Chè Thái Nguyên tô đậm bản sắc du lịch vùng trung du
Mon Jun 30 23:26:00 GMT+07:00 2025
Du khách tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi thư giãn tại HTX Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, xã Tân Cương
Du lịch vùng chè gắn liền với bản sắc văn hóa
Hợp tác xã (HTX) Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, xã Tân Cương là một trong số ít các HTX tại Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương tổ chức được các hoạt động trải nghiệm trọn gói. Với 8 thành viên, HTX có tổng diện tích chè khoảng 30 ha, trong đó có 5 ha canh tác theo hướng hữu cơ. Điều này không chỉ nâng tầm giá trị sản phẩm mà còn phù hợp với định hướng phát triển du lịch, đảm bảo môi trường nghỉ dưỡng tốt nhất cho du khách. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận không gian thanh bình của một làng quê với nếp nhà sàn được bao quanh bởi những nương chè xanh mướt, bên cạnh đó là vườn cây, ao cá, mọi thứ thật gọn gàng và sạch đẹp, đủ vừa vặn để du khách có những dấu ấn về vùng quê đệ nhất danh trà Thái Nguyên. Đon đả mời khách chén trà nóng hổi, anh Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX chia sẻ: Với mong muốn phát triển nghề chè của ông cha, HTX đã đầu tư lớn về cơ sở vật chất, điều kiện lưu trú để đón khách, đồng thời tổ chức các hoạt động trải nghiệm đồi chè, trình diễn pha trà vào các ngày cuối tuần. HTX mong muốn được kết nối tour tuyến với các công ty du lịch, đơn vị lữ hành trong cả nước.
Xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông - một vùng quê đẹp dịu dàng, bình yên của Thái Nguyên
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 34 HTX nông nghiệp và dịch vụ kết hợp với du lịch, đa phần đều hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chè. Các mô hình này đã và đang từng bước hoạt động hiệu quả với tổng vốn hơn 355 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1000 thành viên và trên 650 người lao động, mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm, lưu trú. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 277 làng nghề được công nhận, 240 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao; 23 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nhiều dòng suối, thác nước, hồ nước… Đây là những tiềm năng, lợi thế để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn đang nhận được sự quan tâm của các thành phần kinh tế, nhất là các HTX nông nghiệp. Với sự giúp sức của các sở ngành của tỉnh, chính quyền địa phương, các HTX đang từng bước đẩy mạnh hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Du khách thích thú trải nghiệm sao chè truyền thống ở HTX chè La Bằng (Ảnh Phan Thái)
Thách thức trong phát triển du lịch từ cây chè
Có thể thấy, để phát triển du lịch từ cây chè không đơn thuần chỉ nằm ở chỗ khai thác, xây dựng điểm thăm quan tại chỗ mà cần biến các sản phẩm từ cây chè để phục vụ du lịch mang lại hiệu quả thiết thực, giúp phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Xã La Bằng nằm ở chân dãy núi Tam Đảo, nổi tiếng với những đồi chè đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ, thích hợp để phát triển du lịch. Thực hiện mục tiêu phát triển du lịch sườn Đông Tam Đảo, huyện Đại Từ (trước kia) đã có sự đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, tạo cho bộ mặt nông thôn ở đây sự khởi sắc rõ rệt, dáng dấp của vùng du lịch đã dần hiện hữu. Con đường nối từ Quốc lộ 37 tới trung tâm các xóm đã được trải nhựa phẳng phiu, những nương chè cũng được quy hoạch quy củ, chăm sóc kỹ lưỡng, cảnh sắc thiên nhiên đẹp đến nao lòng, những HTX du lịch cộng đồng đã bắt đầu thu hút du khách. Du lịch sườn Đông Tam Đảo trong đó có du lịch vùng chè có bước khởi đầu thuận lợi.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, cây chè vẫn chưa thực sự phát huy hết giá trị để phục vụ du lịch, giữa du lịch vùng chè và du lịch trải nghiệm khám phá còn thiếu sự kết nối. Chị Trần Thanh Huế, Phó Giám đốc HTX chè Cầu Đá, xã Hoàng Nông cho biết: Đồi chè Cầu Đá đẹp là thế, nhiều du khách biết tiếng tìm đến là thế nhưng hầu hết chỉ dừng chân để chụp ảnh check in mà chưa có dịch vụ gì để gia tăng giá trị. Người làm chè như chúng tôi chỉ biết sản xuất, giới thiệu sản phẩm trà, còn làm thế nào để kết nối tour tuyến, tổ chức các dịch vụ khác thì chúng tôi không đủ điều kiện. Bên cạnh khó khăn như chị Huế chia sẻ thì việc quảng bá thương hiệu "Chè Thái" còn chưa được thực hiện đồng bộ, thiếu những chiến lược marketing chuyên nghiệp khiến việc tiếp cận khách hàng còn hạn chế. Đây cũng là khó khăn của nhiều vùng chè trong tỉnh.
HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách khi đến với Thái Nguyên
Giải pháp và định hướng phát triển bền vững
Bà Vũ Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Để khai thác triệt để và hiệu quả nhất cây chè phục vụ cho du lịch cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp sản xuất chè trong việc tạo lập, phát triển, giữ vững nhãn hiệu “Trà Thái Nguyên” cho sản phẩm trà của toàn tỉnh cũng như thiết lập các cơ chế bảo hộ, xây dựng cơ sở pháp lý trong kiểm soát chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường, trong đó có thị trường du lịch.
Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế, vận động các doanh nghiệp kinh doanh chè đầu tư xây dựng các điểm tham quan từ đồi chè kết hợp với xưởng sản xuất, phòng trưng bày, thưởng thức và mua sản phẩm; mở rộng hệ thống bán, giới thiệu sản phẩm ra ngoài vùng trồng, sản xuất,... nhằm tạo ấn tượng và trở thành địa chỉ tin cậy đáp ứng, kích thích nhu cầu đối với du khách.
Song song với đó cần đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm du lịch vùng chè trong các sự kiện xúc tiến thương mại, du lịch trong và ngoài nước, tiến tới tổ chức lễ hội chè thường niên giúp du khách, đối tác dễ dàng nhận diện thương hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm… góp phần cho du lịch Thái Nguyên là một điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng trong lòng du khách và bè bạn gần xa trên hành trình khám phá Thái Nguyên.
Trà Thái Nguyên không chỉ là sản phẩm nông nghiệp mang tính biểu tượng mà còn là “chìa khóa vàng” để mở cánh cửa phát triển du lịch bền vững. Việc khai thác hợp lý tài nguyên cây chè gắn với bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và nâng cao giá trị kinh tế không chỉ góp phần làm giàu cho người dân mà còn tạo nên thương hiệu du lịch độc đáo cho Thái Nguyên.
thainguyen.gov.vn