Gắn kết khu vực FDI và kinh tế trong nước
2025-05-25 10:51:00.0
Giới thiệu công nghệ sản xuất hiện đại của Tập đoàn LG tại Hải Phòng.
Nghị quyết 68-NQ/TW ban hành ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đề ra nhiệm vụ tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Nhà nước hỗ trợ các dịch vụ tư vấn, xúc tiến thương mại để kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa. Áp dụng tỷ lệ nội địa hóa phù hợp theo lộ trình; các dự án FDI lớn phải có kế hoạch sử dụng chuỗi cung ứng nội địa ngay từ giai đoạn phê duyệt dự án...
Xu hướng của nhiều quốc gia hiện nay là các doanh nghiệp nội địa cần tham gia vào chuỗi cung ứng, dịch vụ của các doanh nghiệp FDI. Tại Việt Nam, quá trình này đang có không ít các “rào cản” cần tháo gỡ...
“Điểm nghẽn” liên kết khu vực FDI và doanh nghiệp nội địa
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính, năm 2024, Việt Nam thu hút hơn 38 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn thực hiện đạt trên 25 tỷ USD, nhiều chuyên gia đánh giá đây là con số khá ấn tượng so với những năm trước.
Lũy kế đến hết quý I/2025, Việt Nam có hơn 42.700 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt trên 510 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế gần 327,5 tỷ USD, bằng gần 64,2 tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Với con số này, Việt Nam lọt vào danh sách 15 quốc gia thu hút FDI lớn nhất toàn cầu.
Công ty TNHH Nichias Hải Phòng là một trong những doanh nghiệp FDI của Nhật Bản, đầu tư vào Việt Nam từ năm 2001, chuyên sản xuất các sản phẩm lọc khí; sản phẩm và phụ kiện từ nhựa (PTFE, ETFE); tấm gioăng đệm từ khoáng chất phi kim loại.
Ông Kengo Iwahara, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi đã nội địa hóa nhiều khâu sản xuất, các nguyên vật liệu chính trước phải nhập khẩu đã được thay thế bằng vật liệu từ các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này giúp chúng tôi giảm chi phí, giảm lượng hàng tồn kho, tiết kiệm chi phí vận chuyển, giảm phát thải CO2 và rút ngắn thời gian giao hàng. Việc liên kết này là minh chứng rõ ràng, hiệu quả của sự hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Hiện tại, chúng tôi đã nội địa hóa được 36% (tỷ lệ giữa giá trị vật liệu nội địa và tổng giá trị sản phẩm)”.
“Chúng tôi luôn hoan nghênh hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để trở thành đối tác trong chuỗi cung ứng của chúng tôi, doanh nghiệp Việt cần đáp ứng các điều kiện về cung cấp sản phẩm chất lượng cao và ổn định. Tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật và an toàn. Giá cả phải cạnh tranh nhất. Khả năng giao hàng đúng hạn. Hệ thống quản lý rõ ràng và minh bạch. Một khi đáp ứng được các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội lớn để tham gia sâu vào chuỗi giá trị của chúng tôi”, ông Kengo Iwahara nhấn mạnh.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết: Khi đầu tư vào Việt Nam, hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp FDI đều chủ động xây dựng các chuỗi cung ứng từ trước. Doanh nghiệp Việt muốn tham gia vào chuỗi giá trị đó, điều đầu tiên là phải đáp ứng các yêu cầu bắt buộc về năng lực công nghệ, máy móc, dây chuyền sản xuất, trình độ quản trị, cho đến các tiêu chuẩn theo xu hướng hiện nay như ESG (bao gồm môi trường, xã hội và quản trị bền vững). Để đạt được những yêu cầu này, cần sự đầu tư rất lớn về tài chính, trong khi đó tài chính lại đang là “rào cản” của các doanh nghiệp nội địa.
