Phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch
2025-05-28 09:38:00.0
Phân cấp, phân quyền bảo đảm công khai, minh bạch, gắn với kiểm tra, kiểm soát quyền lực để các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân cấp chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm khi thực hiện.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ đã thực hiện rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và các lĩnh vực có liên quan, trong đó có 18 văn bản (có 07 luật, 07 nghị định, 04 thông tư, quyết định của Bộ trưởng) có nội dung, nhiệm vụ cần phân cấp, phân quyền (07 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; 25 nhiệm vụ của Bộ trưởng phân cấp cho chính quyền địa phương). Kết quả:
- Có 01 luật đề xuất phân quyền từ Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Luật Thi đua, khen thưởng);
- Có 03 luật đề xuất phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng các bộ có liên quan (Luật Du lịch, Luật Di sản văn hóa, Luật Thể dục, thể thao);
- Có 01 nghị định đề xuất phân cấp thẩm quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện (Nghị định số 111/2018/NĐ-CP quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương).
- Có 13 văn bản (03 luật, 06 nghị định, 04 thông tư) phân cấp nhiệm vụ, thẩm quyền từ Bộ trưởng cho chính quyền địa phương cấp tỉnh với 25 nhiệm vụ, trong đó có 15 nhiệm vụ phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, 10 nhiệm vụ phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Do vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã dự thảo Nghị định nhằm xử lý 18 văn bản QPPL để thực hiện phân cấp, phân quyền nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng; phân cấp, phân quyền, nhiệm vụ của Bộ trưởng cho chính quyền địa phương bảo đảm quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị về phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức chính quyền hai cấp ở địa phương, bảo đảm chủ trương của Đảng, các quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước của cấp có thẩm quyền được triển khai kịp thời, thuận lợi nhất.
Phân cấp, phân quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền địa phương
Theo dự thảo, các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ phân cấp, phân quyền cho Bộ trưởng, chính quyền địa phương bao gồm:
- Thẩm quyền ban hành khung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa";
- Thẩm quyền cho phép tổ chức xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO hỗ trợ bảo vệ các di sản được ghi danh trong Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp từ Quỹ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể;
- Thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề án, dự án bảo vệ và phát guy giá trị di sản tư liệu trong các danh mục của UNESCO trên cơ sở ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
- Thẩm quyền quyết định đưa di sản tư liệu trong các danh mục của UNESCO đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước, nước ngoài;
- Thẩm quyền quyết định tổ chức giải: Đại hội thể thao toàn quốc;
- Thẩm quyền công nhận khu du lịch quốc gia trên đại bàn 2 tỉnh trở lên;
- Thẩm quyền công nhận ngày truyền thống của bộ, ngành, cấp tỉnh;
Phân cấp, phân quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho chính quyền địa phương
Dự thảo cũng đề xuất phân cấp, phân quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho chính quyền địa phương gồm:
- Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ thông báo việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện đối với thư viện chuyên ngành ở trung ương;
- Thẩm quyền chấp thuận tổ chức lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên;
- Thẩm quyền tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức hàng năm;
- Thẩm quyền cho phép tổ chức bắn pháo hoa đối với trường hợp khác theo quy định tại khoản 8 Điều 11 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP;
- Thẩm quyền chấp thuận thay đổi nội dung ghi trong giấy phép hoạt động báo chí;
- Thẩm quyền cấp Giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương;
- Thẩm quyền Giấy phép sửa đổi, bổ sung Giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương;
- Thẩm quyền chấp thuận thay đổi nội dung trong Giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm, phụ trương;
- Thẩm quyền cấp giấy phép xuất bản đặc san;
- Chấp thuận thay đổi nội dung trong Giấy phép xuất bản đặc san;
- Thẩm quyền đăng ký danh mục báo chí nhập khẩu;
- Thẩm quyền cấp phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài;
- Thẩm quyền cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức ở trung ương và tổ chức nước ngoài;
- Thẩm quyền đăng ký hoạt động cơ sở phát hành xuất bản phẩm có trụ sở chính và chi nhánh tại hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;
- Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm cho cơ quan, tổ chức ở trung ương; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài;
- Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh của cơ quan, tổ chức ở trung ương và tổ chức nước ngoài có trụ sở tại Thành phố Hà Nội;
- Thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
Dự thảo Nghị định cũng quy định về trình tự, thủ tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền bảo đảm cơ quan, người tiếp nhận thẩm quyền thực hiện được trên thực tế nhằm bảo đảm vận hành bộ máy thông suốt kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
baochinhphu.vn