Truy cập nội dung luôn

Nhân dân vùng biên Điện Biên chung sức xây dựng nông thôn mới

2025-05-17 08:58:00.0

Là huyện biên giới xa xôi, khó khăn bậc nhất trong tỉnh Điện Biên, nhưng Nậm Pồ đã đạt kết quả nổi bật trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả đó là nhờ sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc thiểu số trong phong trào hiến đất xây dựng các công trình giao thông, nhà văn hóa… góp phần làm thay đổi diện mạo vùng cao, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Người có uy tín ở xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) vận động người dân tích cực tham gia hiến đất xây dựng công trình giao thông nông thôn tại địa bàn.

Trên đường đưa chúng tôi đi thăm các công trình đường giao thông ở bản Nà Hỳ 2 (xã Nà Hỳ); công trình nhà văn hóa ở bản Mạy Hốc (xã Phìn Hồ); nhà văn hóa ở bản Nậm Ngà 2, Nậm Chua 5 (xã Nậm Chua)… ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ đã nói như khoe về phong trào "nhân dân chung sức, hiến đất xây dựng các công trình xây dựng nông thôn mới" đã, đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con nhân dân các dân tộc.

Ông Hạng Nhè Ly, nói: Xác định tuyên truyền là khâu “then chốt” để người dân hiểu rõ được tầm quan trọng, ý nghĩa, cách làm xây dựng nông thôn mới, huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cùng thành viên 121 tổ dân vận cơ sở vào cuộc tuyên truyền, phân tích rõ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, đối với các công trình, dự án không có kinh phí giải phóng mặt bằng hoặc nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, Ủy ban nhân dân huyện đã phân công cán bộ, đảng viên về địa bàn vừa tuyên truyền, vận động, vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân để giải đáp thỏa đáng, từ đó người dân đã tự nguyện hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng nông thôn mới.

Cán bộ huyện Nậm Pồ tuyên truyền ý nghĩa chương trình xây dựng nông thôn mới đến bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn. (Ảnh: BÍCH HẠNH)

Điển hình cho các tấm gương đảng viên, nông dân đã tự nguyện hiến đất xây dựng các công trình, có đảng viên Thùng Văn Hôm, ở bản Nà Hỳ 2 (xã Nà Hỳ) đã tự nguyện hiến gần 400m2 đất để làm đường giao thông nông thôn; nông dân Sùng A Cua ở bản Mạy Hốc, xã Phìn Hồ đã tự nguyện hiến 500m2 đất để xây dựng nhà văn hóa.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thùng Văn Hôm và ông Sùng A Cua vui vẻ nói rằng: Với người nông dân “tấc đất là tấc vàng”, đất là sinh kế nuôi sống gia đình nhưng so với lợi ích từ công trình đường giao thông, nhà văn hóa phục vụ bà con dân bản thì sự đóng góp của gia đình tôi cũng là rất ý nghĩa. Tôi rất tự hào đã góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương ngày càng đổi thay.

Không chỉ tích cực hiến đất làm các công trình, nông dân huyện Nậm Pồ đã chủ động chuyển đổi cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước giảm nghèo bền vững.

Tại xã Nậm Chua, phong trào nông dân hiến đất, góp sức xây dựng nông thôn mới cứ năm theo năm lan tỏa từng nhà sang từng nhà như bông hoa đẹp tỏa hương thơm.

Thống kê trong 2 năm trở lại đây, đảng viên và nông dân trong xã Nậm Chua đã hiến gần 20.000m2 đất để làm đường giao thông và xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Tiêu biểu như: Cộng đồng bản Huổi Cơ Mông (37 hộ) hiến 17.250m2 đất làm đường bê-tông; cộng đồng bản Nậm Ngà 2 hiến 552m2 đất làm nhà văn hóa bản; cộng đồng bản Nậm Chua 5 hiến 609m2 đất làm nhà văn hóa bản…

Chia sẻ về cách thức tuyên truyền, vận động người dân hiến đất ở Nậm Chua, ông Thào A Khai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, cho biết: Ngay sau khi có chủ trương thực hiện công trình trên địa bàn, xã đã thành lập ban chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động; đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền tại các thôn, bản.

"Tổ chức các hội nghị, hướng dẫn cụ thể nội dung tuyên truyền với phương châm công khai, minh bạch, mưa dầm thấm lâu… trong đó lấy tinh thần của cán bộ, đảng viên đi trước; tích cực vận động, giải thích để các hộ dân thấy được lợi ích của việc mở rộng các tuyến đường và kết quả đã nhận được sự ủng hộ và đồng thuận của hàng trăm hộ dân đã tự tay dỡ tường rào, giải phóng cây cối, hiến đất mở đường với mong muốn được đóng góp công sức của để xây dựng quê hương", ông Khai cho biết thêm.

Các đồng chí lãnh đạo xã Chà Nưa kiểm tra tiến độ công trình nhà văn hóa bản Cấu được xây dựng trên diện tích hơn 1.000m2 do nhân dân bản Cấu tự nguyện hiến đất.

Cứ như thế, theo thời gian phong trào gia đình hiến đất, cộng đồng hiến đất đã lan rộng trong toàn huyện Nậm Pồ. Với tinh thần “đất vàng cũng hiến”, nhiều cộng đồng, người dân đã tích cực tham gia hiến đất, ngày công lao động xây dựng các công trình nông thôn mới.

Ước trong giai đoạn 2021-2024, người dân trong toàn huyện Nậm Pồ đã hiến hơn 59.000m2 đất làm đường giao thông, nhà văn hóa và hàng nghìn ngày công lao động. Nhờ đó, đến nay Nậm Pồ có 1 xã (Chà Nưa) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã, gồm: Chà Cang, Nà Hỳ, Si Pa Phìn đạt từ 13-18 tiêu chí; bình quân tiêu chí nông thôn mới trong toàn huyện đạt 12,33 tiêu chí/xã.

Diện mạo nông thôn tại các xã trong toàn huyện biên giới Nậm Pồ đã có nhiều khởi sắc rõ rệt, từng bước phát triển toàn diện; cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và được giữ vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã và đang được cải thiện, nâng cao, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa huyện vùng cao biên giới với các khu vực thành thị.

Cũng qua cách làm, kinh nghiệm tuyên truyền, vận động nhân dân góp sức, hiến đất xây dựng các công trình, huyện biên giới Nậm Pồ có thêm kinh nghiệm triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu khác, như: Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc ở huyện biên giới trên cực Tây của Tổ quốc.


nhandan.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1182987