Chuyển đổi số - nâng tầm hiệu quả hoạt động chính quyền địa phương hai cấp
2025-07-23 22:35:00.0
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất, tình hình hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Sông Công
Kết nối liên thông - Bộ máy vận hành liền mạch, hiệu quả
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 của Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi số được Tổng Bí thư Tô Lâm ví như hệ thần kinh trung ương, đảm bảo sự kết nối thông suốt, vận hành đồng bộ và quản lý hiệu quả giữa các cấp chính quyền. Chuyển đổi số tạo ra một mạng lưới liên thông, giúp tỉnh và xã phối hợp nhịp nhàng, xử lý thông tin nhanh chóng và phục vụ người dân hiệu quả hơn. Trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tỉnh chịu trách nhiệm hoạch định chiến lược, giám sát và hỗ trợ, trong khi xã là nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân, giải quyết các vấn đề cụ thể như cấp giấy tờ, hỗ trợ xã hội hay quản lý địa phương...
Là một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số trong cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số trên cả 3 mặt: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Trong đó, xác định chính quyền số có sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số ở địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã dần chuyển đổi hình thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số với mục tiêu trở thành chính quyền số phục vụ Nhân dân trên nền tảng số. “Xác định đảm bảo sự sẵn sàng về hạ tầng, quy trình và nguồn lực cho việc cung cấp dịch vụ công trong mô hình mới là một trong những ưu tiên, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu xây dựng, duy trì các hệ thống dữ liệu dùng chung và đảm bảo kết nối liên thông từ Trung ương đến cấp xã, đặc biệt là các hệ thống về dân cư, định danh điện tử và cổng dịch vụ công. Việc chuyển giao dữ liệu và xử lý thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường số sẽ giúp loại bỏ nguy cơ gián đoạn dịch vụ hành chính trong quá trình tổ chức lại chính quyền, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ông Dương Hữu Bường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.
Cùng với đó, để chuẩn bị cho việc áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn toàn tỉnh. Việc chuẩn hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính và vận hành một hệ thống dịch vụ công hiện đại, thông suốt, đồng bộ đóng vai trò then chốt, nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ công toàn trình dưới hình thức điện tử, vượt qua rào cản về địa giới hành chính.
Theo thống kế, đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 3.120 vị trí phát sóng thông tin di động; gần 6.100 trạm BTS (trong đó 121 trạm phát sóng 5G). 98,5% thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng. Hệ thống Quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh Thái Nguyên đã được triển khai đến 100% sở, ngành, xã, phường, với trên 12.000 tài khoản người dùng. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) tiếp tục được phát triển và khai thác hiệu quả để phục vụ nhu cầu ngày càng cao về việc kết nối, chia sẻ sữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, với trên 6 triệu giao dịch được thực hiện. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường mạng đạt trên 99%. Hơn 1 triệu tài khoản được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã thực hiện tiếp nhận thông tin khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp điện tử. Hơn 1,4 triệu tài khoản thanh toán được đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước công dân… Kết nối liên thông qua nền tảng số hóa, dữ liệu số và tương tác số đã mang lại sự tiện lợi chưa từng có cho chính quyền và người dân trên địa bàn. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng thăm, kiểm tra Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Phan Đình Phùng (mới) của tỉnh Thái Nguyên
Công cụ nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ
Từ 1/7/2025, chính quyền địa phương hai cấp chính thức hoạt động, phần lớn nhiệm vụ thuộc thẩm quyền cấp huyện trước đây được chuyển xuống cấp xã để hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền gần dân, sát cơ sở. Sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ từ cấp tỉnh xuống các xã, phường đã giúp định hình rõ hơn trách nhiệm và năng lực xử lý tại từng đầu mối. Điều này không đơn thuần là tinh gọn tổ chức bộ máy, mà còn là phép thử lớn đối với năng lực quản trị và phục vụ của hệ thống hành chính công tại 92 xã, phường mới trên địa bàn, đặc biệt trong việc đảm bảo quá trình chuyển giao không gây gián đoạn đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Tại Trung tâm phục vụ Hành chính công phường Phan Đình Phùng, từ khi chính thức đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày tiếp nhận và giải quyết hơn 100 TTHC, tập trung ở các lĩnh vực: Tư pháp, hộ tịch; tài nguyên môi trường; trật tự xây dựng. Trong điều kiện khối lượng công việc lớn, không ít nội dung còn bỡ ngỡ, song đội ngũ cán bộ, công chức tại đây luôn nỗ lực, nêu cao trách nhiệm để bảo đảm giải quyết hồ sơ hành chính thông suốt. Chị Cao Thanh Nhàn, công chức Tư pháp - Hộ tịch chia sẻ: “Số TTHC ở lĩnh vực Tư pháp thuộc thẩm quyền cấp xã trước kia là 39 thủ tục, thì nay đã tăng lên 61 thủ tục. Thêm vào đó, công việc mới đòi hỏi chúng tôi tiếp cận và làm chủ phần mềm mới để giải quyết các TTHC cho người dân. Dù bước đầu có bỡ ngỡ, nhưng với kinh nghiệm công tác và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, chúng tôi đã chủ động tìm hiểu các văn bản mới, tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ và phối hợp với bên xây dựng phần mềm để điều chỉnh các quy trình thủ tục sao cho phù hợp khi áp dụng trong thực tế.”
