Truy cập nội dung luôn

Chủ động phòng dịch tay chân miệng: Đừng để trẻ mắc bệnh vì chủ quan

2025-05-11 22:20:00.0

Trước nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng trong thời điểm giao mùa, Sở Y tế tỉnh vừa ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị y tế, bệnh viện và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với đó, người dân được khuyến cáo nâng cao ý thức phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ - nhóm có nguy cơ cao nhất.

Ảnh minh họa

Theo ngành Y tế, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra, lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa, đặc biệt dễ bùng phát ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm nhưng thường gia tăng vào thời điểm chuyển mùa, từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 10 hằng năm. Trẻ em dễ bị nhiễm bệnh khi vệ sinh cá nhân không đảm bảo, thói quen rửa tay không được duy trì thường xuyên, hoặc tiếp xúc với đồ vật, đồ chơi bị nhiễm mầm bệnh.

Để hạn chế số ca mắc và ngăn ngừa dịch lan rộng, Sở Y tế Thái Nguyên yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng tập trung giám sát dịch tễ, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch; đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe đến người dân; phối hợp chặt chẽ với các trường học, nhất là nhà trẻ, mẫu giáo để triển khai các biện pháp vệ sinh lớp học, dụng cụ học tập và đồ chơi của trẻ.

Giáo viên Trường Mầm non Hương Sen, (TP. Thái Nguyên) vệ sinh cá nhân cho học sinh

Các cơ sở giáo dục được yêu cầu bố trí đầy đủ xà phòng, nước sạch tại các vị trí thuận tiện để giáo viên, học sinh thực hiện rửa tay thường xuyên. Việc theo dõi sức khỏe học sinh, phát hiện sớm các biểu hiện bất thường cũng được nhấn mạnh để kịp thời phối hợp với ngành y tế xử lý.

Tại các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu thực hiện nghiêm công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế chuyển tuyến và tránh quá tải. Việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, đặc biệt là phòng ngừa lây chéo giữa bệnh tay chân miệng với các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, viêm đường hô hấp, viêm phổi… được đặt lên hàng đầu. Ngành Y tế cũng đã xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp và số ca nhập viện tăng cao.

Sở Y tế Thái Nguyên kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh cá nhân và môi trường sống. Theo đó, các gia đình có con nhỏ cần tuân thủ nguyên tắc “3 sạch” gồm: Ăn uống sạch, ở sạch và bàn tay sạch. Cụ thể: Cho trẻ ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch, đảm bảo dụng cụ ăn uống được rửa sạch sẽ, không dùng chung thìa, cốc, khăn tay, khăn mặt; thường xuyên lau chùi, khử khuẩn các bề mặt trong nhà và vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, mặt bàn, sàn nhà, tay nắm cửa bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường; trẻ em và người chăm sóc cần rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và sau khi chăm sóc trẻ.

Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện như sốt, xuất hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng, người dân cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Trẻ mắc bệnh cần được nghỉ học, cách ly tại nhà và hạn chế tiếp xúc với trẻ khác để tránh lây lan.

Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện như sốt, xuất hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng, người dân cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời

Người dân tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà hoặc làm vỡ các nốt phỏng, tránh nguy cơ nhiễm trùng và lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, cha mẹ nên tăng cường dinh dưỡng, cho trẻ ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu để hỗ trợ phục hồi nhanh.

Sinh Kiên
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1182451