Ấn tượng về vùng đất “Đệ nhất danh trà” Thái Nguyên
2025-07-17 08:37:00.0
Nhà văn Hồng Lam
Nhà văn Hồng Lam (Hội Nhà văn Việt Nam): Sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, tôi đã thử qua nhiều dòng trà khác nhau như trà Bảo Lộc (Lâm Đồng), trà O long nhưng loại mà tôi yêu thích nhất là trà Thái Nguyên và đã gắn bó với trà Thái Nguyên gần 40 năm. Vì điều kiện xa xôi nên tôi mới chỉ được thăm trực tiếp tại các vùng chè Thái Nguyên 2 lần. Sau nhiều năm trở lại tôi thấy các đồi chè ở đây được chăm sóc kỹ và đẹp hơn; cách làm thương hiệu chè của Thái Nguyên đã mang tính chiến lược hơn. Điều tôi ấn tượng nhất chính là tỉnh đã có nhiều sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP. Tuy vậy, các hợp tác xã còn khiêm tốn khi đánh giá về sản phẩm trà của mình và dư địa để phát triển các sản phẩm trà OCOP của Thái Nguyên còn rất nhiều. Tôi tin rằng việc phát triển các sản phẩm có thương hiệu tốt sẽ làm cho ngành chè Thái Nguyên phát triển bền vững hơn.
Nhà văn Ngô Đức Hành
Nhà văn Ngô Đức Hành (Hội Nhà văn Việt Nam): Thái Nguyên có những vùng chè rất đẹp, tỉnh nên nghiên cứu để gắn cây chè vào các loại hình du lịch hội thảo, du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái… Sản phẩm trà của Thái Nguyên đã vươn rất xa. Để nó lan tỏa rộng hơn nữa, tôi nghĩ rằng từng thành viên trong các hợp tác xã phải là những hướng dẫn viên du lịch chứ không đơn thuần chỉ giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Để làm được điều này, những thành viên đó, nhất là người trẻ phải hiểu được lịch sử, niềm tự hào, dư địa phát triển cây chè. Đây không chỉ là một sản phẩm mà nó còn mang trong mình giá trị lịch sử và bản sắc văn hóa của tỉnh. Nếu làm được điều đó, tôi tin rằng du lịch Thái Nguyên và cây chè Thái Nguyên sẽ ngày càng gắn kết bền chặt và tạo ra giá trị cao hơn.
Nhà báo Lương Thị Bích Ngọc (bên trái)
Nhà báo Lương Thị Bích Ngọc, cố vấn báo Vietnamnet: Ở Thái Nguyên có 4 vùng chè nổi tiếng, ngoài sự khác biệt về thiên nhiên, địa lý, cấu tạo nên các vùng chè thì tôi thấy sự khác biệt của các vùng chè đó chưa được thể hiện rõ. Là người làm truyền thông về du lịch nhiều năm, tôi thấy điểm lợi thế nhất của Thái Nguyên là trà ngon, trà thật, làm cho người ta cảm thấy rất yên tâm về chất lượng sản phẩm trà vì nó gắn với truyền thống, với nong trà, chảo gang. Tuy nhiên, khách du lịch mỗi khi đến với vùng đất nào đó, họ phải nhìn thấy sự mới lạ, sự hấp dẫn, kể cả ở cùng một vùng thì lần sau đến phải khác với lần trước một chút; không gian trải nghiệm phải tạo thêm điểm mới để làm cho khách du lịch đến lại lần sau. Ý tôi muốn nói không chỉ là cây chè, sản phẩm trà mà còn phải gắn với một câu chuyện nào đó về những con người đã làm nên vườn chè, để họ có thể viết nên một bài báo, một thước phim về người sản xuất, chế biến trà. Ngoài ra, còn phải làm cho họ thấy rằng đến các vùng chè này có rất nhiều câu chuyện chưa được khám phá hết, để lần sau đến họ lại được nghe một câu chuyện khác. Đấy mới thực sự là điều hấp dẫn khách du lịch đằng sau những vườn chè, những ấm trà ngon.
Nhà văn Văn Công Hùng
Nhà văn Văn Công Hùng (Hội Nhà văn Việt Nam): Thực ra trà Thái Nguyên đã nổi tiếng từ rất lâu, tôi nhớ chè Thái Nguyên đã rất được coi trọng từ thời còn chia nhau từng gói nhỏ trong túi ni-lông đến bây giờ được đóng trong các bao bì sang trọng. Trong vùng Tây Nguyên nơi tôi sinh sống và miền Nam có rất nhiều vùng chè với các loại trà khác nhau. Nhưng sau khi được thông thương, trà Thái Nguyên đến với nhiều vùng miền trên cả nước thì dường như đã "đánh bại" các loại trà khác. Tuy nhiên, tôi thấy có một thực trạng là ở đâu cũng thấy thương hiệu "Chè Thái Nguyên", thương hiệu chè Thái Nguyên đang bị xâm phạm ở nhiều nơi, kể cả ở Thái Nguyên. Tỉnh cần quan tâm xử lý đến vấn đề này để trà Thái Nguyên bên trong mỗi bao bì phải thực sự là trà Thái Nguyên chuẩn, được làm ra từ những vùng chè nổi tiếng, bởi chính những con người nơi đây.
Nhà văn Tống Phước Bảo (ngoài cùng bên trái)
Nhà văn Tống Phước Bảo (Hội Nhà văn Việt Nam): Theo tôi, tỉnh cần xây dựng nhiều trầm tích lịch sử về vùng chè, câu chuyện văn hóa để xây dựng Thái Nguyên thành một vùng chè mang nhiều dấu ấn đối với du khách, tạo ra sự liên kết vùng, ví dụ như từ câu chuyện của ông Đội Năm mang giống chè đến Tân Cương, sau đó rải ra các vùng chè khác trong tỉnh. Bên cạnh đó, nên xây dựng các tour du lịch dài tại các vùng chè và phải giải quyết được bài toán du lịch về ban đêm để giữ chân du khách với nhiều hoạt động về văn hóa, bản sắc dân tộc, du lịch, giao lưu... để cho du khách hiểu một cách sâu sắc, trọn vẹn hơn về vùng chè mà họ đã được trải nghiệm các hoạt động hái, sao, sấy chè… vào ban ngày. Tỉnh cũng nên có nhiều cách truyền thông về cây chè như tổ chức các cuộc livestream của những nhà văn hóa, lịch sử, nghệ nhân làm trà; tổ chức các cuộc thi mang tầm vóc toàn quốc, định kỳ về chế biến trà để tạo nét đặc sắc, dấu ấn về trà Thái Nguyên, qua đó khẳng định Thái Nguyên là nơi hội tụ của trà Việt Nam, đồng thời thu hút du khách đến khám phá trà kết hợp tham quan, du lịch; để mỗi khi nhắc đến trà là nhớ đến Thái Nguyên.
thainguyen.gov.vn