Đổi mới hoạt động đo lường - sứ mệnh trong phục vụ đời sống con người và phát triển kinh tế - xã hội
2025-05-16 15:16:00.0
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Trần Hậu Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia; lãnh đạo các vụ thuộc Bộ KH&CN, Hội Đo lường Việt Nam, Sở KH&CN, cùng trên 150 đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, UBND các huyện, thành phố của tỉnh; các hội, hiệp hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Đồng chí Trần Hậu Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo
Đo lường là một lĩnh vực khoa học kỹ thuật chính xác, là hoạt động không thể thiếu đối với đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và khoa học công nghệ, coi đây là những yếu tố để nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững đất nước. Minh chứng cho điều đó là việc Ban Bí thư và Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong những năm qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp trong cả nước đã có bước tiến đáng kể, từng bước xây dựng hệ thống đo lường tiên tiến, đồng bộ, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và đổi mới công nghệ. Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành các cơ chế, giải pháp đổi mới, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong đó, việc triển khai hiệu quả Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ là một điểm sáng tiêu biểu, thể hiện tư duy hành động, tính tiên phong và năng lực tổ chức thực hiện hiệu quả của hệ thống chính quyền địa phương trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Đồng chí Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu chào mừng Hội thảo
Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên trong cả nước hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thành công Chương trình đảm bảo đo lường - một nội dung cốt lõi, có ý nghĩa nền tảng và giá trị thực tiễn sâu sắc. Các mô hình điểm tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty Xăng dầu Bắc Thái, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt… không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh mà còn góp phần khẳng định uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tại Hội thảo đã có nhiều ý kiến tham luận, trao đổi tập trung vào các nội dung: Thực hiện đo lường trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; kết quả thực hiện Đề án 996 tại tỉnh Thái Nguyên; hiệu quả của việc xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường; gắn kết hoạt động đo lường với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; việc đo lường đối với hàng đóng gói sẵn…
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Hội Đo lường Việt Nam đã công bố thông điệp của ngày Đo lường thế giới với chủ đề “Đo lường cho mọi người, mọi thời đại - 150 năm Công ước Mét”. Chủ đề năm nay nhấn mạnh thông điệp sâu sắc về tính phổ quát, công bằng và lâu dài của đo lường, phản ánh sứ mệnh của đo lường trong phục vụ đời sống con người và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Các đại biểu tham quan, tìm hiểu sản phẩm được trưng bày tại Hội thảo
Lãnh đạo Sở KH&CN và Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu sát với tình hình quản lý đo lường hiện nay, đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp, đơn vị cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác đo lường để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và phát triển; cần đánh giá kết quả triển khai Quyết định 996/QĐ-TTg một cách khách quan, đầy đủ; việc chia sẻ kinh nghiệm, mô hình tốt, bài học thực tiễn từ các địa phương, doanh nghiệp cần được nhân rộng; đề xuất các giải pháp khả thi để đo lường thực sự trở thành đòn bẩy cho nâng cao năng suất, chất lượng, đặc biệt là trong khu vực kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân. Sở KH&CN cần tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo để nâng cao nghiệp vụ đo lường trong doanh nghiệp và các chuyên viên quản lý nhà nước về đo lường; bồi dưỡng và đề xuất cơ chế thu hút, đãi ngộ và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác đo lường, gắn với tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 38-CT/TW của Ban Bí thư.
Thông qua Hội thảo lần này, các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị đã đề ra các giải pháp đẩy mạnh chương trình đảm bảo đo lường góp phần mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, Sở KH&CN cùng các sở, ngành, địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã thúc đẩy hệ sinh thái đo lường hiện đại, hiệu quả - góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của kinh tế địa phương.
thainguyen.gov.vn