Truy cập nội dung luôn

WHO dự định đưa vaccine của Nga vào danh sách sử dụng khẩn cấp

(Chinhphu.vn) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang tiến hành thảo luận với Viện Nghiên cứu dịch tễ và vi trùng học Gamaleya - đơn vị bào chế vaccine Sputnik V của Nga, về khả năng đưa vaccine này vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

 

Hiện, WHO đang chờ nhận được dữ liệu về vaccine này và sẽ công bố các kết quả một cách rộng rãi nếu sản phẩm được đưa ra đánh giá đáp ứng được những tiêu chuẩn để đưa vào danh sách. WHO sẽ đề nghị các nước thành viên sử dụng vaccine Sputnik V khi nó được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Trong khi đó, Công ty Sinh học Hàn Quốc GL Rapha sẽ sản xuất hơn 150 triệu liều vaccine Sputnik V mỗi năm để phân phối toàn cầu.

Thông cáo báo chí từ Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết GL Rapha sẽ bắt đầu sản xuất vaccine Sputnik V tại Hàn Quốc vào tháng tới.

Cho đến nay, RDIF cho biết đã nhận được các đơn đặt hàng với hơn 1,2 tỷ liều vaccine Sputnik V của hơn 50 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc. Theo tổ chức này, 500 triệu liều vaccine có thể được sản xuất bên ngoài Nga theo hợp đồng với các đối tác quốc tế.

Trước đó, RDIF cho biết các kết quả thử nghiệm tạm thời cho thấy vaccine Sputnik V của Nga có hiệu quả tới 92% trong việc bảo vệ con người khỏi lây nhiễm dịch bệnh COVID-19.

RDIP khẳng định không có tác dụng phụ nghiêm trọng được ghi nhận trong thử nghiệm giai đoạn III của vaccine này.

Kết quả thử nghiệm trên dựa trên số liệu từ 16.000 người tham gia thử nghiệm đầu tiên nhận được cả 2 mũi tiêm vaccine Sputnik V cách nhau 21 ngày.

Ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Gamaleya khẳng định: "Việc công bố các kết quả thử nghiệm lâm sàng sau đăng ký chứng tỏ tính thuyết phục và hiệu quả của vaccine và mở đường cho chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn tại Nga trong những tuần tới."

Thử nghiệm giai đoạn III của Sputnik V diễn ra tại 29 bệnh viện tại thủ đô Moscow và có 40.000 người tình nguyện tham gia, với 1/4 số người này được tiêm giả dược.

Kết quả cho thấy khả năng nhiễm COVID-19 ở những người được tiêm vaccine Sputnik V giảm 92% so với những người được tiêm giả dược. Con số này cao hơn mức hiệu quả 50% đối với vaccine phòng COVID-19 do Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đặt ra.

Trước đó, 2 hãng dược phẩm là Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) cũng công bố loại vaccine phòng COVID-19 do 2 công ty này phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn III thử nghiệm trên người, cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối.

Vũ Phong
chinhphu.vn