Tăng thuế thuốc lá: Giải pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cộng đồng
2025-05-13 10:36:00.0
Theo thống kê, mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người tại Việt. Đáng báo động, phần lớn nạn nhân là nam giới trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, khoảng 18.800 trường hợp tử vong là do hút thuốc thụ động. Thuốc lá cũng được xác định là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch, hô hấp, hơn 20 loại ung thư khác nhau và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Một trong những lý do khiến tỷ lệ hút thuốc ở Việt Nam vẫn ở mức cao là do giá thành rẻ.
Quốc hội đã xem xét dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi với hai phương án tăng thuế đối với thuốc lá. Phương án thứ nhất đề xuất từ năm 2026 giữ nguyên mức thuế 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao; đến năm 2030 sẽ đạt 10.000 đồng/bao. Phương án thứ hai bắt đầu với mức 5.000 đồng/bao từ năm 2026 và tăng 1.000 đồng/bao mỗi năm cho đến năm 2030.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển, đánh giá cả hai phương án đều "đi đúng hướng".
"Khi so sánh phương án lần này với dự thảo trước đó, mặc dù đúng hướng, nhưng mức tăng lại chưa đủ mạnh, chưa đủ liều để tạo ra sự thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng thuốc lá. Việc tăng thuế lần này vẫn còn thiếu tính đột phá nếu mục tiêu là giảm đáng kể tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng", TS. Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển cho biết những nội dung liên quan đến dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi
Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhấn mạnh thuốc lá tại Việt Nam hiện "rẻ đến mức nguy hại". Theo tiêu chuẩn của WHO, thuế thuốc lá nên chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ, trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam mới chỉ khoảng 36% – thấp gần nhất thế giới. "Chúng tôi khảo sát và phát hiện có khoảng 40 nhãn hiệu thuốc giá dưới 10.000 đồng, thậm chí chỉ 7.000 – 8.000 đồng, khiến trẻ em dễ tiếp cận và người lớn thiếu động lực bỏ thuốc", ông Lâm nói.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhận định rằng thuốc lá tại Việt Nam hiện "rẻ đến mức nguy hại"
Hiện tại, Việt Nam chủ yếu áp dụng thuế theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán của nhà sản xuất, dẫn tới tình trạng các nhãn hiệu rẻ vẫn có thuế rất thấp. Bổ sung thuế tuyệt đối, thu theo số tiền cố định trên mỗi bao thuốc, được cho là giải pháp khắc phục điểm yếu này.
"Khi có thuế tuyệt đối, các doanh nghiệp không thể điều chỉnh giá để né thuế nữa. Thuế cụ thể sẽ làm giá thuốc rẻ tăng nhanh hơn, thu hẹp khoảng cách giá giữa thuốc rẻ và thuốc đắt, từ đó giảm mức độ tiếp cận của giới trẻ", ông Tuấn Lâm phân tích.
Tăng thuế thuốc lá không chỉ mang lại lợi ích về mặt sức khỏe cộng đồng mà còn được kỳ vọng là công cụ tăng thu ngân sách hiệu quả. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh cho biết: "Các nghiên cứu cho thấy, các lần tăng thuế thuốc lá trong 10 năm qua tại Việt Nam đều không làm giảm thu ngân sách. Trái lại, phương án hai nếu được áp dụng có thể giúp Nhà nước thu thêm hơn 22.000 tỷ đồng mỗi năm, thậm chí lên đến 30.000 tỷ nếu mức thuế đạt 15.000 đồng/bao".
Bác sĩ Tuấn Lâm gọi đây là "thuế cùng thắng", vừa giúp giảm tiêu dùng thuốc lá, vừa mang lại nguồn thu để đầu tư vào y tế, giáo dục và hạ tầng. "Chúng ta có thể dùng khoản thu này để miễn học phí bậc phổ thông, khám chữa bệnh miễn phí hoặc đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở", ông Lâm đề xuất.
Tăng thuế cũng nhận được sự ủng hộ từ nhiều đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Tri Thức, đại biểu Quốc hội TP.HCM nhấn mạnh: "Một năm chi phí cho các bệnh lý liên quan đến thuốc lá lên đến hơn 108.000 tỷ đồng. Về y học thì rõ ràng là thuốc lá gây hại. Về kinh tế, hoàn toàn không có lợi ích gì". Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đai biểu Quốc hội TP.Hà Nội đề nghị mức khởi điểm là 5.000 đồng/bao 20 điếu, tăng 3.000 đồng mỗi năm từ 2027.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đai biểu Quốc hội TP.Hà Nội đề nghị mức khởi điểm là 5.000 đồng/bao 20 điếu và tăng 3.000 đồng mỗi năm
Phản hồi về đề xuất này, TS. Nguyễn Ngọc Anh đánh giá cao và gọi đây là "chưa bao giờ thấy đề xuất nào tuyệt vời như thế", vì vừa tăng thu ngân sách cao hơn, vừa giảm rõ rệt tỷ lệ hút thuốc lá trong dân. "Khi giảm hút thuốc lá, sức khỏe người lao động sẽ tốt hơn và góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng mà Đảng và Chính phủ đề ra", ông nói.
WHO cũng khẳng định tăng thuế là biện pháp "nhanh, hiệu quả và ít tốn kém" nhất trong các can thiệp giảm tiêu dùng thuốc lá. "Khi thuế đủ cao, người dân giảm tiêu dùng. Sức khỏe tốt lên, tuổi thọ tăng, lực lượng lao động khỏe mạnh hơn, năng suất lao động cao hơn", ông Lâm nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, hình ảnh những làn khói thuốc đã dần vắng bóng ở nhiều không gian công cộng, người dân cũng ngày càng ý thức hơn trong việc sử dụng thuốc lá nơi đông người. Đây là một trong những chuyển biến tích cực, đạt được nhờ quá trình triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 do Chính phủ ban hành.
Tuy vậy, ngành y tế vẫn cảnh báo rằng gánh nặng bệnh tật liên quan đến thuốc lá sẽ trở nên rõ rệt hơn trong vòng 10–20 năm tới, khi những người đang hút thuốc hiện nay bắt đầu phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Trong bối cảnh đó, tăng thuế thuốc lá được xem là giải pháp nhanh chóng, chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc giảm tiêu dùng và từ đó làm giảm gánh nặng bệnh tật do thuốc lá gây ra.
Việc sẵn sàng áp dụng các biện pháp mạnh mẽ như tăng thuế là điều cần thiết để đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia trong giai đoạn 2016–2030, bao gồm: đưa tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%, và ở nữ giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%.
vtv.vn