Ông Hòe cũng lấy một thí dụ để chứng minh điều này: “Cách đây hơn 10 năm, tôi đi khảo sát các doanh nghiệp trong KCN phụ trợ của Hà Nội, trong đó có Công ty Samsung và thấy rằng để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung thì phải có dây chuyền máy móc đạt chuẩn, giá trị đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp Việt muốn có dây chuyền đó mà đi vay ngân hàng thì phải có 30% vốn tự có - nghĩa là phải có 90 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, doanh nghiệp nào có thể có đủ 90 tỷ đồng để đối ứng. Trong khi đó các ngân hàng vì lo rủi ro cao nên hạn chế nhận thế chấp tài sản từ máy móc, thiết bị. Hiện tại, có thể chi phí cho dây chuyền sản xuất đã thấp hơn chút, nhưng chắc chắn số tiền cũng không nhỏ - phải hàng trăm tỷ đồng, mà hàng trăm tỷ ấy tiếp cận vốn trung, dài hạn là khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa lấy đâu ra được số tiền lớn như vậy”.
“Chúng ta cần nhìn nhận lại để có chính sách phù hợp. Bản thân doanh nghiệp cũng đừng ngại thay đổi những yếu kém từ chính nội tại, việc này trước hết là có lợi cho sự phát triển của chính doanh nghiệp, chứ không phải chỉ để phục vụ cho mỗi việc tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI. Mục tiêu lớn hơn và xa hơn là doanh nghiệp phải tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Hòe nhấn mạnh.
Thành lập quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa quốc gia
Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần chuyển mình từ vị thế chỉ đơn thuần/thụ động tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài sang vị thế đối tác chiến lược, đồng thời kiến tạo giá trị cùng với các doanh nghiệp FDI. Thay vì chỉ cạnh tranh bằng các chính sách ưu đãi, nguồn nhân lực giá rẻ, Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào nền tảng phát triển như: cơ sở hạ tầng logistics, năng lượng... Môi trường pháp lý phải ổn định, minh bạch, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư.
Chính phủ đang rất nỗ lực để tăng tốc, bứt phá đạt hai mục tiêu quan trọng: đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này rất cần có sự đóng góp không nhỏ của dòng vốn FDI cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài nói riêng và chuỗi giá trị toàn cầu nói chung.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng: “Cần tăng khả năng tiếp cận vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp nội địa, thông qua việc hoàn thiện và củng cố thành lập Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa quốc gia. Quỹ này hoạt động dựa trên các nguyên tắc xuyên suốt đó là: bảo lãnh tín chấp (tức là bảo lãnh không cần tài sản bảo đảm); bảo lãnh không điều kiện và không hủy ngang (có như vậy thì các ngân hàng thương mại mới chấp nhận cho vay vốn). Có sự chấp nhận rủi ro và trích lập dự phòng rủi ro. Đi kèm với đó, phải có bảo hiểm tín dụng (tức là sẽ trích ra một phần từ khoản phí để bảo hiểm cho khoản vay của người vay) phòng khi không may kinh doanh thua lỗ, sẽ có khoản bảo hiểm đó để trang trải cho khoản nợ”.
Về nguồn vốn hoạt động của quỹ, ông Hòe đề xuất, có thể tập hợp từ nguồn của các quỹ bảo lãnh địa phương hiện nay đang nắm giữ hơn 1.500 tỷ đồng và trích 20 nghìn tỷ đồng từ 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất trong thời gian Covid-19 mà Nghị quyết của Quốc hội cũng như Chính phủ đã quyết định dành 40 nghìn tỷ để hỗ trợ nhưng vẫn không thực hiện được đáng kể. Nguồn vốn thứ hai cho quỹ này đó là hằng năm ngân sách Trung ương, các địa phương, ngân hàng thương mại đều phải trích một phần tài chính để đóng góp vào quỹ nhằm gia tăng giá trị.
“Chỉ khi doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được sự hỗ trợ về tài chính theo phương châm 'chấp nhận rủi ro có kiểm soát' từ phía Nhà nước thì mới có thể liên kết được chuỗi giá trị với khu vực FDI”, ông Hòe nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đầy biến động và thách thức hiện nay, đây là thời điểm đòi hỏi sự đồng hành chặt chẽ hơn bao giờ hết giữa Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để kiến tạo những giá trị mới. Chúng ta không thể đi xa nếu đi riêng rẽ và chỉ có thể bứt phá khi cùng nhau chung vai sát cánh. Sự hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp FDI khi được xây dựng trên nền tảng niềm tin chiến lược và tầm nhìn dài hạn, sẽ là chìa khóa để cùng nhau vượt qua những thách thức, kiến tạo những giá trị bền vững và thịnh vượng.
nhandan.vn