Truy cập nội dung luôn

Liên kết tạo nên thương hiệu du lịch vùng Việt Bắc

Những năm qua, từ những nét tương đồng về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, 6 tỉnh vùng Việt Bắc đã tích cực hợp tác, liên kết, phát triển du lịch tạo nên hành trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” . Qua đó, khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên và giá trị di sản văn hóa của các tỉnh trong vùng để giới thiệu tới du khách gần xa.

Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được UNESCO vinh danh là Công viên địa chất toàn cầu, là điểm đến yêu thích của khách du lịch

Tiềm năng du lịch dồi dào

Vùng Việt Bắc nằm trọn trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, gồm các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Bắc từng là cái nôi của cách mạng Việt Nam. Mỗi địa danh nơi đây đều gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.

Việt Bắc còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng những cảnh quan đẹp, hệ sinh thái đa dạng với những cánh rừng nguyên sinh, hệ thống sông, hồ, thác nước, hang động hùng vĩ. Trong danh mục Di tích Quốc gia Đặc biệt của toàn quốc, thì Việt Bắc đã đóng góp nhiều di tích, tiêu biểu, như: Khu di tích Pác Bó (Cao Bằng); Khu di tích Tân Trào, Khu di tích lịch sử Kim Bình, Danh thắng Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang); ATK Định Hóa (Thái Nguyên); Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể (Bắc Kạn)...

Nghi lễ “Lẩu then” mang đậm bản sắc văn hóa và gắn kết tình làng nghĩa xóm, đồng thời là một tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào Tày ở Lạng Sơn

Bên cạnh đó, Việt Bắc cũng là nơi hội tụ đa dạng sắc màu văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Đây là nơi sinh sống của trên 30 dân tộc anh em. Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, đồng bào các DTTS ở Việt Bắc còn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa độc đáo từ các nghi lễ truyền thống, lễ hội, trang phục đến các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc… mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc. Đây là những yếu tố hấp dẫn du khách ưa khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa bản địa.

Đặc biệt, vùng Việt Bắc cũng có nhiều di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như ởTuyên Quang có “Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn” ở xã Hồng Quang (Lâm Bình); “Lễ hội đình Hồng Thái” ở xã Tân Trào (Sơn Dương)…; tỉnh Bắc Kạn có “Hát ru của người Tày” ở Giáo Hiệu (Pác Nặm), nghi lễ “Múa Bát” của người Tày...; tỉnh Cao Bằng có Nghi lễ Then Tày, Lễ hội Nàng Hai, Nghề rèn truyền thống xã Phúc Sen…

Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Cùng với đó, là hệ thống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng, các làn điệu dân ca, dân vũ dân gian đặc sắc như: Điệu Sình ca của người Cao Lan, Lễ Cấp sắc, điệu Páo Dung của người Dao, làn điệu Soọng Cô của người Sán Dìu… chứa đựng trong đó các giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc.

Đặc biệt, trong số di sản của Việt Nam được UNESCO vinh danh, Việt Bắc cũng là khu vực có nhiều di sản được công nhận, như: Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); Công viên địa chất Non nước Cao Bằng (Cao Bằng), Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam... 

Sự thân thiện, mến khách của người dân tộc Dao Tiền (Cao Bằng) với khách du lịch

Việt Bắc còn được biết đến với nhiều sản vật cùng hương vị ẩm thực đặc sắc, mang đậm chất núi rừng. Bên cạnh là, lối sống, nếp sinh hoạt văn hóa của con người Việt Bắc mộc mạc, chân thành đã trở thành nét đẹp vô cùng hấp dẫn du khách đến tìm hiểu.

Tất cả làm nên một miền di sản phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc. Đó cũng là tiềm năng, thế mạnh để các tỉnh vùng Việt Bắc phát triển kinh tế du lịch với nhiều loại hình phong phú.

Liên kết tạo nên thương hiệu du lịch riêng

Trước đây, dù sở hữu tài nguyên đặc biệt hấp dẫn, nhưng du lịch các tỉnh vùng Việt Bắc vẫn ít hấp dẫn với du khách. Các hoạt động phát triển du lịch của các tỉnh Việt Bắc còn khiêm tốn, chưa tạo được sức mạnh thúc đẩy phát triển du lịch của mỗi địa phương. 

Nhận thức được điều đó, 6 tỉnh vùng Việt Bắc đã cùng nhau họp bàn, lên phương án hợp tác trong phát triển du lịch. Qua đó, khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên và các giá trị di sản văn hóa của các tỉnh trong vùng để giới thiệu với du khách gần xa.

Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” được tổ chức lần đầu tại Hà Giang năm 2009, đã phần nào khai thông điểm nghẽn trong phát triển du lịch của 6 tỉnh Việt Bắc. Từ đó, chương trình được tổ chức thường niên với hình thức quay vòng, luân phiên giữa các tỉnh.

Phần biểu diễn trong Lễ khai mạc Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIV và Lễ hội Thành Tuyên 2023

Qua 14 năm tổ chức, các tỉnh vùng Việt Bắc đã có nhiều nỗ lực hợp tác, liên kết, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, với những hoạt động hấp dẫn, tạo hiệu ứng lớn trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Bắc. Bước đầu có hiệu quả trong công tác phát triển du lịch, hình thành và kết nối chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh; thu hút các doanh nghiệp du lịch hợp tác, trao đổi liên kết phát triển thị trường khách du lịch.

Thời gian gần đây, các tỉnh trong vùng đã tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện, đa dạng, chất lượng cao, như du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông - lâm nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, chú trọng đến loại hình sản phẩm du lịch lịch sử cách mạng, gắn với giáo dục truyền thống, yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ…

Nhiều hoạt động tạo điểm nhấn mới

Năm 2024, Chương trình "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XV được tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn từ ngày 24 - 29/8, bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc, như: Giải đua xe đạp địa hình tỉnh Bắc Kạn mở rộng; Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc; triển lãm tranh và ảnh du lịch 6 tỉnh Việt Bắc; cuộc thi Hướng dẫn viên du lịch với chủ đề "Trải nghiệm một vòng Việt Bắc". Gắn với Chương trình, tỉnh Bắc Kạn cũng tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc kỷ niệm 75 năm Ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24/8/1949 - 24/8/2024).

Bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Việt Bắc là một trong những yếu tố hấp dẫn trong Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cho biết, với nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, cùng với sự nhiệt tình mến khách của Nhân dân các tỉnh Việt Bắc, sự giúp đỡ của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, phối hợp và liên kết của các doanh nghiệp, công ty lữ hành thông qua chương trình "Qua những miền di sản Việt Bắc", với những hoạt động điểm nhấn mới sẽ giới thiệu, quảng bá về tài nguyên, tiềm năng du lịch của 6 tỉnh Việt Bắc. Việt Bắc sẽ được du khách biết đến nhiều hơn, trở thành điểm đến du lịch lý tưởng, an toàn, thân thiện và hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Có thể nói, Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” đã tạo nên thương hiệu du lịch riêng có, đặc sắc của các tỉnh vùng Việt Bắc, góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó, Việt Bắc được xác định là 1 trong 7 vùng du lịch của cả nước.


dantocmiennui.vn

Cơ quan chủ quản: UBND TỈNH THÁI NGUYÊN

Bản quyền thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Trụ sở: Số 18, đường Nha Trang, thành phố Thái Nguyên Email: portal@thainguyen.gov.vn Điện thoại: 0208.3851149 Fax: 0208.3851149

Tổng Biên tập: Tạ Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên

Ghi rõ nguồn "thainguyen.gov.vn" khi phát hành thông tin từ website này