Truy cập nội dung luôn

Tạo đột phá về năng lực phòng chống thiên tai, lập phương án sơ tán đến từng hộ dân

2025-07-24 22:16:00.0

Chiều 24/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Tham dự phiên họp có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các đồng chí lãnh đạo các bộ ngành, thành viên Ban Chỉ đạo.

Chiều 24/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Tham dự phiên họp có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo.

Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước. Dự tại điểm cầu xã Đồng Hỷ có đồng chí Nguyễn Hữu Tùng, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã; đồng chí Dương Minh Trí, Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND xã cùng các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Đồng Hỷ.

Thủ tướng chủ trì Phiên họp tại điểm cầu Trung ương

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc tổ chức lại 3 Ban Chỉ đạo (gồm Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm Cứu nạn) thành Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thời gian qua; phân tích các bài học kinh nghiệm; xác định nhiệm vụ trong những tháng cuối năm và cả giai đoạn tới.

Đồng chí Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã chủ trì điểm cầu xã Đồng Hỷ

Theo các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã được triển khai quyết liệt theo tinh thần "từ sớm, từ xa", liên tục, sâu sát. Có thời điểm, cả Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng đều trực tiếp có mặt ở những điểm nóng mưa lũ để chỉ đạo khắc phục hậu quả. Các đồng chí lãnh đạo địa phương cũng thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các lực lượng tại chỗ thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ - lực lượng nòng cốt, xung kích, "chiến đấu trong thời bình" được huy động, không quản ngại hiểm nguy, có mặt ở những nơi khó khăn nhất, nguy hiểm nhất, để di dời dân, đảm bảo an ninh trật tự và tham gia cứu nạn, cứu hộ.

Các đại biểu cũng thảo luận, phân công, phân định nhiệm vụ tham mưu chỉ đạo phòng, chống thiên tai trong thời gian tới; đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thời gian qua, tình hình thiên tai trên toàn cầu xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng lớn, sức tàn phá ngày càng nặng nề, vượt qua mọi kỷ lục. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai. Năm 2024 và 7 tháng đầu năm 2025 là một giai đoạn hết sức cam go, toàn quốc đã xảy ra hơn 10.200 sự cố, thiên tai, làm 1.389 người chết, 398 người mất tích và thiệt hại vật chất rất lớn.

Theo Thủ tướng, đối mặt với những diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khốc liệt, dưới sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, nhất là các lực lượng tuyến đầu, lực lượng quân đội, công an đã luôn sẵn sàng vào cuộc, hỗ trợ người dân, đồng thời phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" được phát huy, qua đó giảm tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và người dân.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, tình hình thiên tai phức tạp đòi hỏi chúng ta đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa.

Theo Thủ tướng, trong hoạt động phòng thủ dân sự phải tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản: Phòng ngừa phải từ sớm, từ xa, từ khi chưa xảy ra sự cố; ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, phù hợp, an toàn, hiệu quả; khắc phục phải chung tay, cơ bản, toàn dân, toàn diện, toàn phần.

Thời gian tới, Thủ tướng cho biết dự báo diễn biến thiên tai năm 2025 là hết sức phức tạp, đặc biệt là những tháng 8, 9, 10 sắp tới và thực tiễn những năm qua cho thấy có nhiều diễn biến thiên tai không theo quy luật.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phải thay đổi căn bản về tư duy: Dứt khoát chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó phải hiệu quả, kịp thời, khắc phục phải hiệu quả; lấy con người làm trung tâm, chủ thể, xây dựng xã, phường, đặc khu là pháo đài, lấy quản lý rủi ro thiên tai làm trọng tâm trong mọi quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện về thể chế phù hợp tình hình mới; tạo đột phá về năng lực dự báo, năng lực ứng phó và năng lực khắc phục hậu quả, đặc biệt là đầu tư hạ tầng cần thiết, bảo đảm "bốn tại chỗ".

Trường Giang (Trung tâm Dịch vụ tổng hợp)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 14655895