Truy cập nội dung luôn

'Bình dân học vụ số' từ cơ sở

2025-07-22 19:23:00.0

Nhằm đưa công nghệ đến gần hơn với người dân, nhiều địa phương của tỉnh Thái Nguyên đã triển khai những mô hình, cách làm sáng tạo, điển hình như mô hình “Bình dân học vụ số”- nơi mỗi người dân, cán bộ cơ sở đều được trang bị kiến thức số cơ bản.

Cán bộ Ngân hàng CSXH hỗ trợ khách hàng cài đặt ứng dụng VBSP Smart Banking.

Không còn là khẩu hiệu chung chung hay những thuật ngữ khó hiểu, tại nhiều xã, phường của tỉnh, “Bình dân học vụ số” đã trở thành các buổi hướng dẫn cụ thể: Cách cài đặt và sử dụng VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tra cứu thông tin trên Cổng Dịch vụ công quốc gia… Đối tượng tham gia đa dạng từ cán bộ thôn, tổ dân phố, giáo viên, đến người buôn bán nhỏ, người cao tuổi...

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tham mưu tổ chức phát động triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó đẩy mạnh việc tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) trên nền tảng trực tuyến đại trà.

Đến nay đã có 9.150 học viên, trong đó, có 6.776 là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền của tỉnh; 2.374 học viên là đoàn viên, thanh niên và thành viên tổ công nghệ số cộng đồng ở các đơn vị, địa phương tham gia khóa bồi dưỡng.

Trong đó, các xã phía Bắc của tỉnh đã phối hợp với Mobifone Bắc Kạn tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” năm 2025, hướng dẫn sử dụng các công cụ AI phổ biến tới 08 điểm cầu với sự tham gia của 154 cán bộ, đoàn viên, thanh niên.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tập huấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông sản cho lực lượng ĐVTN.

Mô hình “Bình dân học vụ số” gắn việc dạy với nhu cầu thực tiễn của người học. Sau khi học xong, nhiều người đã áp dụng ngay trong công việc, cuộc sống, như: Thanh toán điện, nước qua điện thoại; nộp hồ sơ xin việc online; tra cứu thông tin về bảo hiểm y tế, đất đai…

Ông Trần Công Linh, Phó Bí thư Chi bộ Tổ 8b, phường Đức Xuân, cho biết: Ban đầu nhiều người còn e ngại, vì không am hiểu về công nghệ, cách sử dụng điện thoại thông minh để cài đặt các ứng dụng. Tuy nhiên, nhờ hướng dẫn tận tình, được thực hành ngay tại chỗ, nên nhiều người đã biết làm thủ tục hành chính online, tra cứu thông tin chính thống, thậm chí mở tài khoản ngân hàng số...

Để đảm bảo các hệ thống, phần mềm dùng chung của tỉnh hoạt động thông suốt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&CN hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai việc rà soát, cập nhật, tổ chức lại các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác sắp xếp, tổ chức và vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với VNPT Bắc Kạn thực hiện tốt việc cài đặt tài khoản, cấu hình hệ thống, đồng thời quản trị, vận hành duy trì phần mềm hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình tổ chức mới.

Tuy nhiên, để mô hình này lan tỏa sâu rộng đến mỗi người dân, cần sự đồng hành mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và sự kiên trì trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. 

Theo ông Hoàng Văn Thiên, Phó Giám đốc Sở KH&CN, “Bình dân học vụ số” không chỉ là cách gọi hình ảnh, mà còn là một cách tiếp cận phù hợp với đặc điểm dân cư, trình độ không đồng đều ở nhiều địa phương trong tỉnh. “Bình dân học vụ số” ngay từ cơ sở, để mỗi người dân hiểu, biết và chủ động ứng dụng công nghệ, đó mới là lúc chuyển đổi số thực sự đi vào cuộc sống.


baothainguyen.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1191594