Ông Trần Đình Thìn, Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Phan Đình Phùng cho rằng: “Không chỉ tạo sự thông suốt trong nội bộ bộ máy, chuyển đổi số còn giúp tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền ở cơ sở. Người dân giờ đây có thể theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ của mình qua điện thoại, gửi phản ánh kiến nghị qua cổng dịch vụ công, hoặc tra cứu thông tin đất đai, thuế, y tế... qua các ứng dụng tích hợp. Cùng với đó, phường thường xuyên nắm bắt tình hình, quán triệt cán bộ, viên chức nêu cao tinh thần phục vụ; báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc để có hướng giải quyết. Do vậy, trong những ngày đầu vận hành chính quyền mới, mặc dù làm quen với địa bàn mới, khối lượng công việc cần giải quyết nhiều song vẫn đảm bảo quy trình xử lý TTHC được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi.”
Còn tại xã Na Rì, bà Nông Thị Anh Thơ, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để đảm bảo hoạt động của chính quyền địa phương sau sắp xếp, sáp nhập được hiệu quả, thông suốt, UBND xã đã rà soát, sắp xếp đội ngũ công chức và bố trí đủ nhân sự có năng lực, nắm chắc chuyên môn, nhất là ở các vị trí trực tiếp tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, phân công cụ thể, rõ ràng từng vị trí, đề cao trách nhiệm và tinh thần đoàn kết để phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, bảo đảm công việc không bị chồng chéo hoặc bỏ sót. Đồng thời, cử công chức các phòng chuyên môn phối hợp với lực lượng thanh niên tình nguyện trực tiếp hỗ trợ, tư vấn, giải đáp thắc mắc của người dân đến thực hiện thủ tục hành chính.”
Ông Nông Văn Bắc, công dân xã Na Rì sau khi được hướng dẫn, giải quyết TTHC đã chia sẻ: “Hiện nay, nhiều thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường điện tử, làm trực tuyến, đơn giản với các bạn trẻ, song lại là khó đối với người lớn tuổi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa như tôi. Nhờ sự tận tình, trách nhiệm của đội ngũ trực tiếp giải quyết TTHC và các cháu đoàn viên thanh niên, tôi rất yên tâm”.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Hoàng Sơn phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất HĐND phường Sông Công
Tại các hội nghị của UBND tỉnh gần đây, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: “Một trong những điểm mấu chốt để chuyển đổi số thành công trong bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp là thay đổi tư duy từ “quản lý hành chính” sang “phục vụ người dân và doanh nghiệp”. Điều này có nghĩa rằng, không còn là “chờ dân đến gõ cửa”, mà chính quyền các cấp phải chủ động “đến với dân” qua môi trường số. Khi người dân cảm thấy được phục vụ tốt, thủ tục nhanh, minh bạch thì niềm tin với chính quyền sẽ tăng.”
Rõ ràng, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng, mà là giải pháp chiến lược giúp các địa phương vận hành mô hình chính quyền 2 cấp một cách hiệu quả, minh bạch và gần dân hơn. Đó cũng là cách để bộ máy hành chính từng bước hướng tới xây dựng Chính phủ số - lấy người dân làm trung tâm, lấy hiệu quả phục vụ làm thước đo.
thainguyen.gov.vn