Logistisc Thái Nguyên: Tiềm năng và cơ hội …
2023-10-29 20:39:00.0
Thái Nguyên là tỉnh có nhiều lợi thế về giao thông.
Với sự quan tâm của các cấp chính quyền đến nay, Thái Nguyên có hạ tầng giao thông được đánh giá là tương đối đồng bộ, hiện đại so với khu vực miền núi trung du phía Bắc. Toàn tỉnh có gần 5.000 km đường bộ với trên 200km Quốc lộ và đường cao tốc thảm bê tông nhựa chất lượng tốt; Hơn 1.300km đường tỉnh, đường huyện được rải nhựa và trên 3.000 km đường xã, phường đảm bảo giao thông thuận lợi; Bên cạnh đó, hệ thống đường gom, đường kết nối các Khu công nghiệp trọng điểm với hệ thống giao thông đối ngoại đã được đầu tư cơ bản, đồng bộ, hiện đại. Việc khơi việc khơi thông được vấn đề hạ tầng giao thông trong thời gian qua đã mở ra những thời cơ mới cho tỉnh Thái Nguyên trong thu hút đầu tư, đặc biệt đối với các dự án FDI. Hệ thống giao thông đồng bộ, mang “tính liên kết, kết nối vùng” cao trở thành thế mạnh và điểm hấp dẫn, là “điểm đến tin cậy” đối với các nhà đầu tư. Với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ thời gian qua đã hỗ trợ ngành dịch vụ vận chuyển hàng hóa tối ưu từ nơi sản xuất, cung cấp đến tay người tiêu dùng, thúc đẩy Logistics Thái Nguyên phát triển. Đây là tiềm năng lớn của tỉnh nhà với ngành dịch vụ Logistics.
(Samsung Thái Nguyên tại KCN Yên Bình, thành phố Phổ Yên)
Bên cạnh lợi thế về kết cấu hạ tầng, Thái Nguyên là địa phương có nguồn hàng khá phong phú. Thái Nguyên đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha, tạo thuận lợi trong kết nối giao thông phục vụ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp logistics. Đối với đường bộ, nguồn hàng chủ yếu là thép, khoáng sản, các sản phẩm may mặc, sản phẩm từ các nhà máy tại các khu công nghiệp như: Khu công nghiệp Gang thép, Khu công nghiệp Yên Bình, Khu công nghiệp Điềm Thụy…vận chuyển bằng đường bộ đến khu vực cảng biển thuộc thành phố Hải Phòng. Nguồn hàng than, khoáng sản, thép… từ các mỏ vật liệu và các nhà máy trên địa bàn tỉnh vận chuyển bằng đường bộ đến cụm cảng Đa Phúc và các tỉnh lân cận để tiêu thụ. Với lĩnh vực đường thủy nội địa, nguồn hàng chủ yếu là than, khoáng sản, thép … từ các mỏ vật liệu và các nhà máy trên địa bàn tỉnh được vận chuyển đến cụm cảng Đa Phúc thông qua các bến thủy nội địa lên tàu vận chuyển theo tuyến Thái Nguyên - Phả Lại đi đến nơi tiêu thụ. Với đường sắt, nguồn hàng chủ yếu là than và quặng sắt được vận chuyển từ các mỏ đến các nhà máy trên địa bàn tỉnh. Đối với Thái Nguyên, hiện nay, vận tải hàng hóa trên địa bàn chủ yếu là vận tải đường bộ, khối lượng vận tải đường bộ chiếm phần lớn khối lượng vận chuyển, cước phí vận chuyển đường bộ cao dẫn đến chi phí vận tải chiếm tỷ trọng chủ yếu trong dịch vụ Logistics của địa phương.
Với tiềm năng đến từ hạ tầng, mặt bằng kho bãi và nguồn hàng nhưng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vận tải đa phương thức tại Thái Nguyên chưa nhiều. Từ 2022 đến nay, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Thống kê chưa đầy đủ về 2 doanh nghiệp logistics lớn trên địa bàn cụ thể như sau: Công ty TNHH MTV Logistics Thái Hưng năm 2022 doanh thu đạt 136.724 triệu đồng, nộp ngân sách 964,6 triệu; 6 tháng năm 2023: doanh thu 59.992 triệu, nộp ngân sách 1.041 triệu. Công ty Cổ phần Logistics ASG năm 2022 doanh thu đạt 438.059 triệu, nộp ngân sách 27.520 triệu; 6 tháng năm 2023: doanh thu 151.813 triệu, nộp ngân sách 2.848 triệu (Số liệu do đơn vụ cung cấp). Kết quả hoạt động trên vẫn còn khiêm tốn so với nhiều địa phương đã phát triển ngành Logistics trong cả nước.
(Vận tải hàng hóa trên địa bàn Thái Nguyên chủ yếu là vận tải đường bộ)
Để khai thác tốt hơn nữa về cách vận chuyển trọn gói từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ của hàng hóa với nhiều phương thức vận tải khác nhau như đường đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, kết nối với các địa phương có đường biển, đường hàng không, tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn tới:
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Nghiên cứu, áp dụng triệt để, có hiệu quả các chính sách, pháp luật quy định về phát triển dịch vụ logistics; kiểm tra, rà soát và ban hành các văn bản triển khai phát triển dịch vụ logistics phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện của tỉnh. Phổ biến, tuyên truyền các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến dịch vụ Logistics.
Đầu tư hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics
Sở GTVT tiếp tục phối hợp với các ngành, các địa phương rà soát các quy hoạch, kế hoạch, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển dịch vụ Logistics. Đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng Logistics. Đầu tư mở rộng hạ tầng Logistics khu vực trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp. Cải thiện cơ sở hạ tầng Logistics gắn với thương mại điện tử.
Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ. Khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp một số ngành như khai thác khoáng sản, thép, điện tử, may mặc… áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến. Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển dịch vụ Logistics và xã hội hóa nguồn lực phát triển dịch vụ Logistics.
Đối với phát triển thị trường dịch vụ Logistics cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho dịch vụ Logistics. Thu hút nguồn hàng từ các tỉnh khu vực đông bắc Bắc bộ trung chuyển qua khu vực Cảng Đa Phúc để vận chuyển đến các tỉnh đồng bằng bắc bộ, cảng biển và ngược lại.
Có thể thấy trong thời gian qua, Thái Nguyên đã tập trung thu hút đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; nhất là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics. Tỉnh Thái Nguyên tiếp tục cam kết sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư nhanh chóng, kịp thời nhằm duy trì và tạo môi trường đầu tư tốt nhất, thường xuyên rà soát, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, lĩnh vực đầu tư. Thái Nguyên cũng cần quan tâm hơn nữa đế phát triển và tận dụng các tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đến từ ngành dịch vụ vận tải đa phương thức Logistics mà Thái Nguyên là tỉnh trung tâm vùng núi trung du Bắc bộ có hệ thống giao thông đối ngoại liên kết vùng đa dạng, có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, địa hình thuận lợi trong khu vực./.
Văn phòng Sở tổng hợp
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 1
Tổng truy cập: 2264696