Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Thái Nguyên xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

2018-03-29 16:38:00.0

Những năm qua, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của tỉnh Thái Nguyên cơ bản được sắp xếp, kiện toàn theo các quy định của Trung ương có vận dụng linh hoạt trong điều kiện thực tế của tỉnh để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Từ đó, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu hiện nay; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

 

Những năm qua, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của tỉnh Thái Nguyên cơ bản được sắp xếp, kiện toàn theo các quy định của Trung ương có vận dụng linh hoạt trong điều kiện thực tế của tỉnh để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Từ đó, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu hiện nay; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên có 19 đảng bộ trực thuộc với 88.517 đảng viên sinh hoạt; có 9 huyện, thành phố, thị xã, 180 xã, phường, thị trấn; 137 cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước; 834 đơn vị sự nghiệp, 1.312 tổ chức hội. Về biên chế cán bộ, công chức, viên chức, khối Đảng, đoàn thể tổng số là 1.058 người; khối Chính quyền, có 2.092 công chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, viên chức sự nghiệp hiện có 26.293 người; cán bộ, công chức cấp xã có 3.647 người. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ ở một số cơ quan, đơn vị còn chồng chéo, không hiệu quả; nhiều đầu mối giao quản lý biên chế dẫn đến khó thực hiện; bộ máy chưa tinh gọn, chi phí lớn, hiệu quả chưa cao. Việc phân công, giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ, đồng bộ; năng lực lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị tuy có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn chưa theo kịp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chậm, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức giữa các cấp và trong từng cơ quan chưa hợp lý; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp cơ sở còn hạn chế; một số đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả; công tác cải cách hành chính chưa được cọi trọng, hiệu quả chưa cao…

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), ngày 29/01/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Đề án số 09-ĐU/TU về thực hiện tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (gọi tắt là Đề án 09). Trên cơ sở đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế của tỉnh hiện nay, Đề án nêu rõ các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp và lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tinh giản biên chế đến năm 2021 và năm 2030. Theo đó, đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng tinh giản đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó; thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố; giảm tối thiểu 10% biên chế so mới năm 2015…

Thực hiện bố trí, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu quả đảm bảo nguyên tắc “một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính”: Bố trí số lượng biên chế, cơ cấu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, hợp lý, hiệu quả; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo hướng tinh gọn; tổ chức lại các chi cục, trung tâm và tương đương, các phòng chuyên môn có cùng chức năng, nhiệm vụ; từng bước tách dịch vụ công ra khỏi chức năng quản lý nhà nước; thực hiện nghiêm về số lượng lãnh đạo cấp phó. Đề án cũng nêu rõ nguyên tắc cụ thể đối với các cơ quan thuộc Tỉnh ủy, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện; cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Đơn cử như đối với sở, ban, ngành có dưới 6 đầu mối tổ chức được bố trí Giám đốc và không quá 02 phó Giám đốc, từ 6 đầu mối tổ chức trở lên bố trí không quá 03 phó Giám đốc. Các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc sở tối thiểu từ 07 biên chế trở lên; phòng có dưới 10 biên chế được bố trí Trưởng phòng và 01 phó Trưởng phòng, có từ 10 biên chế trở lên được bố trí không quá 02 phó Trưởng phòng; đối với Chi cục và các tổ chức tương đương có tối thiểu từ 17 biên chế trở lên, có 03 phòng được bố trí Chi cục trưởng và 01 phó Chi cục trưởng…

Trong năm 2018, một số nhiệm vụ cần tập trung triển khai thực hiện như: Thực hiện thống nhất Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy. Thực hiện Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Cơ bản hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện. Kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, thực hiện theo hướng chuyển giao các cơ sở đảng về huyện, thành, thị ủy; chuyển chức năng tham mưu vận động về công tác dân tộc, tôn giáo ở cấp tỉnh, cấp huyện về Mặt trận Tổ quốc. Thực hiện Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh và huyện; rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các sở, ban, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, kiên quyết cắt giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, chi cục, trung tâm, ban quản lý dự án và đơn vị sự nghiệp thuộc, trực thuộc. Sắp xếp tổ chức bộ máy Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Sắp xếp, tổ chức lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả theo hướng hợp nhất các trung tâm, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh hoạt động không hiệu quả thành một trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ hội viên, đoàn viên của các đoàn thể chính trị - xã hội…

Đối với việc thực hiện tinh giản biên chế, thực hiện tinh giản biên chế 10% cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2018 đến năm 2021. Đối với khối Đảng đoàn thể, dự kiến tinh giản biên chế ít nhất 99 người (trong tổng số 1.058 biên chế được giao từ năm 2013 đến nay). Đối với khối chính quyền, hằng năm giảm trung bình 2,5% biên chế ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương (số biên chế dự kiến giảm là 2.940 biên chế, trong đó 170 biên chế công chức, 2.770 biên chế viên chức). Chấm dứt các hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các tổ chức, cơ quan hành chính. Về chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Đề án 09 đã nêu rõ các đối tượng, điều kiện và mức hỗ trợ cụ thể, trong đó hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thôi việc ngay theo nguyện vọng; hỗ trợ nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng và đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ chức danh lãnh đạo có nguyện vọng nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.

Tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương chủ động xây dựng Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức triển khai sớm Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, để triển khai thực hiện Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: Các Ban của Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền quyết định để tổ chức thực hiện; chỉ đạo việc quán triệt Đề án đến các chi bộ, cán bộ, đảng viên; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện định kỳ báo cáo kết quả thực hiện. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cấp huyện do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban, thành viên là đại diện lãnh đạo các ban tham mưu giúp việc cấp ủy, các đơn vị, cơ quan địa phương cấp huyện. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng để tạo sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống chỉnh trị của tỉnh. Giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra kết quả thực hiện theo lộ trình Đề án./.

 

Nguồn: thainguyen.gov.vn

Trần Dương Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2840791