Truy cập nội dung luôn

Ngành du lịch hiện thực hóa doanh thu nghìn tỷ

Mục tiêu tỉnh Thái Nguyên đề ra đến năm 2025 là đón hơn 3,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng/năm; đến năm 2030 đón 5,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 6.600 tỷ đồng/năm. Thái Nguyên đã có phương án như thế nào để đạt được mục tiêu này? Phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh về nội dung này.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên ký biên bản thoả thuận về Chương trình hợp tác toàn diện giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027.

Phóng viên (PV): Đồng chí đánh giá như thế nào về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thái Nguyên?

Đồng chí (Đ/c) Lê Ngọc Linh: Với vị trí địa lý thuận lợi, cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50km; Thái Nguyên có đầy đủ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông kết nối với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước. Hiện nay, có nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm đang được triển khai, tiêu biểu như đường liên kết vùng, nối Bắc Giang - Vĩnh Phúc và Thái Nguyên với tổng chiều dài trên 45km sắp hoàn thành đưa vào khai thác và sẽ mở ra nhiều cơ hội mới để kết nối phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và du lịch.

Thái Nguyên là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hội tụ nhiều di tích lịch sử văn hoá có giá trị để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn du khách. Trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh; với 277 làng nghề truyền thống và 240 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao. Thái Nguyên có thành phần dân tộc đa dạng gồm 51/54 dân tộc anh em, các dân tộc còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc trong đời sống. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có tổng số 23 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” thu hút du khách về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ. Vùng đất non xanh nước biếc còn nổi tiếng với những hồ nước đẹp, những dòng suối, thác nước, bãi đá hoang sơ trên sườn đông Tam Đảo, những đồi chè xanh ngát thơ mộng. Phát huy thế mạnh của vùng đất “Đệ nhất danh Trà”, tại nhiều địa phương trong tỉnh, một số hợp tác xã, cơ sở sản xuất chè đã đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch cộng đồng như: Homestay lưu trú, ăn uống, bể bơi, tham quan, trải nghiệm; xây dựng được khu chế biến, khu trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm... thu hút ngày càng nhiều du khách.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh (thứ 2 từ phải vào) khuyến khích các tập thể, cá nhân gắn sản phẩm du lịch với văn hóa trà.

PV: Du lịch là đi và đến, là khám phá sự khác biệt. Vậy, Thái Nguyên đang tập trung vào những sản phẩm gì, thưa đồng chí?

Đ/c Lê Ngọc Linh: Nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch, tỉnh đã và đang tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa Trà; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch MICE; Du lịch thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Trong đó, du lịch cộng đồng là một trong những sản phẩm du lịch 4 mùa đang được các địa phương trong tỉnh ưu tiên phát triển.

Cùng với việc thúc đẩy các loại hình du lịch truyền thống, tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp, hiện đại. Xây dựng sân golf gắn với phát triển các khu đô thị dịch vụ thương mại, khu nghỉ dưỡng, sinh thái đang là xu hướng phát triển phù hợp và phát huy được các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của Thái Nguyên. Tiềm năng về du lịch hang động cũng được tỉnh quan tâm mời các chuyên gia trong và ngoài nước đến khảo sát, đánh giá, mời gọi đầu tư, trong thời gian tới từng bước sẽ đưa vào khai thác sản phẩm du lịch khám phá hang động.

PV: Để hiện thực hóa doanh thu nghìn tỷ, Thái Nguyên tập trung vào những giải pháp cơ bản nào?

Đ/c Lê Ngọc Linh: Tỉnh xác định phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị - xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; trong đó làm tốt công tác định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển du lịch. Huy động mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và toàn xã hội để phát triển du lịch. Thái Nguyên đã và đang tích cực triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển du lịch; tập trung nhiều nguồn lực để phát triển du lịch theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả; triển khai các hoạt động mời gọi, xúc tiến đầu tư các dự án đầu tư phát triển du lịch; triển khai các hoạt động hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022-2025.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!


baothainguyen.org.vn

Cơ quan chủ quản: UBND TỈNH THÁI NGUYÊN

Bản quyền thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Trụ sở: Số 18, đường Nha Trang, thành phố Thái Nguyên Email: portal@thainguyen.gov.vn Điện thoại: 0208.3851149 Fax: 0208.3851149

Tổng Biên tập: Tạ Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên

Ghi rõ nguồn "thainguyen.gov.vn" khi phát hành thông tin từ website này