thể thao khu vực hồ Núi Cốc; Dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể dục - thể thao tại thị trấn Quân Chu, xã Cát Nê. Song song với đó, huyện tập trung thông tin tuyên truyền, quảng bá tiềm năng các di tích, danh lam thắng cảnh của địa phương, kết nối để dần hình thành các tour tuyến du lịch; giới thiệu về con người, tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương và các thông tin cần thiết liên quan đến du lịch cộng đồng...


baothainguyen.org.vn

Cơ quan chủ quản: UBND TỈNH THÁI NGUYÊN

Bản quyền thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Trụ sở: Số 18, đường Nha Trang, thành phố Thái Nguyên Email: portal@thainguyen.gov.vn Điện thoại: 0208.3851149 Fax: 0208.3851149

Tổng Biên tập: Tạ Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên

Ghi rõ nguồn "thainguyen.gov.vn" khi phát hành thông tin từ website này